Hà Nội

Dược thiện hỗ trợ điều trị tâm can suy nhược

SKĐS- Tâm can suy nhược là một bệnh được miêu tả trong phạm vi nhiều chứng bệnh của Đông y như kiện vong (hay quên), đầu thống (nhức đầu), thất miên (mất ngủ)...

1. Nguyên nhân sinh bệnh

Còn gọi là suy nhược thần kinh, nguyên nhân gây ra bệnh do sang chấn về tinh thần ( lo lắng, hoạt động thần kinh quá độ...), tình trạng địa tạng thần kinh yếu (tiên thiên không đầy đủ) đưa đến sự rối loạn công năng (tinh, khí, thần) của các tạng phủ đặc biệt là tâm, can, tỳ, thận.

Biểu hiện chủ yếu của bệnh: Tinh thần phiền muộn, hay thở dài, bụng trướng, ăn kém, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, hay quên, hồi hộp, ngủ ít…

2. Dược thiện hỗ trợ điều trị tâm can suy nhược

2.1.Mộc nhĩ hầm thịt nạc (theo "Thực vật trị bệnh")

Thành phần: Mộc nhĩ trắng 15g, thịt lợn nạc 500g, đại táo 10 quả; đường phèn vừa đủ.

Cách dùng: Mộc nhĩ đem ngâm nước ấm cho đến khi nở to, rửa sạch, dùng tay tách ra từng cánh. Thịt lợn thái miếng dài 7 phân rộng 3 phân. Đường phèn đập thành miếng nhỏ, cùng với mộc nhĩ, thịt lợn, táo cùng cho vào nồi; thêm lượng nước vừa đủ, đun to lửa đến khi sôi, sau đó đun nhỏ lửa đến khi mộc nhĩ chín là được.

Tác dụng: Bổ tỳ vị, tăng cường tiêu hóa, giảm mệt mỏi. Dùng cho người tâm can suy nhược, chóng mặt, hay quên…( có thể dùng hàng ngày).

photo-1645201075563

Mộc nhĩ trắng

2.2. Trà long nhãn dương sâm (theo "Thực vật trị bệnh")

Thành phần: Long nhãn 30g, tây dương sâm 6g, đường trắng vừa đủ.

Cách dùng: long nhãn, sâm và đường vào ấm pha trà, thêm nước ngập thuốc. Đặt ấm vào nồi, hấp cách thủy 40-50 phút là dùng được. Uống vào buổi tối trước khi đi ngủ khoảng 1 giờ, uống liên tục cho đến khi chứng trạng cải thiện.

Tác dụng: Giảm chứng mệt mỏi, tim hồi hộp, Dùng cho người mắc chứng rối loạn loạn nhịp tim, hơi thở ngắn, mất ngủ, hay quên...

3.3. Gà hấp kỷ tử (phương thuốc của "Thành Đô Đồng Nhân Đường")

Thành phần: Gà mái tơ 1 con, kỷ tử 15g, gia vị vừa đủ.

Cách dùng: Thịt gà rửa sạch, bỏ chân và nội tạng. Nhồi kỷ tử vào bụng gà rồi cho vào nồi (để ngửa bụng lên phía trên), thêm chút rượu, hạt tiêu, gừng, hành, gia vị, hấp cách thủy trong khoảng 2 giờ.

Tác dụng: Bổ gan, thận, dùng cho người thần kinh suy nhược, thận yếu, nam di tinh, nữ khí hư đới hạ.

photo-1645201080657

Kỷ tử

2.4. Trà long nhãn táo nhân (theo "Thực vật trị bệnh")

Thành phần: Long nhãn 10g, táo nhân 10g (sao đen), khiếm thực 12g, đường trắng vừa đủ.

Cách dùng: Cho tất cả vào nồi, thêm 300ml nước. Đun to lửa đến khi sôi; sau khi sôi đun nhỏ lửa thêm 20 phút; bỏ bã thuốc, cho đường vào khuấy đều là được. Uống thay trà hàng ngày

Tác dụng: Chữa chứng tinh thần mệt mỏi, di tinh, tim hồi hộp, đập loạn nhịp, hay quên.

2.5. Cháo táo nhân (theo "Thánh Huệ Phương")

Thành phần: Táo nhân 60g, gạo tẻ 300g.

Cách dùng: Táo nhân sao kỹ, cho vào nồi, đun lấy nước (đun khoảng15 phút), sau đó vớt táo ra lấy nước cốt, cho gạo đã vo sạch vào nấu cháo. Chia ăn trong ngày.

Tác dụng: Dưỡng can, bổ tâm, an thần. Dùng cho người không thiết ăn uống, tim hồi hộp, phiền táo, mất ngủ.

2.6. Cháo hạt sen long nhãn (theo "Trung Quốc Dược Thiện)

Thành phần: Long nhãn 15g, hạt sen 15g, hồng táo 5g, gạo nếp 50g, đường trắng vừa đủ.

Cách dùng: Hạt sen sau khi ngâm trong nước ấm, cạo bỏ vỏ lụa và lấy tâm. Gạo sau khi vo sạch cho vào nồi, thêm táo (đã bỏ hạt), hạt sen, long nhãn, đường và nước nấu bằng lửa to cho sôi. Sau khi sôi, đun bằng lửa nhỏ cho đến khi cháo chín. Có thể dùng món cháo này ăn sáng hàng ngày.

Tác dụng: Ích tâm an thần, dùng cho người tâm can suy nhược, thiếu máu, mệt mỏi, ăn uống kém, tim hồi hộp, bồn chồn, hay quên.

Mời độc giả xem thêm video:

13 triệu chứng COVID-19 ở người nhiễm biến thể Omicron


LY Hoài Vũ
Ý kiến của bạn