Dược thiện cho người bệnh thủy đậu

SKĐS - Thủy đậu lúc mới phát có những triệu chứng giống như cảm mạo, sốt, đau đầu, ho, hắt hơi, chán ăn, người bứt rứt khó chịu. Một số món ăn dưới đây tốt cho người bệnh...

Theo y học cổ truyền, thủy đậu thường kèm theo tình trạng "nhiệt độc uất kết" vì vậy cần ăn uống thanh đạm. Hạn chế các loại thức ăn có tính khô (táo), nóng (nhiệt), các loại thức ăn nhiều dầu mỡ. Đối với các loại thịt, như thịt gà, thịt vịt, cũng cần hạn chế. Nên sử dụng các loại thức ăn mềm và thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa, uống nhiều nước, phòng ngừa hao tổn tân dịch trong quá trình thân nhiệt tăng cao.

Bên cạnh việc dùng thuốc, có thể sử dụng một trong số món ăn thuốc có tác dụng thanh nhiệt, tiêu độc, lợi thấp để nâng cao hiệu quả điều trị.

1. Cháo ý dĩ

Đối với thủy đậu thể nhẹ, có thể chỉ cần sử dụng dược thiện này, chưa cần dùng thuốc.

Thành phần: Ý dĩ 30g, gạo tẻ 60g, nước lượng thích hợp, nấu thành cháo. Cháo chín, có thể gia thêm đường phèn hoặc đường kính vừa đủ; chia ăn trong ngày. Ăn liền 3-5 ngày.

Công dụng: Thanh nhiệt lợi thấp. Trường hợp bệnh thủy đậu có những biểu hiện thấp nhiệt tương đối nặng, có thể thêm kim ngân hoa 15g, sắc lấy nước, hòa vào cháo ý dĩ sau khi đã nấu chín, để tăng cường tác dụng thanh nhiệt giải độc hóa thấp.

photo-1639800025471

Cháo ý dĩ thanh nhiệt giải độc hỗ trợ điều trị thủy đậu

2. Canh cá diếc măng tươi

Thích hợp với giai đoạn đầu của bệnh thủy đậu.

Thành phần: Măng tre tươi 100g, cá diếc 1 con (250g). Cá diếc làm sạch, cùng măng, nấu thành món canh ngon; chia ra ăn trong ngày. Ăn liên tục trong 2-3 ngày.

Công dụng: Thanh nhiệt, giải độc, lợi thấp; có tác dụng kích thích thủy đậu thấu phát ra ngoài, giúp cơ thể đào thải tà độc, rút ngắn thời gian điều trị.

3. Cháo lục đậu 

Hỗ trợ điều trị bệnh thủy đậu nặng.

Thành phần: Lục đậu (đậu xanh cả vỏ) 60g, gạo tẻ 100g. Đậu xanh và gạo tẻ vo sạch, thêm nước, nấu thành cháo. Cháo chín, thêm đường phèn hoặc đường kính vừa miệng, trộn đều. Chia ăn trong ngày.

Công dụng: Thanh nhiệt thấu biểu, dưỡng âm giải độc.

4. Canh mã thầy

Dùng trong giai đoạn thủy đậu đã mọc và bắt đầu đóng vẩy.

Thành phần: Mã thầy 150g, gọt bỏ vỏ, thái lát mỏng, đường phèn vừa đủ, lượng nước thích hợp, nấu chín, ăn trong ngày.

Công dụng: Thanh nhiệt giải độc.

5. Cháo trúc diệp, thạch cao

Thích hợp với giai đoạn cuối của bệnh thủy đậu, khi đã hết sốt và nốt đậu đã đóng vẩy.

Thành phần: Trúc diệp (lá tre) 15g, sinh thạch cao 15g, gạo tẻ 60g. Hai vị trên sắc lấy nước, bỏ bã, cho gạo đã vo sạch vào nấu thành cháo. Cháo chín có thể thêm đường trắng vào trộn đều, chia ăn trong ngày, ăn liền trong vài ba ngày.

Công dụng: Thanh giải nhiệt độc còn sót lại.

6. Cơm nát thịt nạc

Dùng trong giai đoạn cuối của thủy đậu, giúp cơ thể mau chóng hồi phục.

Thành phần: Thịt lợn nạc 100g (xay nhỏ), cơm nấu nhiều nước, cơm cn trộn thịt nạc vào, đun cách thủy đến khi thịt chín, chia 2 lần ăn trong ngày, ăn liền trong vài ba ngày.

Công dụng: Kiện tỳ ích khí.

Mời bạn xem thêm video

WHO phê duyệt vaccine COVID-19 thứ 9

Lương y Hoài Vũ
Ý kiến của bạn