Hà Nội

Dược thiện đẩy lùi chóng mặt, ù tai, mệt mỏi

SKĐS - Chứng thanh dương không thăng thường thấy hoa mắt chóng mặt, sợ lạnh, tai ù, tai điếc, tay chân lạnh, người mệt mỏi, ăn kém, đại tiện phân lỏng, chất lưỡi trắng, mạch hư nhược.

Chứng trọc âm không giáng thường cơ thể nặng nề, mệt mỏi khó chịu, bụng trướng đầy, đại tiện phân lỏng, có trường hợp táo bón nhưng rất ít, tiểu tiện không lợi, hai chi dưới phù, rêu lưỡi dày nhớt, mạch nhu hoạt.

Nguyên nhân chứng thanh dương không thăng là do tỳ khí bất túc, khí thanh dương không thăng, không nuôi dưỡng được vùng đầu, cơ biểu và tay chân. Bệnh sinh ra là do ăn uống không đầy đủ, lao động quá mệt nhọc, làm tỳ vị tổn thương mà sinh bệnh. Chứng trọc âm không giáng là do dương khí của tỳ vị không đủ, công năng thăng thanh, giáng trọc mất cân bằng dẫn đến sự hấp thụ dinh dưỡng, tiêu hóa bài tiết bị sút kém. Phần nhiều do ăn uống thất thường, tình chí bất ổn, làm tổn thương tỳ vị mà sinh bệnh.

Các vị thuốc trong bài thuốc bổ trung ích khí.

Các vị thuốc trong bài thuốc bổ trung ích khí.

Tùy từng trường hợp mà dùng bài thuốc điều trị phù hợp như sau:

Chứng thanh dương không thăng: Do ăn uống nhiều chất béo ngọt, lao động quá mệt nhọc làm tỳ vị hư yếu, chức năng tiêu hóa kém, thủy thấp tích tụ lại sinh ra đàm trọc.

Biểu hiện: đầu nặng, ngực khó chịu, phản vị (trào ngược dạ dày), sức khỏe yếu dần, sợ lạnh, tay chân lạnh, ăn kém, đại tiện phân lỏng, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch nhu nhược trầm hoãn.

Điều trị: kiện tỳ thăng dương trừ thấp hóa đờm.

Bài thuốc: “Bán hạ bạch truật thiên ma thang” phối hợp với bài “Bổ trung ích khí”:  bán hạ (chế) 10g, trần bì 6g, thiên ma 12g, chích thảo 4g, đại táo 3 quả, bạch truật 8g, bạch linh 8g, mạn kinh tử 12g, sinh khương 3 lát.

Cách dùng: Ngày uống 1 thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn hoặc lúc đói.

Tỳ khí không thăng phế khí không giáng và lan tỏa. Do tỳ khí không thăng, phế khí không giáng tỏa đều, gân mạch da thịt không được nuôi dưỡng, tay chân mềm yếu, người mệt mỏi.

Biểu hiện: Cơ bắp khô teo, thân thể vô lực, ăn ngủ kém, thần sắc không tươi tỉnh, đại tiện phân lỏng, rêu lưỡi trắng, mạch trầm tế.

Điều trị: Bổ trung ích khí.

Bài thuốc: “Bổ trung ích khí thang gia vị”: hoàng kỳ, bạch truật, thăng ma, trần bì, nhân sâm mỗi vị 12g; đương quy 8g, sài hồ 6g, chích thảo 4g. Tùy chứng trạng của bệnh nhân có thể gia giảm cho thích hợp.

Cách dùng: Ngày uống 1 thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn, khi thuốc còn ấm.

Do tỳ vị hư yếu mất khả năng vận hóa. Vì chức năng của tỳ vị suy yếu, ăn uống vào không hấp thụ được, các dưỡng chất không đủ để thanh trọc, không có dương để thăng.

Biểu hiện: Đại tiện thường xuyên đi lỏng, tiết tả, có trường hợp dẫn đến sa trực tràng (thoát giang), mặt vàng úa, tay chân rã rời vô lực, bụng trướng đầy, hay nhạt miệng, rêu lưỡi trắng, mạch tế nhược.

Điều trị: kiện tỳ ích khí chỉ tả. Bài thuốc: “Sâm linh bạch truật tán”: nhân sâm, liên nhục, bạch truật, bạch linh, hoài sơn, ý dĩ mỗi vị 12g; đại táo 5 quả, cát cánh 8g, biển đậu 8g, sa nhân 8g, chích thảo 4g. Tùy chứng trạng của bệnh nhân có thể gia giảm cho thích hợp.

Cách dùng: Ngày uống 1 thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn, khi thuốc còn nóng.

Chứng trọc âm không giáng: Do thấp nhiệt ứ đọng trong tỳ vị, làm ngăn trở sự vận hóa của tỳ vị.

Biểu hiện: Đầu nặng, ngực bụng trướng đầy khó chịu, mệt mỏi, tay chân không muốn cử động, ăn uống kém, miệng nhạt, rêu lưỡi trắng, mạch nhu hoạt.

Điều trị: Kiện tỳ hóa thấp.

Bài thuốc: “Hoắc hương chính khí tán”: hoắc hương 12g; bạch chỉ, bán hạ (chế), đại phúc bì, hậu phác, bạch linh, tô tử mỗi vị 8g; cát cánh 12g, chích thảo 4g, bạch truật 12g, sinh khương 3 lát, đại táo 5 quả, quất hồng bì 12g. Tùy chứng trạng của bệnh nhân có thể gia giảm cho thích hợp.

Cách dùng: Ngày uống 1 thang sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn. Có thể tán bột làm viên hoàn nước ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 10g với nước đun sôi để ấm.

Do trọc âm không giáng thủy ẩm tích tụ lại, sinh chứng thủy thũng.

Biểu hiện: Phù thũng toàn thân, ăn kém, ngực bụng trướng đầy, sắc mặt trắng nhợt, đại tiện phân lỏng, tiểu tiện sẻn đỏ, nước tiểu ít, chất lưỡi bệu, ria lưỡi có vết răng.

Điều trị: Kiện tỳ lợi thủy.

Bài thuốc: “thực tỳ ẩm”: đại phúc tử, hắc phụ tử, bạch linh, hậu phác, mộc qua, bào khương, thảo quả nhân mỗi vị 8g; sinh khương 3 lát, chích thảo 4g, bạch truật 12g, mộc hương 6g, đại táo 3 quả. Gia: thông thảo 6g, bạch mao căn 16g, xa tiền tử 12g, xa tiền thảo 12g, tỳ giải 12g.

Cách dùng: Ngày uống 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần trong ngày, uống lúc đói.


TTND.BS. Nguyễn Xuân Hướng
Ý kiến của bạn