Hà Nội

Dược thiện từ …muối

SKĐS - Muối còn có tên thực diên, tên khoa học: Natrium chloridum crudum. Muối thu được bằng cách cho bay hơi nước biển dưới ánh nắng trong các ruộng muối; muối thu từ nước biển được gọi là muối biển. Có nhiều dạng muối: muối thô, muối tinh, muối iốt. Muối rất cần thiết cho sự sống, tuy nhiên nó còn là vị thuốc chữa bệnh.

Muối thô: Thu từ nước biển hay từ mỏ muối, thành phần chủ yếu là natri clorua; ngoài ra còn có kali clorua, kali iodua, muối calci, muối magiê, muối sắt, sulfat… với tỷ lệ thấp (nguyên tố vi lượng).

Muối tinh: Sau khi thu được muối thô, người ta tiến hành tinh chế bằng tái kết tinh nhiều lần để loại các tạp chất và thu được natri clorua có độ tinh khiết cao và giá thành cũng cao. Muối kết tinh được sử dụng rộng rãi; tuy vậy, chỉ có 7% lượng muối tinh được sử dụng trong đời sống hàng ngày như chất thêm vào thức ăn. Muối tinh phần lớn dùng với mục đích công nghiệp, điều chế huyết thanh mặn trong y học

Muối iốt: Trộn kali iodua tỷ lệ thấp vào muối tinh để làm muối iốt.

Muối biển cần thiết cho sự sống và là vị thuốc trị nhiều bệnh.

Muối rất cần thiết cho sự sống. Muối tham gia vào điều chỉnh cân bằng chất lỏng trong cơ thể. Vị của muối là một trong những vị cơ bản của y học cổ truyền (mặn, ngọt, chua, đắng, cay). Sự thèm muối có thể phát sinh khi thiếu hụt chất khoáng vi lượng cũng như thiếu natri clorua. Muối thô được sử dụng nhiều nhất trong đời sống hàng ngày như chất thêm vào thức ăn (các món nấu, nướng, muối cá, muối dưa, làm mắm, magi …) và giá rẻ. Ngoài việc cung cấp natri clorua, muối thô (muối biển) còn cung cấp nhiều nguyên tố vi lượng cần thiết khác.

Trong quá trình bảo quản, đặc biệt là muối thô, thường có hiện tượng chảy nước và đóng bánh; để ngăn hiện tượng đóng bánh, người ta thường cho thêm hóa chất chống ẩm, ngăn không cho tinh thể muối dính vào nhau như: tricalci phosphat, cacbonat calci hoặc magiê, muối các acid béo, oxyt magiê …

Theo Đông y, muối vị mặn, tính hàn, không độc, vào vị, thận, tâm và đại tiểu tràng. Tác dụng thanh tâm, lương huyết, tả hoả, tư thận, kiện nha cổ xỉ (làm chặt răng lợi), thông tiện, giải độc, nhuận táo, dẫn các thuốc vào kinh lạc. Dùng làm gia vị phụ liệu. Muối dùng làm thuốc trị đau sưng họng, đau răng chảy máu chân răng, đầy tức ngực lưng, táo bón rối loạn tiêu hoá, đầy trướng (cho uống nước muối gây nôn thổ để giải độc...).

Liều dùng và cách dùng: Ngày dùng 1 - 3g, dạng gia vị phụ liệu cho các thực phẩm ẩm liệu, thức ăn, đồ uống; nếu để gây nôn mửa thì dùng 10 – 20g uống 1 lần.

Một số bài thuốc có muối

Chữa cổ họng sưng, đỏ đau: Dùng muối hạt, ngậm cho tan, tiếp tục ngậm hạt khác cho đến khi khỏi đau.

Chữa đau bụng: Muối sao thật nóng, đổ lên miếng vải, bọc lại, chườm lên rốn và lưng.

Muối sao nóng, bọc vải chườm vùng rốn chữa đau bụng.

Chữa ho cảm: Cắt miếng chanh nhỏ, chấm ít muối, ngậm cho tan dần muối và nước chanh.

Một số thực đơn chữa bệnh có muối

Cháo muối: Muối trắng đem sao hoặc nướng cháy, tán mịn, cho 1 - 2g vào cháo nóng, ăn. Món này tốt cho người bị kiết lỵ đại tiện ra máu kéo dài.

Chanh cắt miếng chấm ít muối ngậm là bài thuốc hay trị ho cảm.

Nước dấm muối: Muối 1 - 2g hoà nước dấm (10 – 20 ml), khuấy đều, uống. Dùng tốt cho người bị tiểu khó, đau quặn.

Nước muối loãng: Muối ăn 1 - 2g, pha trong 1 cốc nước ấm, uống vào buổi sáng. Dùng tốt cho người bị táo bón kinh diễn, đau sưng họng.

Buổi sáng ngủ dậy uống nước ấm pha chút muối tốt cho người bị táo bón kinh diễn, đau sưng họng.

Nước trà gừng muối: Muối ăn 4g, trà xanh 10g, gừng tươi 5g, thêm nước sắc lấy 500ml cho uống nhiều lần trong ngày. Dùng tốt cho người bị sốt nóng vã mồ hôi, khát nước, tiêu chảy (trúng nhiệt, trúng thử).

Kiêng kỵ: Không dùng muối cho người huyết hư, ứ trệ. Người phù nề do viêm thận cấp mạn tính phải hạn chế.


TS. Nguyễn Đức Quang
Ý kiến của bạn