Người ở đảo bảo rằng, cứ nhìn khối hàng hóa khổng lồ đó thì biết cuộc sống ở làng đảo đã sung túc thế nào. Đặc biệt, nỗi ám ảnh về dịch bệnh trên đảo đã được xua tan, phân trạm y tế trên đảo khang trang như đất liền, nhà nhà yên tâm vì cứ bốc điện thoại alô là có nhân viên y tế ngay.
Mùng 7 mặc định
Vừa tất bật đi thăm khám bệnh cho ngư dân trên đảo về, Trưởng phân trạm y tế làng đảo Trí Nguyên - ông Trần Xuân Thư lại tỉ mẩn ghi chép lịch trình của nhiều thuyền viên, thợ lặn vừa vươn khơi. Ông bảo: Trên làng đảo này có đến trên 3.000 cư dân mà hầu hết đều làm nghề biển. Trong những ngày dài vật lộn với sóng gió, ăn uống và sinh hoạt thất thường rất dễ nhiễm các loại bệnh khác nhau nên ngay khi kết thúc đợt đi biển mình phải đến bắt bệnh cho họ ngay nếu không họ sẽ chủ quan mà quên mất việc đi thăm khám và chăm lo cho sức khỏe của chính mình.
Trưởng phân trạm y tế đảo Trí Nguyên luôn tâm niệm: xem người bệnh như ruột thịt.
Nắm bắt tâm lý dân đảo dễ hòa đồng nhưng hay quên thứ, ngày cụ thể nên các y sĩ, điều dưỡng trong Phân trạm y tế Trí Nguyên chọn một ngày cố định là ngày mùng 7 hàng tháng làm ngày tiêm chủng và thăm khám bệnh định kỳ cho người dân trên đảo. Điều dưỡng Trần Xuân Thư lý giải hóm hỉnh rằng: Con số 7 này rất lợi hại, đến nay đã đi vào trí nhớ của từng người dân. Để khắc sâu hơn thì thỉnh thoảng chúng tôi lại đi một vòng quanh đảo và hô khẩu hiệu, hãy nhớ ngày mùng 7. Vì đã được ấn định cho ngư dân dễ nhớ nên có rơi vào ngày lễ, ngày chủ nhật…thì ngày mùng 7, tất cả y tá, y sĩ của phân trạm cũng phải túc trực đầy đủ từ sáng tinh mơ đến đêm khuya để phục vụ người dân.
Gắn bó với Trí Nguyên từ những ngày đầu lập làng, lão ngư Trần Văn Thực bộc bạch: Lúc trước, nhiều người chủ quan có bệnh nhẹ cũng cứ kệ, chẳng thăm khám làm gì. Có người còn uống rượu cho say để quên các cơn đau. May có các điều dưỡng, y tá trên đảo kêu gọi phải thường xuyên thăm khám. Giờ đây, ngày mùng 7 như ngày hội ở đảo vậy, nhà nhà í ới gọi nhau đưa con đi tiêm chủng, người nào thấy cơ thể khác thường cũng rủ nhau đi khám bệnh.
Nhiều căn nhà phải sống bám vào vách núi, trong lúc sửa sang có người té rách tay, có người xây sát lưng, để không xảy ra những biến cố đáng tiếc vì chủ quan, từng nhân viên ở Phân trạm y tế Trí Nguyên dặn kỹ từng nhà nếu thấy hàng xóm của mình bị đau, bị ngã thì nên báo nhân viên y tế ngay.
