Nhắc đến sư thầy Thích Đàm Khoa, trụ trì chùa Trăm Gian (ngụ xã Tiên Phương, Chương Mỹ, Hà Nội), rất nhiều người cảm động trước vị sư thầy thích làm việc nhân nghĩa ở đời. Thầy đã trở thành một người cha, ngôi chùa trở thành nhà của bọn trẻ sơ sinh bị bỏ rơi - một việc nhân nghĩa của nhà Phật.
Duyên phận với những sinh linh bé dại
Một buổi chiều mùa đông gió bấc thổi reo réo và lạnh cóng người, thầy Thích Đàm Khoa co rúm lại trong bộ áo nâu. Thầy cố đi thật nhanh để trở về mái chùa Trăm Gian thanh tịnh. Chợt trước mặt thầy, đoạn qua Quốc lộ 6 chạy qua thị xã Hà Đông, khu đất gần Bệnh viện tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội) hiện ra cảnh tượng lạ lùng, trên chục người đang xúm quanh một cái giỏ bỏ gì đó, có vẻ hệ trọng, có người xuýt xoa chua xót, lại có người bức xúc:
- Đúng là đồ thất đức, thế nào cũng bị trời đày!
Cũng là chuyện thường, ở đời, nhiều người làm việc nhẫn tâm. Có người bảo: “Trời ơi, đứa bé đẹp thế, mà sinh ra mẹ nó lại vứt nó đi”, nghe thế, thầy Khoa thắt lòng lại, ở đời lại có người mẹ nhẫn tâm đến thế sao. Thầy lại thở dài thườn thượt, âu cũng tại hoàn cảnh cả, có thanh minh thay cho nhân tình thế thái cũng không giải quyết được gì. Còn đứa bé sơ sinh kia thì sao? Thầy Khoa tiến lại phía đám đông. Cảnh tượng thương tâm hiện lên trong đôi mắt hiền của nhà sư: Một đứa bé sơ sinh nằm gọn trong chiếc làn ai đó bỏ lại. Đứa bé rất xinh, nhưng mặt mày tái mét, đôi môi mỏng chưa hết nhờn tái tím vì cái rét, nó khóc thét. Bên cạnh chiếc làn là chai sữa ai đó thương tình mua cho đứa bé, đã cho nó uống hết một nửa. Sư thầy đưa bình sữa vào miệng nó, nó mút rồi run lên bần bật. Sư thầy bèn nói với mọi người:
- A di đà phật, thưa bà con, không thể để nó thế này, nhờ mọi người báo chính quyền hộ để cứu nó.
- Thưa thầy, nó còn bé quá, làm thế nào ạ?
- Thí chủ cứ đi báo chính quyền rồi tôi sẽ có cách.
Ngay lúc có đại diện của chính quyền địa phương, nơi đứa bé bị bỏ rơi, thầy đã trình bày rất ngắn ngọn thế này:
- Xin các bác cán bộ làm thủ tục, giấy tờ để tôi cho cháu nó vào chùa nuôi.
Nghe thế, những người chứng kiến đều đồng ý kiến với sư thầy có tấm lòng bồ tát, mọi người không ai bảo ai, ai cũng tự giác bỏ người 10 ngàn, 20 ngàn rồi cả trăm ngàn vào chiếc làn cho cháu bé. Vậy là nó được sư thầy bồng về chùa để nuôi nấng. Bây giờ, cháu bé đã gần 3 tuổi, chạy và nói bi bô, nó gọi thầy là cha, lại còn hát cho thầy nghe những bài mới học được ở trường, ai nhìn cũng vui thay cho hoàn cảnh của bé đã có nơi nương tựa.
Hay năm trước, lại có một cô gái trẻ đi xe ôtô BKS Hà Nội đỗ trước cổng chùa. Trông cô gái còn khá trẻ và sành điệu, tóc nhuộm vàng hoe. Trên tay cô gái trẻ xinh ấy ẵm một đứa bé sơ sinh mới được vài ngày tuổi, đứa con non nớt đáng được mẹ nó chăm bẵm, vậy mà cô gái khẩn cầu sư thầy:
- Thưa thầy, con muốn gửi đứa bé...?
