Hà Nội

Dược sĩ chỉ tên các loại thuốc người bệnh gút nên tránh

31-10-2021 06:45 | Thông tin dược học

SKĐS - Đối với người mắc bệnh gút, ngoài thực phẩm chứa nhiều purine cần tránh thì một số loại thuốc cũng có thể làm trầm trọng hơn các triệu chứng của bệnh.

Nếu đang sống chung với bệnh gút thì bạn đã quá quen thuộc với những cơn đau và sưng tấy ở ngón chân cái và các khớp khác. Những cơn đau này xảy ra khi có nồng độ acid uric trong máu tăng cao. Acid uric là sản phẩm đào thải của các quá trình tự nhiên trong cơ thể, được loại bỏ qua đường tiêu hóa và thận. 

Nếu acid uric không được đào thải, nó có thể tích tụ trong máu. Khi vượt ngưỡng quá 6,8 miligam mỗi decilit (mg / dL), acid uric có thể lắng đọng trong các khớp. Trong khớp, acid uric có thể tạo thành các tinh thể gây ra sưng, đỏ và đau hay còn gọi là "cơn gút".

Thuốc làm tăng acid uric người bệnh gút nên tránh - Ảnh 1.

Những cơn đau gút xảy ra khi có nồng độ cao acid uric.

Các thuốc điều trị gút 

Điều trị bệnh gút có hai hướng tiếp cận:

Các cơn gút riêng lẻ thường được điều trị bằng thuốc chống viêm không steroid (NSAID), colchicine hoặc corticosteroid. Những thuốc này giúp làm giảm sưng và giảm đau.

Để ngăn chặn các cơn đau tái phát, cần một loại thuốc làm giảm nồng độ acid uric, hay còn gọi là thuốc làm giảm urat. Loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất là allopurinol. Một lựa chọn khác là febuxostat, nhưng thuốc chỉ được chỉ định khi không thể sử dụng allopurinol.

Mặc dù không có cách chữa khỏi hoàn toàn bệnh gút nhưng sự kết hợp giữa thuốc và các chiến lược tự quản lý có thể ngăn bệnh bùng phát và trở thành mãn tính.

Đặc biệt, thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh là một trong những thay đổi lớn nhất mà người bệnh có thể thực hiện để ngăn ngừa các đợt gút. Tránh thực phẩm gây kích thích có nhiều purin, như chế độ ăn nhiều thịt đỏ, thịt nội tạng và hải sản. Cũng nên tránh uống rượu và đồ uống có đường bất cứ khi nào có thể và uống đủ nước.

Thuốc làm tăng acid uric người bệnh gút nên tránh - Ảnh 2.

Ngoài thực phẩm cần tránh thì một số loại thuốc có thể làm tăng nặng các triệu chứng bệnh gút.

Những loại thuốc người bệnh gút cần thận trọng

Ngoài thực phẩm chứa nhiều purine cần tránh thì một số loại thuốc có thể gây ra các triệu chứng bệnh gút. Thậm chí ngay cả một lượng nhỏ các loại thuốc này cũng có thể gây ảnh hưởng đến bệnh. Các thuốc này bao gồm:

Aspirin: Aspirin thuộc nhóm thuốc chống viêm có tác giảm đau và hạ sốt. Thuốc được sử dụng phổ biến để điều trị các vấn đề sức khỏe thường gặp như sốt, đau. Tuy nhiên ngay cả liều lượng thấp, aspirin cũng có thể gây tăng aicd uric. Nghiên cứu cho thấy tác dụng này của aspirin phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới.

Thuốc lợi tiểu: Giúp điều trị các tình trạng như huyết áp cao, phù hoặc sưng ở chân. Những loại thuốc này hoạt động bằng cách loại bỏ nước và muối dư thừa ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, chúng cũng có thể gây ra một tác dụng phụ là quá nhiều acid uric trong cơ thể. Các thuốc lợi tiểu phổ biến bao gồm: Chlorothiazide, hydrochlorothiazide, indapamide, metolazone, spironolactone.

Thuốc chống thải ghép: Thuốc chống thải ghép như cyclosporine có thể làm tăng nồng độ acid uric trong máu và làm tăng nguy cơ phát triển bệnh gút. Những loại thuốc này được chỉ định cho những người trải qua cấy ghép nội tạng. Cyclosporine cũng có thể điều trị các tình trạng như viêm khớp dạng thấp và bệnh vẩy nến. Rối loạn chức năng thận có thể xảy ra từ việc dùng thuốc chống thải ghép. Thận bị tổn thương mất khả năng loại bỏ acid uric khỏi máu một cách hiệu quả, có thể khiến nồng độ acid uric tăng lên.

Các loại thuốc khác: Chất gây ức chế ACE, thuốc chẹn beta, thuốc chẹn thụ thể angiotensin II, thuốc hóa trị liệu.

Tăng acid uric máu liên quan đến thuốc được chẩn đoán như thế nào? 

Tăng acid uric máu liên quan đến thuốc được chẩn đoán khi thấy sự gia tăng nồng độ acid uric huyết thanh trong vòng vài ngày hoặc vài tuần sau khi bắt đầu dùng thuốc. Thuốc làm tăng nồng độ acid uric có thể khiến người bệnh khó kiểm soát bệnh gút hơn. 

Nếu nghi ngờ rằng một loại thuốc đang dùng có thể làm trầm trọng hơn tình trạng gút, hãy trao đổi ngay với bác sĩ điều trị.

Cần lưu ý không nên ngừng dùng các thuốc này đột ngột. Thay vào đó, hãy trao đổi với bác sĩ điều trị. Một số loại thuốc cần được ngừng dần dần, vì việc ngừng thuốc đột ngột có thể làm trầm trọng thêm bệnh. Bác sĩ sẽ xác định xem có nên tiếp tục dùng thuốc hay không hoặc có một giải pháp thay thế phù hợp hơn.

Mời xem thêm video đang được quan tâm: 

Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Du lịch khẩn trương khôi phục.

DS. Nguyễn Thị Trang
Ý kiến của bạn