Vận vào mình như một thói quen đẹp, bà Lê Thị Hậu ở cuối làng đảo làm nghề bán hàng rong nên cứ dò la thấy ai có bệnh là đi “mách” phân trạm y tế ngay. Bà Hậu tâm tình: Có hôm chả bán được gói bánh, bịch đậu phộng nào mà cứ đi “thám thính” xem có ai mệt trong người, có ai bị sốt không. Làm việc đó thấy thích lắm vì có nhiều người bệnh không trầm trọng hơn, sống khỏe hơn vì được khám kịp thời. Nhất là những người già và các lao động thường xuyên làm việc nặng nhọc như: đóng tàu, bốc vác cá, thợ hồ xây nhà…
Có một ngịch lý xúc động trên đảo Trí Nguyên là nhiều người năng nổ đi thăm khám bệnh vì thương y sĩ, điều dưỡng trước khi thương chính bản thân mình. Thợ đóng tàu Nguyễn Minh Vũ kể: Bao phen mình bị dập tay, sứt ngón chân nhưng cứ để kệ thế băng bó và chườm đá lạnh. Nhưng điều dưỡng và y tá biết được cứ ngày đêm đến tận nhà thăm hỏi, khám vết thương và thay băng. Khi khỏi vết thương, họ còn hay đến khám bệnh cảm cúm, cảm lạnh… Thấy thương họ quá nên mình tự đến phân trạm y tế để khám định kỳ hoặc khi có sự cố nhỏ về sức khỏe.
Cuộc sống trên đảo đã khởi sắc.
Bắt trúng bệnh là điều then chốt nhất
Hơn 10 năm trước, nỗi ám ảnh về bệnh sốt xuất huyết, dịch tả bám riết lấy từng người dân đảo Trí Nguyên. Nhiều đứa trẻ đổ bệnh vì không được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch trình. Nhưng những ngày đầu tháng 10/2017, theo điều dưỡng Trần Xuân Thư thì đã có thể thở phào nhẹ nhõm. Hiện tại, phân trạm có đầy đủ dược sĩ, y sĩ, y tá, điều dưỡng với hơn 10 phòng chức năng. Tỉ lệ trẻ em đến tiêm chủng đạt 100%, người dân thăm khám bệnh định kỳ thường xuyên, cứ trung bình mỗi tháng có trên 150 lượt người dân đảo đến thăm khám. Vừa khám bệnh vừa tuyên truyền tại chỗ nên 100% người dân đi ngủ đã mắc màn và không còn ăn uống thiếu vệ sinh như trước nữa. Công tác dân số cũng được điều dưỡng Thư cùng các nhân viên của mình vận động từng nhà, tư tưởng “trời sinh voi, trời sinh cỏ” đã đi ra ngoài ý nghĩ của cư dân đảo. Ngay cả những ngư dân đi biển cả tháng cũng mang theo dụng cụ nấu ăn và những loại thuốc tây y thông thường.
Ông Thư tâm niệm rằng chỉ có tri thức và lòng cần cù, đùm bọc mới giúp con người mở ra tương lai cho chính mình, cho mọi người xung quanh. Với tâm niệm ấy suốt hàng chục năm gắn bó cứu chữa bệnh cho dân đảo, ông tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để đọc, cập nhật các kiến thức mới về y học để áp dụng vào công tác. Dẫu vậy nhưng điều kiện máy móc còn hạn chế nên Phân trạm y tế Trí Nguyên xác định thăm khám chính xác bệnh ngay từ ban đầu là điều quan trọng nhất để kịp thời chuyển bệnh nhân lên tuyến cao hơn.
Nhiều ca cấp cứu đến giờ Trưởng phân trạm Trần Xuân Thư vẫn còn giật thót khi nhớ lại. Ông bộc bạch rằng: Ở đây người dân với nhân viên y tế như người nhà vậy. Nhiều đêm mưa gió mịt mùng, người dân chẳng đến phân trạm mà bốc điện thoại gọi là chúng tôi vượt giông tố mang thuốc men và y cụ đến ngay. Hai căn bệnh phổ biến nhất hiện nay là tiêu chảy và cảm lạnh. Cách đây không lâu có ca tiêu chảy liên tục lúc nửa đêm. Chúng tôi đến tận nhà xử lí và dặn kỹ gia đình sáng sớm là phải mang bệnh nhân đến trạm y tế theo dõi ngay. Nhưng sớm hôm sau, gia đình đi đánh cá, để quên bệnh nhân ở nhà, lúc nhớ ra, mang đến trạm thì bệnh nhân đã lên cơn co giật đùng đùng, người nhợt đi rồi bất tỉnh. Chúng tôi phải tức tốc cấp cứu và huy động ca nô siêu tốc đưa vào đất liền ngay. May bệnh nhân đó đã thoát khỏi tử thần.