- Đứa trẻ có phải là giọt máu của thí chủ không?
Cô gái ngập ngừng:
- Dạ... của cô bạn con, bị người yêu bỏ rơi thầy ạ. Mong được nhà chùa cứu vớt!
- Dù là con của ai cũng không nên thế!
Rồi thầy nhận đứa trẻ vào nuôi mà không nói thêm gì nữa. Có thể bản thân thầy và những người trong chùa, kể cả bạn đọc cũng hiểu, chưa chắc là con của ai đó, có thể là con của cô gái trẻ nhưng vì hoàn cảnh và tương lai sau này nên đã chối bỏ trách nhiệm làm mẹ. Nói rồi cô gái để lại số điện thoại, dăm lời khẩn khoản và những lời cảm ơn rồi ra về vội như ma đuổi. Sư thầy bằng lòng tiếp nhận cháu. Sư thầy phát hiện thấy da cháu bé vàng bất thường. Lúc đầu mọi người đoán là da vàng sinh lý, cứ để một thời gian rồi sẽ tự hết. Nhưng càng ngày thấy da cháu bé cứ vàng ệch mãi liền đưa cháu đi khám bệnh ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Kết quả được chẩn đoán là cháu bị viêm gan. Tìm cách nhắn qua điện thoại, nhưng mẹ cháu đang bận đi thực tập tốt nghiệp. Vậy là việc chạy chữa cho cháu đều do nhà chùa đảm nhận.
Nguyễn Thu H., 4 tuổi, là chị lớn trong cái gia đình chị em lít nhít nhặt nhạnh từ khắp nơi này. Mặt trái xoan, mắt đen lay láy thông minh. Mới học lớp mẫu giáo mà cháu đã thuộc hết mặt chữ, đánh vần được những chữ đơn giản. Đi học về, nó khoanh tay chào ngoan ngoãn. Bé nói với sư thầy: “Bố mẹ con đâu?”. Nó không biết mình được sư thầy tiếp nhận về từ bệnh viện khi còn đỏ hỏn.
Sư thầy Thích Đàm Khoa bên những đứa trẻ bị bỏ rơi. |
Mái chùa tình thương
Sư thầy Thích Đàm Khoa - trụ trì chùa Trăm Gian - cho biết, nhà chùa chỉ nuôi dưỡng chứ không nhập hộ khẩu cho các cháu bé. Sau này, bọn trẻ không nhất thiết phải thoát tục. Cuộc đời các cháu còn có đường mở. Khi tiếp nhận một cháu bé, giấy khai sinh sẽ lấy tên “bố mẹ” - một phật tử rộng tâm làm bố mẹ đỡ đầu. Nhưng mà “vất lắm”...!
Từ năm 2002 tới nay, sư thầy đã đưa về chùa 11 cháu. Đã đưa về là xác định nuôi nấng, dạy dỗ lâu dài. Có nhiều đôi vợ chồng Phật tử hiếm muộn đã đến nài nỉ nhận con nuôi. Điều tra lý lịch, hoàn cảnh và thiện chí của họ, sư thầy mới yên tâm giao đứa trẻ. Hiện ở chùa chỉ còn lại 8 cháu, đứa nhỏ nhất là 7 tháng và lớn nhất lên 4 tuổi.
