Hà Nội

Dược thiện hỗ trị bệnh đường hô hấp

SKĐS - Thời tiết cả nước đang trong giai đoạn giao mùa, khí hậu thất thường, lúc nắng khi mưa, nhiều tỉnh đang chìm trong bão lũ. Thời điểm này nhiều người dễ mắc các chứng bệnh đường hô hấp, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và khả năng làm việc, học tập. Một số món ăn bài thuốc dân gian sẽ là lựa chọn cần thiết giúp mọi người phòng và trị bệnh đường hô hấp hiệu quả.

Nâng cao khả năng miễn dịch, tăng cường sức đề kháng của cơ thể đang là một mục tiêu để phòng ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh đường hô hấp. Bên cạnh việc dùng thuốc và tuân thủ theo phác đồ điều trị, các vị thuốc dân gian, thực phẩm giúp tăng cường miễn dịch là một lựa chọn cần thiết cho người bệnh.

Bài viết này giới thiệu một số món ăn bài thuốc dân gian thường được sử dụng trong phòng và chữa các bệnh đường hô hấp:

Tỏi

Tỏi là món gia vị quá quen thuộc, nhiều nghiên cứu đã chứng minh được tác dụng kháng nấm và kháng virus của tỏi, nhờ vậy mà tỏi giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể, chữa cảm cúm, chống lại vi khuẩn gây bệnh.

Để tăng cường sức đề kháng, bạn có thể sử dụng tỏi bằng các hình thức chế biến khác nhau:

Nướng tỏi: Tỏi nướng là vừa là một món ăn và cũng là bài thuốc tăng cường hệ miễn dịch cũng như giảm thiểu cholesterol, ngăn chặn quá trình oxy hóa và giúp xương chắc khỏe.

Ngâm tỏi với mật ong: Tỏi kết hợp với mật ong cũng là bài thuốc phổ biến, tận dụng được cả đặc tính chữa bệnh của cả tỏi lẫn mật ong. Đây là bài thuốc tăng cường hệ miễn dịch hiệu quả hơn mật ong và chanh đào bởi khi kết hợp với nhau, tỏi cùng mật ong sản sinh ra enzyme interferon, kích thích hoạt động của hệ miễn dịch, chống lại các tác nhân gây hại cho cơ thể.

Ăn tỏi sống: Nếu có thể chịu được vị hăng và cay, bạn có thể ăn tỏi sống thay vì chế biến. Đây cũng là cách tốt để tăng miễn dịch, ngừa cảm cúm. Ngoài ra có thể sử dụng nước ép tỏi tươi để nhỏ mũi hàng ngày cũng có tác dụng ngừa cảm cúm rất tốt.

Tỏi giúp tăng cường sức đề kháng chống lại vi khuẩn gây bệnh.

Tỏi giúp tăng cường sức đề kháng chống lại vi khuẩn gây bệnh.

Gừng tươi

Theo y học cổ truyền, gừng là loài thảo dược có tính ấm, rất hiệu quả trong việc tiêu đờm, giải độc. Theo y học hiện đại, gừng có khả năng chống oxy hóa mạnh mẽ, hỗ trợ ngăn ngừa bệnh tật, phòng chống tình trạng xơ vữa mạch máu ở người già, tăng cường đề kháng rất hữu hiệu.

Có nhiều cách chế biến gừng như: ngâm gừng với mật ong, pha gừng với chanh làm trà, đun gừng với muối trong nước sôi, nấu gừng chung với thịt gà,...

Nghệ

Cũng như tỏi và gừng, nghệ là loại gia vị rất quen thuộc với người Việt và xuất hiện trong nhiều loại thực phẩm chức năng nhờ những tác dụng tuyệt vời của mình.

Nghệ chứa rất nhiều chất chống oxy hóa, kháng virus, kháng khuẩn, kháng nấm, chống viêm, ngăn ngừa viêm loét… Đối với phụ nữ, nghệ còn được sử dụng để làm đẹp, liền sẹo, trị mụn nhờ tính chất kháng khuẩn, chống viêm và chống oxy hóa.

Hoạt chất Curcumin trong củ nghệ có khả năng tăng cường miễn dịch chống lại vi khuẩn, chống ôxy hóa và phòng ngừa ung thư.

Mật ong

Mật ong được xếp loại là một trong những vị thuốc kháng sinh tự nhiên tốt nhất. Không những mang lại nguồn dinh dưỡng dồi dào, mật ong còn được sử dụng như một vị thuốc chữa các bệnh tiêu hóa, hô hấp vô cùng hiệu quả nhờ tính năng kháng khuẩn, kháng viêm, chống oxy hóa tuyệt vời.

Hành

Không chỉ là một loại gia vị thơm ngon, hành lá còn mang lại rất nhiều Vitamin và khoáng chất nhất là Vitamin A, C giúp mắt, niêm mạc khỏe mạnh và tăng cường miễn dịch.

Về tác dụng kháng khuẩn, hành lá chứa chất allicine có tác dụng diệt khuẩn rất tốt đối với một số bệnh như: thương hàn, lỵ, trực khuẩn, vi trùng tả, bệnh bạch hầu. Tuy nhiên chất này dễ bị mất tác dụng khi ở nhiệt độ cao. Bởi vây khi chế biến nên cho hành vào sau cùng để tránh làm mất chất allicine quý giá.

Hoa cúc

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hoa cúc có tác dụng kháng virus gây ho và cảm cúm, nâng cao được sức đề kháng. Đặc biệt, hoa cúc tím chứa hàm lượng lớn chất chống oxy hóa polyphenol, chính là yếu tố chính hỗ trợ hệ miễn dịch, điều trị cảm lạnh, ngăn ngừa các tình trạng viêm nhiễm như viêm mắt, viêm màng bồ đào.

Để sử dụng hàng ngày, bạn có thể hòa chung táo đỏ, mật ong, kỷ tử với cúc trắng (hoa cúc tươi) và nước để làm trà uống. Sử dụng hoa cúc khô kết hợp với mật ong và cam thảo để pha trà cũng là bài thuốc rất phù hợp để vừa tăng sức đề kháng, vừa chống lão hóa và nâng cao thị lực.


TS.BS. Trần Thái Hà
Ý kiến của bạn