Hình ảnh tổn thương phổi do lao trên phim Xquang. |
Với thể phế âm hư tổn
Ho khan ít đờm hoặc trong đờm có dính máu, tức ngực, cảm giác nóng sốt về chiều, ra mồ hôi trộm, hai gò má đỏ, họng khô miệng khát.
Bài 1: Ngân nhĩ (mộc nhĩ trắng) 20g, đường phèn 20g, trứng chim bồ câu 2 quả. Ngân nhĩ ngâm nước 20 phút rồi rửa sạch, thái vụn, nấu chín với 1 bát nước, cho đường phèn vào tiếp tục đun nhỏ lửa đến nhừ. Trứng chim đập bỏ vỏ, chưng nhỏ lửa trong 3 phút rồi nấu cùng ngân nhĩ đến sôi là được. Mỗi ngày ăn 1-2 lần.
Bài 2: Sa sâm 15g, ngọc trúc 15g, tim và phổi lợn mỗi thứ 1 cái, hành củ 25g, muối 3g. Tim và phổi rửa sạch, thái miếng nấu cùng sa sâm, ngọc trúc, hành với lượng nước vừa đủ. Đầu tiên, đun to lửa cho sôi rồi vặn nhỏ lửa đun tiếp 1 giờ rưỡi là được. Khi ăn cho thêm muối và gia vị, mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 1 bát.
Bài 3: Thạch hộc 12g, bạch linh 12g, sa sâm 12g, xương sống lợn 500g, rau chân vịt 100g, gừng tươi 5g, hành hoa 3g, muối và gia vị vừa đủ. Xương lợn rửa sạch, chặt nhỏ đem nấu cùng gừng tươi trong 2 lít nước, khi sôi vớt bỏ váng mỡ, sau 30 phút cho thạch hộc, bạch linh, sa sâm và nấu cùng trong 20 phút, cho tiếp rau chân vịt, muối và gia vị vào đun sôi một lát là được, ăn nóng.
Bài 4: Huyền sâm 4,5g, mạch môn 4,5g, cát cánh 3g, cam thảo sống 1,5g. Tất cả nghiền vụn hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.
Nước ngó sen, bách hợp, đại táo thích hợp với người bệnh lao phổi thể khí âm đều hư. |
Với thể âm hư hỏa vượng
Nóng trong xương, sốt về chiều, ra mồ hôi trộm, lòng bàn tay và bàn chân nóng, ngực nóng và buồn bực khó chịu, ngủ ít hay mê, ho thúng thắng ít đờm, đờm vàng dính hoặc ho ra máu lượng ít sắc đỏ tươi, ngực đau trướng, nam giới có thể mộng tinh.
Bài 1: Trứng gà 2 quả, mộc nhĩ trắng 15g, sa sâm 25g, đường trắng vừa đủ. Sắc kỹ mộc nhĩ và sa sâm lấy nước cốt, đập trứng vào đun chín, chế thêm đường, ăn trong ngày.
Bài 2: Ba ba 1 con, rượu vang lượng vừa đủ. Làm thịt ba ba lấy máu hòa với rượu đã đun nóng uống mỗi ngày 1 lần.
Bài 3: Bách hợp 60g, nước mía ép 20ml, nước ép củ cải. Bách hợp nấu nhừ rồi hòa với nước mía và nước ép củ cải, uống trong ngày.
Bài 4: Sinh địa tươi 500g, rửa sạch, ép lấy nước, đun sôi rồi đựng trong lọ thủy tinh, bảo quản trong tủ lạnh, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 20ml.
Với thể khí âm đều hư
Ho nhiều, khái huyết, sốt về chiều, gò má đỏ, tự ra mồ hôi và mồ hôi trộm, mệt mỏi nhiều, khó thở, ăn kém, sắc mặt nhợt nhạt.
Bài 1: Ngó sen 120g, bạch linh 12g, hoài sơn 12g, bách hợp 10g, đại táo 10 quả. Ngó sen rửa sạch thái ngắn đem nấu với các vị thuốc lấy nước uống thay trà hàng ngày.
Bài 2: Hoài sơn sống 60g, ý dĩ sống 60g, hồng khô 30g. Ý dĩ nấu chín rồi cho hoài sơn, hồng khô thái vụn và nấu tiếp thành cháo, ăn trong ngày.
Bài 3: Địa hoàng tươi 5.000g, mật ong, gạo tẻ, bơ thực vật lượng vừa đủ. Trước tiên, đem địa hoàng rửa sạch ép lấy nước, mỗi 500ml hòa thêm 120ml mật ong rồi cô thành cao đặc, đựng trong lọ kín dùng dần. Hằng ngày lấy 50g gạo tẻ nấu thành cháo, khi được hòa với 10ml cao địa hoàng cho thêm một chút bơ thực vật, ăn trong ngày khi đói bụng.
Với thể âm dương lưỡng hư
Ho ra máu, nóng trong xương, tự ra mồ hôi và mồ hôi trộm, di tinh, liệt dương, sắc mặt ám tối, hình thể tiều tụy, sợ gió, sợ lạnh, khó thở nhiều, mặt nặng, chân phù, ăn rất kém, đại tiện lỏng loãng.
Bài 1: Đông trùng hạ thảo 8g, chim cút 8 con, gừng tươi 10g, hành 10g, nước luộc gà 300ml, muối và gia vị vừa đủ. Chim cút bỏ lòng và nội tạng, gừng thái miếng, hành cắt nhỏ. Cho vào bụng mỗi con chim 1g đông trùng hạ thảo rồi dùng chỉ buộc chặt, đem nấu với hành, gừng trong nước luộc gà chừng 40 phút là được, chế đủ gia vị, ăn tùy thích.
Bài 2: Rùa 1 con nặng chừng 250g, đông trùng hạ thảo 30g, sa sâm 90g. Rùa cho vào chậu nước ấm khoảng 400C để bài tiết hết nước tiểu rồi làm thịt, bỏ đầu, chân và nội tạng, đem hầm nhừ với đông trùng hạ thảo và sa sâm, khi chín chế thêm gia vị, ăn nóng.
Trong nhiều thập kỷ qua, với các thuốc kháng sinh chống lao đặc hiệu, y học hiện đại đã thu được những thành tựu to lớn trong công cuộc chinh phục bệnh lao. Tuy nhiên, nhiều vấn đề như tình trạng kháng thuốc, phản ứng độc hại do sử dụng hóa chất dài ngày… vẫn còn tồn tại. Bởi vậy, việc đi tìm và kết hợp với các biện pháp phòng chống lao từ vốn cổ, trong đó có các món ăn - bài thuốc thiết nghĩ cũng rất cần thiết.
ThS. Hoàng Khánh Toàn