Hà Nội

Dược thiện trị cơn đau quặn thận

16-04-2015 15:06 | Y học cổ truyền
google news

Cơn đau quặn thận Đông y gọi là “Thận giảo thống”. Là hiện tượng sỏi nhỏ di chuyển xuống niệu quản làm cho co thắt thận và niệu quản mà sinh ra cơn đau.

Cơn đau quặn thận Đông y gọi là “Thận giảo thống”. Là hiện tượng sỏi nhỏ di chuyển xuống niệu quản làm cho co thắt thận và niệu quản mà sinh ra cơn đau.

 

Cây bạch thược.

Nguyên nhân do bàng quang và tiểu trường bị thấp nhiệt uất kết lâu ngày mà thành sỏi, khiến làm cho rối loạn chức năng khí hóa, tiểu không thông gây ra cơn đau bụng dữ dội, hướng đau xuyên ra sau lưng, xuyên xuống vùng sinh dục đùi.

 

Triệu chứng: Đột nhiên đau quặn bụng vùng sườn lưng dữ dội, đau như cắt, đau lan tỏa ra sau lưng và lan tỏa xuống mé trong đùi, đường tiểu đau, tức, muốn tiểu không đi được, mặt tái, vã mồ hôi, buồn nôn hoặc nôn mửa. Đau dữ dội có thể bị ngất xỉu. Tuy nhiên cũng còn tùy thuộc vào vị trí và tính chất của từng loại sỏi mà cơn đau xảy ra cũng biểu hiện khác nhau.

- Đau do sỏi tại bể thận: Ít đau nếu như vị trí sỏi nằm trong nhu mô thận. Khi sỏi lại nằm ở đài hay bể thận sẽ gây ứ nước tiểu tại bể thận, đài thận hoặc gây ra viêm nhiễm thứ phát hoặc gây đau âm ỉ tại một vùng ở bên hông, cũng có khi đau cả hai bên. Khiến cho nước tiểu bị sẫm màu hoặc đái ra máu.

- Sỏi nằm trên đường niệu quản: Đau từng cơn dữ dội mỗi khi sỏi di chuyển làm cho người bệnh có khi đứng ngồi không yên, mồ hôi vã ra. Tính chất đau cũng khá dữ dội, đau như xé, như dao đâm, lan xuống bàng quang và vùng bẹn, đùi, có thể kèm đái máu.

- Sỏi bàng quang thường thấy đau ở vùng bụng dưới kèm theo tiểu gắt, tiểu buốt, cũng có khi đang tiểu đột ngột bị tắc và làm đau buốt, nhưng khi thay đổi vị trí tư thế lại tiểu được.

- Sỏi niệu đạo thường gây ra bí tiểu, tiểu buốt ra đầu dương vật và đau như xé làm bệnh nhân phải kêu la.

Căn cứ vào nguyên nhân bệnh sinh mà biện chứng luận trị cần thanh lợi thấp nhiệt, tuyên khí, trấn thống.

Dựa vào biện chứng luận trị mà gia các phương:

Lý khí hoạt huyết thang: có tác dụng ôn thông khí cơ, hành khí, đạo trệ. Trị cơn đau quặn thận: Gồm các vị: bạch thược 30g, chỉ xác 30g, cam thảo 10g, trầm hương 5g, ô dược 12g, quy vĩ 12g, xuyên ngưu tất 15g, vương bất lưu hành 15g, hoàng kỳ 20g. Sắc uống nóng ngày 1 thang, chia 2-3 lần.

Gia giảm: Nếu hàn trệ kinh lạc gia ngô thù, hồi hương, tế tân, hương phụ. Tiểu ra máu nhiều gia mao căn, tiểu kế. Nếu do thấp nhiệt nhiều gia sinh địa, chi tử, mộc thông, xa tiền tử. Khi đau nhiều không bớt gia nhũ hương, mộc dược.

Sâm phụ thang gia vị: có tác dụng ích khí ôn dương, hoạt huyết, chỉ thống. Trị đau quặn thận do sỏi. Gồm các vị như đảng sâm 30g, phục linh 30g, phụ phiến 15g, sinh khương 6g, nhũ hương chế 12g, một dược chế 10g. Sắc uống ngày 1 thang; thường uống 1- 4 thang là khỏi. Muốn tống sỏi ra lại cần gia những vị khác cho thích hợp.

Chân vũ thang gia giảm: Phương này có tác dụng ôn dương tán hàn, giải kính, chỉ thống. Trị cơn đau quặn thận do sỏi. Gồm các vị như phụ tử chế 9-10g, quất hạch 10g, lê chi hạch 10g, đại hoàng 6-9g, bạch thược (sao) 30g, phục linh 30g, chích cam thảo 3g, sinh khương 3 lát. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần trong ngày.

Ma phụ tế tân thang: Tác dụng của phương là ôn dương, tán hàn, hoãn cấp, chỉ thống. Trị cơn đau quặn thận do sỏi đường tiểu. Các vị gồm ma hoàng 6g, tế tân 6g, phụ tử 15g. Sắc đun to lửa, không đun lâu, vớt bọt nổi trên, uống ấm. Nếu chưa giảm nửa giờ sau lại uống 1 lần nữa.

Bổ trung ích khí thang: Phương có tác dụng bổ trung ích khí, hành khí tán kết, hoãn cấp, chỉ thống. Trị cơn đau quặn thận do sỏi thận, sỏi đường tiểu. Thang gồm đảng sâm 15g, bạch truật 12g, hoàng kỳ 18g, đương quy 10g, tiểu hồi 10g, xuyên luyện tử 10g, thăng ma 5g, sài hồ 5g, trần bì 5g, trầm hương 5g, chích cam thảo 5g, lộc giác sương 30g, hồng táo 5 quả, sinh khương 3 lát, sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần trong ngày.

BS. Hoàng Xuân Đại

 


Ý kiến của bạn