Thông thường với mỗi gia đình, một con vất vả một, hai con vất vả hai. Đằng này nhà chùa lại rất nhiều “con”, nuôi bằng sữa, bằng bột, bằng sự âu yếm cưng nựng... Lại phải tính xa, sau chúng lớn lên lại cần học hành, nghề nghiệp để vào đời. Có lẽ vậy mà năm trước, nhà chùa đã xây dựng một “lớp mẫu giáo từ thiện chùa Trăm Gian” nằm ở ngay thôn Tiên Lữ cạnh chùa. Với kinh phí 60 triệu đồng, số tiền nhà chùa bỏ ra bây giờ là một cơ ngơi khá khang trang với bàn ghế và những trang thiết bị học tập. Trong lớp học này, ba cháu trong chùa cùng học mẫu giáo với những trẻ em trong thôn. Trẻ nhỏ vốn vô tư đùa nghịch không có sự phân biệt nào.
Cũng may, cái ăn cái mặc của chúng đã có thêm những phật tử cùng chung sức với nhà chùa. Dù thiện tâm, không phải ai cũng có điều kiện cưu mang những mảnh đời bất hạnh, nên với họ đây âu cũng là một cách sẻ san, tích đức.
Từ năm 1995, nhà chùa đã mở “phòng khám từ thiện” ngay tại khuôn viên chùa với sự cộng tác của hơn 10 giáo sư, bác sĩ hảo tâm, ưa hành thiện ở những bệnh viện lớn Hà Nội về chữa bệnh miễn phí cho mọi đối tượng trong vùng.
Sư thầy Thích Đàm Khoa chỉ trăn trở, khi chúng trưởng thành, khuôn viên chùa sẽ trở thành quá nhỏ nhoi so với xã hội rộng lớn ngoài kia, làm sao giúp chúng hòa nhập và tự lập? Và đau đáu nhất là khi mỗi đứa trẻ bắt đầu nhận thức, đi học, giao lưu với bạn bè cùng trang lứa rồi về hỏi “Bạch thầy, bố mẹ con đâu?”...
Sư thầy trầm ngâm: “Bọn trẻ không có tội, ta không nên làm chúng bị tổn thương. Nhưng chúng như cái lá non cần tìm về gốc rễ, nhà chùa biết làm sao để đưa chúng về...”. Chốn thiền môn thoát tục vẫn đau đáu những nỗi hệ lụy từ nhân thế, liệu những người cha người mẹ của từng đứa trẻ “nhặt” kia có hiểu được điều này?
Tôi hỏi thầy về những đạo lý ở đời, nhất là những trường hợp đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi, thầy bảo:
- Thí chủ không ở chùa thì không hiểu được các cháu bé sơ sinh bị bỏ rơi đáng thương như thế nào đâu. Tội lắm, không có tình yêu thương, hơi ấm, sự chăm sóc của bố mẹ. Tuổi thơ của chúng như bị đánh cắp. Rồi sau này chúng lớn lên sẽ bơ vơ, không ai lo cho cả. Chẳng cái gì bằng tình mẫu tử, dù nhà chùa có nuôi nấng tốt thì vẫn là nhà chùa, không phải là bố mẹ chúng, không lấp hết vết thương lòng cho bọn trẻ!
- Thưa thầy, về phần bố mẹ chúng thì sao, liệu chúng có cơ hội gặp lại những người đã sinh ra chúng, được về với gia đình không?
- Khó lắm, vì lúc sinh ra đã vứt chúng đi rồi thì làm sao họ còn nghĩ đến nữa chứ.
- Chẳng lẽ ở đời lại có những ông bố bà mẹ như thế sao?
- Thế đấy! Tôi mong sao báo chí phản ánh để những ông bố, bà mẹ bỏ con hãy nhìn lại mình, hãy cứu vớt lấy tuổi thơ các em khi còn chưa quá muộn. Họ đừng bỏ giọt máu của mình, đó là tội lỗi, sự suy đồi đạo đức. Mong rằng qua ngòi bút của các nhà báo, con người sẽ thấy giá trị hơn những cái mình có, dù là trong hoàn cảnh nào cũng đừng bỏ chúng nó, những sinh linh bé bỏng và tội nghiệp.
Những lời chân tình, triết lý nhà Phật sâu sắc đó là lời cảnh tỉnh đến mỗi người trong chúng ta.
Trung Dũng