Dược sĩ Nguyễn Văn Luận cả một đời sản xuất thuốc vì dân

26-02-2018 20:54 | Xã hội
google news

SKĐS - DS. Nguyễn Văn Luận là một trong 12 dược sĩ tốt nghiệp trước năm 1945, tham gia kháng chiến năm 1946, đã vượt nhiều khó khăn sản xuất nhiều thuốc phục vụ bộ đội và đồng bào.

DS. Nguyễn Văn Luận  sinh ngày 13/6/1913 tại vùng quê Gia Thụy, Gia Lâm, Hà Nội, trong một gia đình viên chức nghèo nhưng hiếu học, có nhiều người theo nghề Y Dược.Năm 1944, tốt nghiệp dược sĩ cao cấp tại Trường đại học Y Dược khoa Đông Dương. Anh trai ông là BS. Nguyễn Văn Vịnh, đã sớm tình nguyện tham gia Vệ quốc đoàn, là quân y vụ trưởng chiến khu 3 trong kháng chiến chống Pháp. Ông có con trai là anh Nguyễn Duy Lâm bộ đội trong kháng chiến chống Mỹ, đã hy sinh tại chiến trường Quảng Trị năm 1972.

Kháng chiến, những cuộc hành trình

Thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Tháng 9/1946, chúng gây chiến tại Hải Phòng. Ông quyết định đóng cửa hiệu thuốc, ủng hộ thuốc cho chính quyền cách mạng và tình nguyện gia nhập Vệ quốc đoàn, cùng vợ và con thơ ra đi theo kháng chiến. Quân đội giao cho ông xây dựng và phụ trách Viện Bào chế A.

DS. Nguyễn Văn Luận

DS. Nguyễn Văn Luận

Đầu  năm 1947, Viện Bào chế A của ông đặt tại làng Tẻ huyện Quỳnh Côi, Thái Bình. Chiến tranh lan rộng, giặc đánh tới đâu, ông lại cho cơ quan di chuyển rồi tổ chức sản xuất, từ Thái Bình sang Tiên Lữ (Hưng Yên), về Thanh Miện (Hải Dương). Tháng 2/1950, ông lại bố trí cơ sở ở Thọ Phát, Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Đơn vị có tên mới là Công trường 4, sau đổi tên là XF 341, có 50 công nhân sản xuất.

Năm 1948, Cục trưởng Cục Quân y Vũ Văn Cẩn duyệt ngay đề nghị của DS. Đỗ Tất Lợi - Giám đốc Viện Khảo cứu và Chế tạo dược phẩm Cục Quân y thành lập thêm Chi nhánh Liên khu 3-4 của Viện và giao cho DS. Nguyễn Văn Luận làm Trưởng chi nhánh. DS. Luận được cấp 80 vạn đồng cụ Hồ (một số tiền lớn thời bấy giờ) làm quỹ chi phí nghiên cứu và sản xuất.

Chi nhánh Liên khu 3-4 đã làm được nhiều việc nhưng thành tích lớn nhất, giá trị nhất là làm ra được những liều ête mê đầu tiên vào năm 1948 trong điều kiện khó khăn thiếu thốn của kháng chiến.

Sản xuất nhiều thuốc cho kháng chiến

Từ tháng 4/1947,  DS. Nguyễn Văn Luận đã tổ chức việc bào chế, sản xuất nhiều thuốc, sản xuất được bông thấm nước từ bông mua trong dân, sản xuất bột bó bằng thạch cao được mua từ Trung Lào về.

Cồn cao độ rất cần cho y tế, là nguyên liệu chính làm ra ête và clorofoc.

Để chế tạo được cồn cao độ  DS. Luận đã cho làm cái tháp sinh hàn (colonne à plateau) có tới 28-30 mâm bằng gò tôn, chưng cất nhiều tầng. Nhờ có cái tháp  này cơ sở mua rượu “cuốc lủi” 45o trong dân để cất thành cồn 92o.

- Sản xuất ête: DS. Nguyễn Văn Luận có dịp đến thăm Trạm phẫu thuật tiền phương của BS. Hoàng Đình Cầu đặt tại Phủ Lý (Hà Nam). Ông biết rõ do thiếu thuốc gây mê mà nhiều thương binh không được mổ. Có những ca mổ nhỏ, thương binh quá đau đớn. Điều đó thôi thúc ông phải làm ra ête mê sớm vì nhu cầu rất cấp bách phục vụ tiền tuyến.

