Dược thiện chữa phù chân

10-09-2015 14:00 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Theo y học cổ truyền, phù chân có nhiều nguyên nhân, có khi do ngoại tà thủy thấp xâm nhiễm, có khi do nội tạng tỳ phế thận khí hư sinh thủy thấp mà phù.

Theo y học cổ truyền, phù chân có nhiều nguyên nhân, có khi do ngoại tà thủy thấp xâm nhiễm, có khi do nội tạng tỳ phế thận khí hư sinh thủy thấp mà phù. Người bệnh bị phù do thận khí hư thường có biểu hiện phù nhiều từ lưng trở xuống, đi tiểu chậm, tiểu ít không tự chủ, lưng đau gối mỏi, chân không ấm, mạch trầm trì. Phép trị chủ yếu là ôn thận, kiện tỳ hóa thấp... Bên cạnh dùng thuốc, người bệnh nên dùng các món ăn thuốc sau để hỗ trợ trị bệnh.

Tôm kho củ kiệu thích hợp với người thận hư, phù thũng.

Cá chép om đậu đỏ: cá chép, đậu đỏ, hành, gừng, gia vị vừa đủ om ăn. Trong bài, cá chép bổ tỳ vị, hóa thấp, tiêu phù, trị tỳ vị hư, thủy thũng...; đậu đỏ lợi thủy, hành huyết, tiêu sưng, rút mủ, trị thủy thũng, cước khí, cổ trướng và ung nhọt...; ý dĩ kiện tỳ bổ phế, thanh nhiệt, thấm thấp...; hành hoa giải biểu, thông dương, lợi tiểu... Món ăn kiện tỳ ôn thận, lợi thấp, trị phù và chứng liên quan, chữa tỳ thận khí hư hiệu quả.

Tôm kho củ kiệu: tôm hoặc tép tươi, củ kiệu, hành, tiêu, gia vị vừa đủ kho ăn. Trong bài, tôm vị ngọt tính ấm hơi độc, tác dụng khí ích huyết chữa chứng bụng tích báng, huyết ứ...; kiệu thông dương, bổ trung, an thai, lợi thủy, điều hòa nội tạng...; hành, tiêu, gia vị kiện tỳ khai vị, trừ hàn thấp... Món này ôn bổ tỳ thận trừ hàn thấp, dùng rất thích hợp cho người bị thận khí hư, phù thũng, đau lưng nhức mỏi.

Lẩu cá lóc: cá lóc, hoa lý, cải xoong, cải bẹ xanh, rau đắng, hành hoa gia vị vừa đủ nấu lẩu ăn. Trong bài, cá lóc khử thấp, trừ phong, tiêu thũng, bổ gân xương tạng phủ...; hoa lý bổ tâm tỳ, ích thận, an thần dễ ngủ, trừ thấp nhẹ người...; rau hành giải biểu, thông dương, lợi tiểu...; cải xoong kiện tỳ, mát gan, lợi mật, thông tiểu tiện...; cải canh kiện tỳ vị, tiêu đàm, chữa đầy bụng, chậm tiêu...; rau đắng bổ tâm tỳ, ích khí lợi cơ khớp, trừ thấp...; hành gừng, tiêu, gia vị ấm tỳ thận... Món này phòng trị chứng thấp, tê mỏi, phù thũng, viêm thận cấp và mạn tính.

Cháo chân dê đậu xanh: chân dê 4 cái làm sạch chặt khúc ninh nhừ, đậu xanh, hành, gạo mới, gừng, mùi tàu, hạt tiêu, gia vị vừa đủ nấu cháo ăn. Trong bài, chân dê bổ khí dưỡng huyết, lợi sữa, mạnh gân xương...; đậu xanh bổ tỳ, thanh nhiệt, tiêu phù, hạ khí, lợi ngũ tạng...; gạo bổ tỳ vị, dưỡng khí huyết...; mùi tàu khai vị, tiêu thực, thanh nhiệt, giải hàn thấp trừ thấp... Món này rất tốt cho người phù thũng gân xương yếu, phụ nữ sau sinh ít sữa.

Cá chạch kho nghệ: cá chạch, quả sung, nghệ tươi, gừng, hành củ, mắm muối, gia vị vừa đủ kho ăn. Trong bài, cá chạch ích khí, bổ tỳ lợi thấp, chữa chứng tiêu khát, giải độc... Quả sung ích tỳ, lợi thấp, chữa bụng lạnh tiêu chảy... Hành, gừng, tiêu khiên tỳ khai vị, lợi thấp thông dương... Món này bổ, ấm tỳ thận, lợi thấp, chữa phù do tỳ thận khí hư hiệu quả.

Thịt gà hầm cà rốt: thịt gà trống, cà rốt, đậu trắng, hành, gừng, tiêu gia vị vừa đủ hầm nhừ ăn. Trong bài, thịt gà trống bổ ích tỳ vị, an thai liền xương, chữa thủy thũng, tê tay chân...; đậu trắng bổ tỳ, trừ thấp hòa trung; ý dĩ kiện tỳ bổ phế, thanh nhiệt, thấm thấp...; hành tây kiện tỳ, hòa trung, tiêu thực sát khuẩn, lợi tiểu tiện...; gừng, hành tiêu kiện tỳ khai vị trừ hàn thấp thông dương... Món này bổ khí huyết, kiện tỳ, ích thận trừ thấp, chữa phù, nhức mỏi chân tay.

Người bệnh nên kiêng thực phẩm có vị chua, đắng, lạnh như cam, chanh, me, xoài, mướp đắng, dưa leo; hạn chế thịt cá kho mặn, thịt cá phơi khô muối mặn để lâu...; rượu bia, nước ngọt, nước trái cây đóng hộp; các món mặn quá, ngọt quá, béo quá khó tiêu nên kiêng.

Lương y Minh Phúc

 


Ý kiến của bạn