Dưới gốc chè Shan Tuyết

29-01-2014 12:26 | Thời sự
google news

SKĐS - Chè Shan Tuyết Suối Giàng nổi tiếng của tỉnh Yên Bái vừa đón nhận Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Suối Giàng - Văn Chấn, do Cục Sở hữu trí tuệ cấp

Chè Shan Tuyết Suối Giàng nổi tiếng của tỉnh Yên Bái vừa đón nhận Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Suối Giàng - Văn Chấn, do Cục Sở hữu trí tuệ cấp. Sự kiện này được ví như “chiếc áo mới sang trọng” của ngành chè Yên Bái, từ đó củng cố, nâng cao thương hiệu và bảo tồn giống chè quý đã trải qua hàng trăm năm tuổi này.

Chè nuôi người

Từ lâu, đồng bào dân tộc Mông ở xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn coi mảnh đất nơi mình sinh sống là “Cổng trời”. Đây là vùng đất có độ cao trên 1.400 mét so với mực nước biển, là nơi đất trời gặp gỡ, giao hòa, khí hậu trong lành, quanh năm mây mù giăng kín lối đi, nhiệt độ luôn thấp hơn so với vùng đồng bằng từ 3 - 50C...

Chè San Tuyết Suối Giàng hàng trăm năm tuổi.

Chè San Tuyết Suối Giàng hàng trăm năm tuổi.

Đặc biệt, thiên nhiên đã “hảo tâm” ban tặng cho vùng đất này cả một rừng chè San Tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi với chất lượng thơm ngon đặc trưng. Hiện, diện tích chè Shan Tuyết ở xã Suối Giàng gần 410ha, trong đó chè cổ thụ có gần 4 vạn gốc từ 100 - 300 tuổi và khoảng 4 vạn gốc từ 10 - 100 tuổi. Đáng lưu ý, trong rừng chè đó có cây được xếp vào danh sách một trong 6 cây chè thủy tổ của thế giới. Hàng năm, vào đầu xuân mới, người Mông ở Suối Giàng lại sắm sửa lễ vật đến bên cây chè tổ để cúng cảm tạ trời đất, cảm tạ cây chè đã che chở, phù hộ cho bà con dân bản một năm mạnh khỏe, làm ăn thuận lợi...

Ông Vàng A Giao, Phó Chủ tịch xã Suối Giàng cho biết, trung bình một năm, toàn xã thu hái được khoảng 500 tấn chè búp tươi. Nếu đem bán hết cho thương lái với giá trung bình 8.000đồng/kg thì thu về cho bà con trong xã khoảng 4 tỷ đồng. Đây là con số không nhỏ đối với xã thuộc diện đặc biệt khó khăn (vùng III) với gần 100% đồng bào Mông sinh sống.

Việc thu hái chè cũng hoàn toàn thủ công.

Việc thu hái chè cũng hoàn toàn thủ công.

Không ai biết cây chè Shan Tuyết ở Suối Giàng có từ khi nào, chỉ biết cây hoàn toàn phát triển tự nhiên. Từ bao đời nay, người dân không hề sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, hay áp dụng khoa học kỹ thuật khác trong chăm sóc cây chè. Mỗi năm, người trồng chè chỉ phát cỏ hai lần vào tháng 6 và tháng 12. Cũng theo ông Giao, hiện một số xã trong huyện như xã Nậm Mười, xã Sùng Đô hay xã Phình Hồ (huyện Trạm Tấu) cũng có giống chè Shan Tuyết như trên nhưng số lượng và chất lượng thì không thể sánh bằng.

Vì vậy, chè Suối Giàng từ lâu đã là một danh trà nổi tiếng ở Việt Nam. Chất lượng búp tươi của giống chè này, ngoài hình thức đặc trưng như búp có tuyết trắng, ít lộ cẫng... thì nó còn có hàm lượng chất hòa tan cao (43,9%), hàm lượng tatin cao (31,8%) và có trên 15 loại este tạo hương thơm đặc trưng mà không loại chè nào có được.

Một năm cây chè Shan Tuyết ở Suối Giàng cho thu hoạch 4 vụ, vụ đầu tiên là vào đầu tháng 5. Khi sương sớm còn đọng nguyên trên những búp chè non, khi mặt trời chưa vượt qua dãy núi Hoàng Liên là lúc người dân lên nương hái chè. Tuyệt đối, không gia đình nào hái búp khi mặt trời đã nhô cao vượt qua đỉnh núi. Vì theo quan niệm của đồng bào nơi đây, như thế chè sẽ làm mất đi vị thơm ngon và đặc biệt là ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây sau này. Hơn nữa, việc hái chè cũng hoàn toàn bằng thủ công vì những cây chè ở đây đều khá cao, người dân phải trèo lên tận cành, ngọn mới thu hái được.

Gìn giữ cho muôn đời sau

Anh Giàng A Xu ở thôn Tập Lăng cho biết, gia đình anh có tiếng là sao chè ngon bằng phương pháp thủ công. Kinh nghiệm để sao chè ngon đã được truyền qua nhiều đời trong dòng tộc là ngay sau khi chè được hái thì tiến hành sao ngay, không nên để quá hai giờ đồng hồ vì như thế hương, vị và màu sắc đều không đảm bảo.

Sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Suối Giàng - Yên Bái.

Sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Suối Giàng - Yên Bái.

