Nguyên nhân chủ yếu do âm hư táo nhiệt. Điều trị chủ yếu là dưỡng âm sinh tân, thanh nhiệt nhuận táo. Cần kết hợp chặt chẽ chế độ ăn uống, luyện tập và dùng thuốc.
Nguyên tắc ăn uống đối với người đái tháo đường
Ăn ít, chia nhiều bữa nhỏ. Hạn chế ăn thức ăn nhiều đường, mỡ, mặn; hạn chế ăn các loại hoa quả ngọt, ưu tiên các thực phẩm giàu đạm từ thực vật như các loại đậu; cá, thịt nạc; thực phẩm có nhiều magiê như rong biển, vừng, nấm các loại, tôm; ngũ cốc như yến mạch, gạo lứt, các loại rau quả: súp-lơ, rau diếp, đậu hà lan, lê, táo, lựu. Ăn nhiều loại thực phẩm có tác dụng làm hạ đường huyết như: mướp đắng, cần tây, bưởi, ổi, rau chân vịt, bí xanh...
Lươn xào thông bạch (hành hoa) tác dụng: ích khí, kiện tỳ; giảm đường huyết, giảm mỡ máu, rất tốt cho người đái tháo đường.
Một số món ăn thuốc dành cho bệnh nhân đái tháo đường
Cháo cát căn: cát căn 30g, ngạnh mễ 30g. Hai vị cho vào nồi, đổ nước vừa đủ đun nhừ. Tác dụng: thanh nhiệt trừ phiền, sinh tân chỉ khát. Phù hợp với bệnh nhân đái tháo đường thể âm hư hỏa vượng, biểu hiện miệng khát uống nhiều, tâm phiền, dễ cáu gắt, ăn nhiều chóng đói, đại tiện táo, chất lưỡi đỏ khô, rêu vàng, mạch hoạt sác.
Canh thịt nạc, hoài sơn thục địa: hoài sơn 30g, thục địa 24g, trạch tả 9g, tiểu hồi 3g, thịt lợn nạc 60g. Tất cả rửa sạch cho vào nồi đun sôi, nhỏ lửa ninh khoảng 1 giờ là được. Tác dụng: tư âm cố thận, lợi thuỷ, bổ tỳ nhiếp tinh. Thích hợp cho những bệnh nhân đái tháo đường thể tỳ vị lương hư, biểu hiện tiểu nhiều, nước tiểu đục, mệt mỏi, đại tiện lỏng.
Thịt thỏ hầm kỷ tử: kỷ tử 15g, thịt thỏ 250g, gia vị vừa đủ, hầm chín. Tác dụng: kiện tỳ bổ khí, chỉ khát, bổ can thận. Bài này thích hợp với bệnh nhân đái tháo đường thể can thận bất túc.
Thịt ba ba hầm hoàng kỳ: thịt ba ba 400g, sinh hoàng kỳ 20g. Sinh hoàng kỳ ninh kỹ bỏ bã lấy nước cho thịt ba ba đã rửa sạch, cắt miếng vào hầm nhừ, thêm gia vị vừa đủ. Tác dụng: hạ đường huyết, bồi bổ cơ thể hư nhược.
Đông qua hạt sen hầm vịt già: đông qua 500g rửa sạch cắt khúc dày, liên tử, khiếm thực, ý dĩ 100g, thịt vịt 1/2 con, rửa sạch xát chanh để khử mùi hôi tanh. Tất cả cho vào nồi hầm kỹ, thêm gia vị vừa đủ là được. Tác dụng: bổ dưỡng, thanh nhiệt trừ phiền, sinh tân, phù hợp với những người thể trạng béo, hư nhiệt.
Cá chép hấp trà xanh: cá chép 1 con khoảng 200g rửa sạch bỏ nội tạng, lá trà xanh 15g rửa sạch cho vào bụng cá, thêm gia vị vừa đủ, cho vào nồi hấp cách thủy, khi cá chín, bỏ lá trà đi là dùng được. Tác dụng: kiện tỳ tiêu tích, trừ phiền khát. Phù hợp cho người đái tháo đường có biểu hiện miệng khát, muốn uống, tiêu hóa không tốt, tích trệ.
Thịt ngao (trai) nấu hẹ: thịt ngao 200g, rau hẹ 150g, nước, gia vị vừa đủ nấu chín ăn cùng cơm. Tác dụng trợ thận, bổ dương, ôn trung, hành khí, tán huyết, giải độc, cầm máu, tiêu đờm.
Canh kỷ tử hoài sơn gà ác: thịt gà đen 1 con rửa sạch bỏ nội tạng, kỷ tử 40g, hồng táo 6 quả bỏ hạt, hoài sơn 40g, thêm gia vị vừa đủ, cho vào nồi hầm chín là dùng được. Tác dụng: bổ huyết ích âm, trừ nhiệt chỉ khát sinh tân. Phù hợp cho bệnh nhân đái tháo đường thể âm hư.
Lươn xào thông bạch: lươn 2 con, thông bạch 2 nhánh. Lươn bỏ ruột, rửa sạch, cắt khúc, cho vào chảo, thêm gia vị vừa đủ, dầu ăn, thông bạch, đảo cho ngấm, thêm nước, om chín. Tác dụng: ích khí, kiện tỳ; giảm đường huyết, giảm mỡ máu. Chú ý không dùng cho những bệnh nhân có chứng can đởm thấp nhiệt, đau tức mạng sườn phải, miệng khô đắng khát, da, niêm mạc mắt vàng.
Trà hoài sơn - hoàng kỳ: hoài sơn, hoàng kỳ mỗi thứ 30g; pha trà uống hàng ngày. Tác dụng: ích khí sinh tân, kiện tỳ bổ thận, sáp tinh chỉ niệu, giáng đường. Bài này phù hợp với bệnh nhân đái tháo đường thể tỳ vị hư nhược.