Trong điều kiện thời chiến thiếu thốn đủ thứ, DS. Luận cùng  hai công nhân trẻ là Phạm Thiệp và Lại Thanh Hiền đã thiết kế một hệ thống chưng cất công nghiệp được đặt bên tường của ngôi đình làng. Cho cồn cao độ phản ứng với axit sunfuric đặc trong một bình bằng sành, nút bằng gỗ có chát kín bằng đất sét nhào với lá khoai môn, đặt trong thùng dầu lạc để đun cách dầu. Cho đun nhẹ lửa, dầu nóng lên ở 1400, qua một ống thủy tinh hình chữ S đưa cồn chảy vào giữa bình phản ứng, cồn mất nước bốc hơi qua ống sinh hàn sẽ ngưng tụ thành các giọt ête có mùi thơm. Việc chế tạo rất khó khăn do cơ sở chỉ mua được axit sunfuric công nghiệp có nhiều tạp chất, đặc biệt là axit nitric. Để loại axit nitric phải dùng nhiệt độ, đun axit sunfuric sôi, cho axit nitric bốc hơi, sinh ra khí NO2 màu đỏ nâu, rất độc. Xưởng phải  lo bảo đảm an toàn cho công nhân và cho dân, vì ête dễ bắt lửa, gây nổ và độc hại. Rất may mắn, suốt từ năm 1948 - 1954 trong điều kiện thiết bị sản xuất thô sơ, ở lẫn với nhà dân, xưởng của ông liên tục hoạt động mà không hề gặp sự cố cháy nổ nào.

Mỗi tháng xưởng chế tạo được 15 lít sản phẩm. Sau khi gửi đi làm thực nghiệm, có nhận xét đạt chuẩn, ête được đóng vào các lọ nhỏ 50ml để cấp cho các trạm phẫu thuật. Có ête để cứu chữa cho thương binh, các bác sĩ ở các nơi đều rất mừng và khen ngợi, BS. Hoàng Đình Cầu gửi thư thông báo: “Ête mê của các anh dùng rất tốt, cần làm nhiều hơn nữa để gửi cho các chiến trường khác”. Phân viện tiếp tục cải tiến thiết bị, nâng công suất lên 20 lít/tháng, cung cấp không chỉ cho Liên khu 3 còn tới các mặt trận khác. Thành tích sản xuất tự túc được ête mê và cloroform được coi là một trong những thành tích hàng đầu về tự túc sản xuất thuốc men trong thời kỳ chống Pháp.

Người dược sĩ có tâm

DS. Nguyễn Văn Luận luôn là người gương mẫu thể hiện phẩm chất của người dược sĩ là cẩn thận, chính xác để có thuốc chất lượng tốt. Trong khi chỉ đạo cán bộ nghiên cứu và sản xuất, ông rất nghiêm khắc với yêu cầu về chất lượng thuốc theo các tiêu chuẩn của Dược điển Pháp.

Việc sản xuất  thuốc canxi clorua (CaCl2) để làm thuốc tiêm tĩnh mạch thì chế biến khó khăn hơn. Ông cho axit clohydric tác dụng với vôi sống (CaO) rồi tinh chế thật kỹ thành canxi clorua làm  thuốc tiêm. Không có phương tiện kiểm nghiệm, ông dùng ngay thân thể mình để kiểm tra độ an toàn của thuốc. Sau khi tiêm tĩnh mạch, thuốc này sẽ làm cho cơ thể người bệnh nóng lên, song ông lại thấy thuốc tiêm đã làm cho ông bị nóng khác thường, nóng hầm hập như người bị sốt. Chắc là chất lượng thuốc có vấn đề, ông quyết định phải tinh chế thêm nữa. Ông lại cho tiêm vào tĩnh mạch trên cánh tay mình lần thứ hai để kiểm tra. Ông thấy bình thường, ông mới yên tâm cho làm thuốc tiêm để  gửi cho điều trị. Khi làm xong lô thuốc ête mê đầu tiên, ông đã cho thực nghiệm gây mê trên súc vật để kiểm tra độ an toàn.

Nhiều đơn vị yêu cầu cung cấp bơm tiêm, nhưng không thể mua được từ vùng tạm chiếm. DS. Nguyễn Văn Luận đã thuyết phục một công nhân biết nghề giúp đào tạo cho một nhóm công nhân học nghề để có thể làm được bơm tiêm ở xí nghiệp thủy tinh trên Việt Bắc.

DS. Nguyễn Văn Luận và các cựu sĩ quan quân dược có nhiều thành tích trong kháng chiến.

DS. Nguyễn Văn Luận và các cựu sĩ quan quân dược có nhiều thành tích trong kháng chiến.

