Dù không bỏ vốn ra nhưng nếu một dược sĩ đại học (DSĐH) đứng tên chịu trách nhiệm về chuyên môn và ký kết hợp đồng trách nhiệm với nhà thuốc (NT) thì sẽ được gọi là “chủ nhà thuốc”. Khuyết chức danh này, NT không thể ra đời và duy trì hoạt động. Nhưng trong thực tế, trách nhiệm, quyền hạn của “nhân vật quan trọng” này thế nào?
Thực tế, dược sĩ đứng tên cho nhà thuốc rất hiếm khi ở quầy (ảnh có tính chất minh họa). Ảnh: Trần Minh |
Từ thực trạng các chủ nhà thuốc
Khá đông dược sĩ đại học (DSĐH) ít khi đến nơi làm việc đúng “hợp đồng trách nhiệm”. Lý do:
NT hoạt động cả ngày, có khi thâm vào đêm. DSĐH nếu là đương chức kiêm nhiệm thì không thể có thời gian, nếu là về hưu thì không phải ai cũng đủ sức khỏe.
Một số ít DSĐH vốn làm việc ở các nơi không, hoặc tiếp xúc với ít thuốc nên chưa đủ khả năng thực tế phụ trách chuyên môn cho NT, đặc biệt là tham vấn dùng thuốc (có khá nhiều chủng loại) nhất là thị trường ngày càng có nhiều thuốc mới... thì nhược điểm này càng lộ rõ. Do vậy, DSĐH khó làm việc với người bán hàng, với người bệnh và tự thấy việc có mặt mình ít có ý nghĩa.
Một số DSĐH nắm vững kiến thức chuyên môn và quản lý, thời gian đầu làm việc tận tụy, nhưng dần dần thấy sự tận tụy ấy sẽ ảnh hưởng đến doanh số của NT, nể ngại, rồi sinh ra lơ là chức trách. Người bán thuốc (thường là người bỏ vốn ra kinh doanh) thấy sự có mặt của DSĐH có khi lại “làm khó cho mình”, nếu DSĐH lơ là chức trách, họ cảm thấy “tự do” và “dễ chịu”!
Mua thuốc không cần đơn, bán thuốc theo lời kể bệnh. Những điều này, lâu dần thành quen. Đến nỗi, bây giờ dù vẫn biết thuốc là “loại hàng đặc biệt”, việc bán thuốc tại một số NT không khác gì lắm với việc bán tạp hóa. Một trong những thói quen làm cho DSĐH khó làm việc nhất là người bán thuốc (dược tá, dược sĩ trung học) tùy tiện bán, bất kể thuốc OTC hay thuốc phải kê đơn, theo “kiểu điếc không sợ súng”. Trong NT, vai trò, vị trí quyền hạn nhiệm vụ của DSĐH và người bán thuốc (là dược tá hay dược sĩ trung học) thường bị lẫn lộn, nói nghiêm túc là thiếu một sự phân định rõ ràng theo trật tự bằng cấp. Điều này khác hẳn với sự phân định rõ ràng vai trò vị trí quyền hạn nhiệm vụ của bác sĩ và kỹ thuật viên, điều dưỡng viên trong khu vực khám chữa bệnh.
Trong Luật dược, Nghị định Chính phủ, Thông tư Hướng dẫn của Bộ Y tế... có nhiều quy định nhằm khắc phục tình trạng này như: “nghiêm cấm việc mua bán bằng”; “DSĐH phải có mặt khi nhà thuốc mở cửa...”. Có nơi, có lúc, Sở Y tế tiến hành kiểm tra, phạt những đơn vị, cá nhân vi phạm những quy định này. Nhưng trên thực tế vẫn còn khá nhiều nơi, những quy định này không được thực thi đầy đủ?
Ở nước ta, tại vùng nông thôn đồng bằng, thị trấn, thị xã, thành phố 1 điểm bán lẻ thuốc trung bình chỉ phục vụ cho vài ba nghìn dân, ít khi đến 5.000. Ở các nước có mức tiêu thụ thuốc bình quân theo đầu người hàng năm gấp 5 - 10 lần nước ta lại thường là 5.000. Lấy đâu ra DSĐH đáp ứng cho màng lưới bán lẻ thuốc quá lớn này? Theo một điều tra tại một tỉnh nhỏ, thì có 90% NT do DSĐH đương chức kiêm nhiệm đứng tên. Có thể đây cũng là tỷ lệ phổ biến ở nhiều tỉnh khác. Đây chính là nguyên nhân sâu xa của việc xảy ra tình trạng không tuân thủ những quy định (như nói trên).