Chè hái về được cho vào chảo gang sao trên bếp củi và luôn đảo đều tay. Khi búp chè héo bớt thì đổ ra nong và vò lại bằng tay thật nhanh cho đến khi búp săn lại rồi cho vào chảo để sao tiếp. Đặc biệt, lúc đó phải giữ lửa nhỏ và đều, cho đến khi chè săn lại. Nhiều người cầu kỳ còn thực hiện các công đoạn tạo hương, tạo độ bóng và mượt cọng chè.

Hiện nay, một số gia đình và cơ sở thu mua chế biến chè dùng bom để sao nhằm giảm công sức lao động. Nhưng dù sao bằng phương pháp thủ công hay dây chuyền công nghệ hiện đại thì quan trọng nhất vẫn đảm bảo màu chè đen nhạt, bóng và có ánh tuyết trắng đặc trưng của chè Shan. Nước chè sau khi pha phải có màu vàng như mật ong rừng và hương thơm ngào ngạt. Ban đầu uống thì hơi chát dịu nhưng sau đó có vị ngòn ngọt đượm đà nơi cuống họng...

Có lẽ vì chè Suối Giàng hội tụ những điều đặc biệt như thế nên giá một kg chè khô cũng không hề rẻ, trung bình khoảng 300 - 400 nghìn đồng/kg, có loại lên đến 1,2 triệu đồng/kg, thậm chí 1,6 triệu/kg. Giá cao là vậy song không phải lúc nào cũng có sẵn bởi chè Suối Giàng thường được du khách và thương lái mua hết ngay khi mới “xuất lò”.

Sao chè ngay sau khi được thu hái.

Sao chè ngay sau khi được thu hái.

Mặc dù nổi tiếng là vậy, song cây chè Suối Giàng cũng từng trải qua không ít biến cố thăng trầm. Có thời, người tiêu dùng đã mất lòng tin với sản phẩm chè đặc sản này. Nguyên nhân là do nhiều tư thương vì lợi nhuận trước mắt đã pha trộn với các loại chè khác để bán kiếm lời. Sự lợi dụng quá mức tên tuổi chè Suối Giàng trên thị trường với các sản phẩm chất lượng thấp, không đảm bảo vệ sinh, không rõ nguồn gốc... đã đẩy người trồng chè Suối Giàng vào những hệ lụy cay đắng trong thời gian khá dài. Đây cũng là lúc một số đối tượng lợi dụng thu mua các cây chè cổ thụ để làm cảnh, dẫn đến hiện tượng các hộ dân ồ ạt bán những “cây vàng” mà thiên nhiên đã ban tặng.

Tuy tình trạng này đã được kiểm soát nhưng người dân nơi đây lại đang phải lo lắng vì số cây chè cổ thụ ngày càng giảm trầm trọng cả về số lượng và chất lượng. Nguyên nhân một phần do cây quá già cỗi, phần lớn là do bị mối ăn vào thân, cành khiến cây bị chết dần chết mòn. Theo thống kê chưa đầy đủ, diện tích chè bị mối ăn hiện nay khoảng 30ha, chủ yếu tập trung nhiều ở thôn Bản Mới, thôn Giàng B, thôn Tập Lăng.

Trước tình trạng này, Phòng Nông nghiệp huyện Văn Chấn đã yêu cầu bà con không nên dùng thuốc hóa học để diệt mối vì ảnh hưởng đến chất lượng và thương hiệu chè Shan Tuyết Suối Giàng.

Nhằm duy trì, bảo tồn, phát triển bền vững và ngày càng nâng cao uy tín, chất lượng chè Shan Tuyết trong nước và quốc tế, năm 2013, tỉnh Yên Bái đã tổ chức Lễ công bố và đón nhận Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Suối Giàng - Văn Chấn cho sản phẩm chè Shan Tuyết của xã Suối Giàng. Đây được xem là bước tiến dài trên con đường xây dựng thương hiệu của một loại chè đặc biệt ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Hợp Đoàn, Phó Chủ tịch huyện Văn Chấn cho biết, hiện nhu cầu sử dụng chè xanh và chè xanh hữu cơ trên thị trường là rất lớn, đặc biệt là ở các nước phát triển. Vì vậy, nếu tổ chức tốt khâu sản xuất để sản phẩm được chứng nhận chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế thì chè Shan Tuyết Suối Giàng có giá trị rất cao và sẽ là nguồn thu nhập lớn cho địa phương. Trước mắt, huyện sẽ tích cực đề nghị các cấp, ngành của Trung ương, tỉnh, huyện cần quan tâm hơn nữa trong việc triển khai các đề tài khoa học nhằm duy trì, bảo tồn và phát triển vùng chè cổ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân trong việc quan tâm chăm sóc, thu hái và sản xuất chè theo đúng quy trình kỹ thuật để chất lượng sản phẩm luôn đảm bảo.

Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên và lịch sử văn hóa của đồng bào Mông, UBND tỉnh Yên Bái đã phê duyệt dự án đầu tư phát triển khu du lịch sinh thái nơi đây. Ngoài ra, Yên Bái đang cố gắng từng bước đưa sản phẩm chè Shan Tuyết đạt tiêu chuẩn quốc tế (ISO 22000) trong thời gian sớm nhất.       

   Bài, ảnh: An Nhiên

 


Ý kiến của bạn