Theo báo cáo thực trạng toàn cầu về phòng chống đuối nước của Tổ chức Y tế thế giới năm 2024, trong thập kỷ qua, đuối nước đã gây ra hơn 3 triệu ca tử vong trên toàn cầu.
Hơn 90% số ca tử vong do đuối nước xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, cho thấy các cộng đồng dễ bị tổn thương là những người có nguy cơ cao nhất.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam phát biểu.
Những thông tin trên được đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam chia sẻ trong Lễ ra mắt Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Các nhà báo bảo vệ quyền trẻ em của Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam được tổ chức hôm nay (18/7) ở Hà Nội nhằm góp phần thúc đẩy công tác truyền thông, phản ánh sâu sắc các vấn đề nóng để trẻ em có một tuổi thơ ý nghĩa và được bảo vệ toàn diện.
Báo cáo toàn cầu đã khẳng định công tác phòng chống đuối nước là một hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực và lớn hơn bất kỳ lĩnh vực hay tổ chức nào có thể tự mình xử lý.
Do đó, khuyến khích tất cả mọi người liên quan cùng hợp tác, tạo ra kiến thức mới, tiếp cận sâu hơn đến các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất do đuối nước, hình thành các mối quan hệ đối tác mới, đặc biệt là với những người chưa tham gia vào công tác phòng chống đuối nước, và tận dụng đà phát triển mạnh mẽ đang được tạo ra.
Đuối nước có thể xảy ra với bất cứ ai, nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được. Do đó, phòng chống đuối nước cũng là 1 trong những nội dung quan trọng được các chuyên gia cùng chia sẻ trong lễ ra mắt Câu lạc bộ các nhà báo bảo vệ quyền trẻ em.
Theo ông Đặng Hoa Nam – Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, vai trò của báo chí truyền thông trong phòng chống đuối nước trẻ em trong đó tập trung vào truyền thông về tầm quan trọng trong phòng chống đuối nước với thông điệp "Phòng chống đuối nước trẻ em là bảo đảm quyền sống của trẻ em" và "Tai nạn đuối nước hoàn toàn có thể phòng, tránh, kéo dài".
Đồng thời chuyên gia cũng cho rằng trong truyền thông phòng chống đuối nước ở trẻ em cũng cần truyền thông mạnh mẽ về chính sách giải pháp phòng chống đuối nước đến từng cấp chính quyền, từng gia đình, giáo viên… tập trung vào đầu tư nguồn lực phòng chống đuối nước trẻ em của địa phương để triển khai các mô hình can thiệp với các thông điệp "Vai trò chủ đạo của ngân sách Nhà nước trong phòng chống đuối nước" và "Hiệu quả đầu từ phòng chống đuối nước, cứu sinh mạng trẻ em";
Hướng dẫn hành động và can thiệp hiệu quả thông qua tạo môi trường an toàn, kiểm soát và cảnh giới khu vực có nguy cơ đuối nước cao. Dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước, ứng phó rủi ro và hiểm họa. Phổ biến và đào tạo kỹ năng cứu hộ, sơ cứu và thực hiện các quy định về an toàn giao thông đường thủy...Tất cả những hoạt động trên nhằm hướng đến thực hiện tốt thông điệp "Đuối nước xảy ra với bất kỳ ai nhưng hoàn toàn phòng tránh được" và "Bài học một người, cứu mạng nhiều người"...

Chuyên gia chia sẻ tại lễ ra mắt.
Chia sẻ thêm thông tin, tại sự kiện, bà Đoàn Thị Thu Huyền - Giám đốc quốc gia Tổ chức Campaign For Tobacco-Free Kids, Hoa Kỳ tại Việt Nam cho hay thông qua chương trình phòng chống đuối nước của tổ chức này, trong 7 năm qua chương trình đã giúp 52.250 trẻ từ 6-15 tuổi được học kỹ năng an toàn, 31.594 trẻ từ 6-15 tuổi được học bơi an toàn.
Tuy nhiên, bà Huyền cũng nhấn mạnh, một khó khăn truyền thông về đuối nước chính là gia đình khó mở lòng, khó chia sẻ trong vấn đề đuối nước vì vậy công tác phòng chống đuối nước cũng gặp khó khăn.
Phát biểu tại lễ ra mắt, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam cho biết trong 18 năm hình thành và phát triển, Hội đã tích cực tổ chức các chương trình, hoạt động bám sát nhiệm vụ được quy định trong luật, như: tư vấn, góp ý chính sách pháp luật liên quan đến trẻ em; giám sát việc thực hiện quyền trẻ em; phối hợp với các đoàn giám sát của Quốc hội; thực hiện khảo sát xã hội học; đề xuất các kiến nghị về vấn đề trẻ em.
Đặc biệt, Hội đã có những nghiên cứu, phát biểu chính kiến về nhiều vấn đề nổi bật như tình trạng bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, an toàn giao thông, thuốc lá điện tử và môi trường sống an toàn cho trẻ em.
"Do đó, tôi hy vọng sau khi được kiện toàn, Câu lạc bộ các nhà báo bảo vệ quyền trẻ em sẽ tiếp tục duy trì và phát triển, tạo ra nhiều sản phẩm báo chí chất lượng, có chiều sâu, đóng góp tích cực cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em"- bà Hoà nói.

Ra mắt ban chủ nhiệm Câu lạc bộ các nhà báo bảo vệ quyền trẻ em.
Ông Trần Hồng Quân, Chánh văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, sự ra đời của Câu lạc bộ các nhà báo bảo vệ quyền trẻ em là một lực lượng chuyên biệt, tập hợp những nhà báo có tâm huyết, có chuyên môn sâu về lĩnh vực bảo vệ trẻ em.
Hội Nhà báo Việt Nam tin tưởng rằng Câu lạc bộ các nhà báo bảo vệ quyền trẻ em sẽ phát huy tối đa vai trò của mình, trở thành cánh tay nối dài hiệu quả của Hội Nhà báo Việt Nam và của toàn xã hội trong công cuộc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục thế hệ tương lai của đất nước.
Tại buổi lễ, Hội Bảo vệ em Quyền trẻ em Việt Nam ra mắt Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ nhà báo bảo vệ quyền trẻ em. Ông Nguyễn Mạnh Huy, Uỷ viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Trẻ em Việt Nam làm chủ nhiệm Câu lạc bộ.