Đến các giải pháp
Muốn loại bỏ thực trạng DSĐH chưa làm đúng trách nhiệm đứng tên chịu trách nhiệm chuyên môn NT như nói trên, chúng tôi thấy cần lưu tâm một số vấn đề:
- Phụ trách chuyên môn NT là công việc đòi hỏi có trình độ chuyên môn, trình độ quản lý, có thì giờ, tập trung tâm sức. Người nào đã làm việc này thì không làm việc tại nơi khác và ngược lại. Đây không phải là đề xuất mới. Tiếp xúc với các đồng nghiệp từng làm nghề từ trước năm 1975 chúng tôi được biết “DSĐH (ở miền Nam cũ chỉ gọi là DS hay DS hạng nhất) nếu đã làm việc cho Nhà nước (bệnh viện hay trường đại học) thì không mở Pharmacy (NT) và ngược lại...”. Ở nước ta, kể từ khi đổi mới, Nhà nước cho DSĐH hành nghề tư, bản thân DSĐH coi việc đứng tên chịu trách nhiệm chuyên môn NT như là việc làm thêm (để cải thiện đời sống?!). Các cơ quan quản lý tuy có những quy định chặt chẽ (như nói trên) nhưng thực tế trước đây vẫn cấp giấy cho DSĐH đương chức hành nghề tư. Đồng nghĩa với việc cấp giấy cho những người không thể nào thực hiện được chính những quy định ấy. Ít nhất bây giờ bản thân DSĐH cũng như cơ quan quản lý cùng thống nhất một quan niệm “phụ trách chuyên môn NT là một việc, một nghề riêng, không thể là việc làm thêm, việc kiêm nhiệm”.
- Phải đào tạo một đội ngũ DSĐH làm việc này. Công việc của DSĐH - chủ NT đòi hỏi các kiến thức chuyên môn quản lý khác với kiến thức chuyên môn và quản lý của DSĐH làm trong các lĩnh vực khác (sản xuất, dược liệu kiểm nghiệm, quản lý...). Theo quy định, một DSĐH muốn được cấp chứng chỉ hành nghề NT thì phải qua 3 năm thâm niên trong các cơ sở dược. Lâu nay nhiều người vẫn băn khoăn với quy định thâm niên này và đặt ra câu hỏi: như vậy, DSĐH mới ra trường phải tìm một đơn vị dược nào đó làm việc 3 năm rồi mới có thể quay về làm NT? Nếu thời gian đó lại làm việc trong một cơ sở khác xa với hoạt động NT thì liệu thâm niên đó có ích hay không? Đơn vị nào chịu nhận khi mới ra trường nếu biết họ chỉ có ý định làm việc 3 năm? Sau 3 năm liệu họ có còn coi phụ trách chuyên môn NT là một nghề để quay về làm không? Sao không coi phân phối thuốc là một chuyên khoa, ngay khi đào tạo chúng ta kéo dài thêm thời gian (chẳng hạn như 6 tháng) để họ thâm nhập thực tế và sau khi ra trường có thể làm ngay được việc phụ trách chuyên môn NT luôn? Nếu không suy nghĩ đến những điều này thì khó có thể làm cho việc phụ trách chuyên môn NT trở thành một nghề thật sự. Số lượng DSĐH làm chủ nhà thuốc cần đào tạo là bao nhiêu? Hiện người bỏ vốn mở NT chỉ cần trả cho DSĐH đương chức ít tiền vẫn ký được hợp đồng trách nhiệm, nên dù doanh số không cao vẫn có lãi. Nhưng nếu trả lương cho DSĐH đủ để chỉ làm việc này thì lại khác và không phải có thể mở ra nhiều NT như hiện nay. Không thể căn cứ số lượng nhà thuốc đã có mà phải nghiên cứu kỹ để đào tạo đủ nhưng không thừa.
- DSĐH phải coi việc thực thi các nhiệm vụ chuyên môn tại NT là vinh dự và trách nhiệm; việc phân định vị trí vai trò trách nhiệm của DSĐH và người bán thuốc phải được chấn chỉnh lại. Nếu không như vậy thì chính bản thân DSĐH từ bỏ vinh dự và trách nhiệm của mình. Một vài lần, chúng tôi thử đi mua thuốc tại các NT đã cấp giấy chứng nhận GPP vẫn thấy ở đây người bán thuốc bán hàng loạt kháng sinh thế hệ mới không cần đơn? Đây là điều cần chấn chỉnh nhưng không chỉ bằng kiểm tra (vì không cách nào kiểm tra hết) mà quan trọng hơn là bằng ý thức tự giác của chính DSĐH.
- Hiện người bỏ vốn mở NT thường trả cho DSĐH chủ nhà thuốc mỗi tháng ở tỉnh lẻ khoảng 700.000 - 1.000.000đ, ở TP.HCM khoảng 3.000.000 đồng. Mức này bằng khoảng 40 - 60% lương của một Trưởng khoa Dược bệnh viện hay Trưởng phòng kỹ thuật của một xí nghiệp công ty loại vừa tại các địa phương đó? Sẽ là nhiều nếu coi đây là khoản bồi dưỡng (như quen gọi) cho DSDH đương chức kiêm nhiệm, nhưng sẽ là ít nếu như coi là lương để người phụ trách chuyên môn NT coi là một nghề, tập trung tâm sức, không cần làm thêm việc khác.
Trách nhiệm và suy nghĩ là điều mà mỗi DSĐH đứng tên chịu trách nhiệm NT đã và đang trải qua. Ghi lại điều này để trao đổi cùng đồng nghiệp.
DS. Vũ Trung Hải