18 năm làm Giám đốc Xí nghiệp Dược phẩm 2 Trung ương

Năm 1954 hòa bình lập lại, trở về Thủ đô, DS. Nguyễn Văn Luận được bổ nhiệm làm Trưởng phòng  Kiểm nghiệm thuốc Cục Quân y. Năm 1957, DS. Luận là Viện phó Viện Bào chế tiếp tế kiểm nghiệm Cục Quân y.

Tháng 12/1959, Cục Quân y đã tiếp nhận một xí nghiệp sản xuất thuốc do Liên Xô viện trợ cho quân đội Việt Nam. Xí nghiệp mang tên là Xí nghiệp Dược phẩm 6-1 một nhà máy dược phẩm hiện đại ở Việt Nam thời bấy giờ.

Tháng 1/1961, Chính phủ quyết định chuyển XNDP 6-1 sang Bộ Y tế và đổi tên là Xí nghiệp dược phẩm Trung ương 2. DS. Nguyễn Văn Luận đã là Giám đốc XNDP TW 2 trong 18 năm, đã lãnh đạo hàng chục dược sĩ, kỹ sư và gần 1.000 công nhân viên để sản xuất một khối lượng lớn thuốc thiết yếu với các chất lượng cao như các thuốc vitamin, viên polyvitamin, một số thuốc tiêm, nhiều mặt hàng mới như: viên kavet, viên sen vông, viên seda, viên tăng lực, dịch truyền dextran các loại cao, rượu thuốc, chế phẩm chiết xuất từ dược liệu… để phục vụ nhân dân và quân đội xây dựng hòa  bình và kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam. Đặc biệt, xí nghiệp sản xuất được dầu cao Ba Đình (cao sao vàng) rất được ưa chuộng ở Việt Nam, Liên Xô, Đông Âu và Cuba. DS. Luận đã xây dựng dây chuyền công nghệ chiết xuất nerioline làm thuốc trợ tim, thuốc rutin chữa huyết áp, thuốc rotundin an thần và palmatin để chế biến thuốc  tra mắt và  chữa lỵ, nhiều mặt hàng không chỉ phục vụ sản xuất trong nước, còn xuất khẩu.

Năm 1974, DS. Nguyễn Văn Luận được Chủ tịch nước CHDCND Lào tặng thưởng Huân chương Ít Xa la vì có công giúp nước bạn xây dựng một xí nghiệp Dược phẩm tại Sầm Nưa trong chương trình quà tặng của Việt Nam.

Nhà sư phạm mẫu mực

Từ trải nghiệm của bản thân, từ thực tế công tác DS. Nguyễn Văn Luận coi trọng nguyên lý “Kỹ thuật là khóa, văn hóa là chìa” nên ông dành nhiều thời gian cho  công tác đào tạo. Trong kháng chiến, để bổ sung nhân lực Dược phục vụ công tác y tế. DS. Luận đã tham gia giảng dạy 2 khóa tại Trường Dược sĩ trung cấp chính quy đầu tiên ở Thanh Hóa năm 1951. Tại XNDP 2, ông đã tổ chức Trường bổ túc văn hóa cho công nhân viên. Những ai tốt nghiệp các lớp cấp 2, cấp 3 được giám đốc tạo điều kiện cho đi học chuyên môn. Trường  bổ túc văn hóa của XNDP TW 2  là một điển hình tiên tiến của ngành giáo dục Thành phố Hà Nội.

Ông còn tham gia dạy học cho sinh viên tại Trường đại học Dược khoa và là Chủ nhiệm bộ môn Hóa vô cơ và phân tích của trường trong nhiều năm. DS. Nguyễn Văn Luận là Trưởng ban Bào chế, Ủy viên Hội đồng Dược điển quốc gia lần thứ I.

DS. Nguyễn Văn Luận nghỉ hưu năm 1978 và đã từ trần ngày 7/5/2003, thọ 91 tuổi. DS. Nguyễn Văn Luận là tấm gương tiêu biểu của trí thức ngành Dược, được các đồng nghiệp và cán bộ trong ngành kính trọng về những công lao trong việc sản xuất thuốc phục vụ bộ đội và nhân dân trong những thời kỳ đất nước có nhiều khó khăn, trong kháng chiến cứu nước. Ông sống rất gương mẫu, chân thành và giản dị, có đạo đức trong sáng, làm việc cần kiệm, liêm chính, luôn hết lòng vì công việc.


TRẦN GIỮU
Ý kiến của bạn