Cũng nhờ bắt trúng bệnh ngay từ đầu nên suốt bao năm nay không xảy ra bất kỳ ca tử vong nào đáng tiếc ở đảo Trí Nguyên. Ông Trần Xuân Thư đúc rút rằng: Mình phải ứng phó linh hoạt trong mọi tình huống. Số điện thoại các xe cấp cứu hay các bác sĩ giỏi trong đất liền cũng phải lưu sẵn trong máy khi cần thiết là gọi hỗ trợ ngay. Ví như: bệnh nhân đau vì sỏi thận lúc nửa đêm mà thời tiết xấu thì có thể giữ lại đến sáng mai nhưng nếu là đau ruột thừa quằn quại hay xuất huyết dạ dày thì dù bão tố cũng phải đưa vào đất liền ngay trong đêm. Chẩn đoán lệch, đưa vào đất liền muộn là bệnh nhân nguy kịch ngay.
Khi có bệnh, làng đảo gọi phân trạm y tế ngay.
Chan hòa nghĩa tình
Nhiều năm gắn bó và định cư luôn trên làng đảo Trí Nguyên, Trưởng phân trạm Trần Xuân Thư xúc động nhất - đó là nghĩa tình của dân đảo. Ông vẫn luôn nhắc nhở các nhân viên của mình rằng dù thời gian công tác ở đảo ngắn hay dài thì cũng hãy tận tâm với ngư dân như ruột thịt của mình. Nhiều đêm trực, có những người dân khi bị trọng thương khi đi biển, trạm y tế không phẫu thuật được, điều kiện đảo còn khó khăn nhưng ai cũng bừng thức tinh thần “thương người như thể thương thân”, người lo gọi tàu, người gọi sẵn xe cấp cứu trực ở trên bờ, người chuẩn bị tiền nong, người lo chăn màn...
Đến định cư trên đảo từ hơn 10 năm trước, bà Lê Thị Thu thổ lộ: Cộng cư từ nhiều quê quán khác nhau, những con người hiền hòa trên đảo Trí Nguyên nhanh chóng trở thành thân thiết như ruột thịt. Bốn mùa bám vào sóng nước, nhiều phen đánh bạc với cả đại dương nhưng khát vọng vươn lên trong cuộc sống, khát vọng xây dựng làng đảo khang trang, cuộc sống ấm no luôn cháy bỏng trong ý nghĩ mỗi người. Ai cũng yêu biển đảo như nhà của mình vậy. Biển không chỉ là nước, là dòng chảy tự nhiên mà còn là nơi chứa ẩn bao thương nhớ, chứng kiến cuộc sống của những phận người bé nhỏ mà tình sâu.
Chia tay Trí Nguyên, gió biển thổi vào rin rít hòa với âm thanh của nhịp sống trên đảo khơi dậy trong tôi vẻ yên bình và sung túc lẫn niềm tự hào, kiêu hãnh của những người dân nơi đây. Khi kinh tế phát triển, sức khỏe đảm bảo, dân đảo nghĩ đến việc nâng cao tri thức, con chữ đã nảy mầm trên chân sóng, nhiều học sinh trên đảo vươn lên các cấp học cao trong đất liền. Trong số ấy, có những em đang tiếp tục theo đuổi ngành y để quay về chăm sóc sức khỏe cho cư dân trên đảo.