Hà Nội

Dược sĩ chỉ cách sử dụng thuốc trị cúm an toàn cho bà bầu

29-08-2022 06:52 | An toàn dùng thuốc

SKĐS – Việc sử dụng thuốc trị cúm cho phụ nữ mang thai cần được tuân theo chỉ định và hướng dẫn của thầy thuốc…

Sử dụng thuốc an toàn cho phụ nữ mang thaiSử dụng thuốc an toàn cho phụ nữ mang thai

SKĐS - Không có loại thuốc nào là tuyệt đối an toàn nhất là đối với những đối tượng đặc biệt như phụ nữ mang thai. Trong một số trường hợp người mẹ bị hen suyễn, nhiễm trùng, tăng huyết áp, đái tháo đường thai kỳ… thì việc dùng thuốc là bắt buộc nhưng phải có sự chỉ định, theo dõi của bác sĩ.

1. Vì sao phụ nữ mang thai mắc cúm?

Trong khoảng thời gian giao mùa, thời tiết thay đổi thường xuyên, tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm phát triển và lây lan nhanh chóng. 

Đặc biệt, phụ nữ mang thai có nội tiết tố thay đổi, hệ miễn dịch trở nên yếu hơn, nhạy cảm với các tác nhân gây bệnh. 

Do vậy, bệnh cúm có thể trầm trọng và kéo dài hơn trên đối tượng đặc biệt này.

Dược sĩ chỉ cách sử dụng an toàn thuốc trị cúm cho bà bầu - Ảnh 2.

Phụ nữ mang thai mắc cúm có thể gây ảnh hưởng đến cả mẹ và thai nhi.

2.Dấu hiệu, các biến chứng của cúm đối với mẹ bầu và thai nhi

Các triệu chứng của cúm ở phụ nữ mang thai cũng tương tự như người bình thường, bao gồm sốt đột ngột (nhiệt độ > 37,9 độ C), mệt mỏi, đau nhức cơ thể, nhức đầu, ho khan, đau họng, khó thở, chảy nước mũi, chán ăn, tiêu chảy, đau bụng, đau cơ, buồn nôn...

So với cảm lạnh thông thường, các triệu chứng của cúm có xu hướng trầm trọng hơn, xuất hiện nhanh hơn, trong vòng vài giờ và ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể chứ không chỉ mũi, họng. Cúm khiến cơ thể cảm thấy kiệt sức và không còn đủ sức khỏe để tiếp tục những hoạt động sinh hoạt bình thường.

Trong trường hợp bệnh tiến triển nặng, cúm có thể gây ra tình trạng viêm phổi. Tình trạng này ở phụ nữ mang thai nguy hiểm hơn so với người bình thường do họ có nhu cầu oxy lớn hơn trong khi hệ miễn dịch lại yếu đi.

Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của thai phụ, cúm còn làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh như hở hàm ếch, tim bẩm sinh, một số khiếm khuyết trên cơ thể và tác động xấu đến não bộ của trẻ. Sốt cao kết hợp với độc tính của virus cũng có thể kích thích co bóp tử cung gây sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non.

3. Thuốc trị cúm và những lưu ý an toàn sử dụng thuốc

3.1.Thuốc kháng virus

Phụ nữ mang thai ở bất kỳ tam cá nguyệt nào nghi ngờ hoặc đã xác định mắc cúm nên được điều trị ngay bằng thuốc kháng virus bao gồm oseltamavir (tamiflu), zanamivir (relenza). Thuốc hoạt động theo nguyên tắc ức chế neuraminidase, một loại enzym có tác dụng giải phóng virus cúm khỏi bề mặt bên trong của tế bào, tạo điều kiện cho chúng lây nhiễm sang các tế bào khác.

Cả 2 thuốc đều thuộc "nhóm C" theo phân loại của FDA Hoa Kỳ, tức là vẫn chưa thực hiện các nghiên cứu lâm sàng có kiểm soát để đánh giá mức độ an toàn của những thuốc này đối với phụ nữ có thai. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu quan sát về việc điều trị bằng oseltamivir đường uống hoặc zanamivir đã chỉ ra rằng, điều trị bằng các thuốc kháng virus này là an toàn trong thời kỳ mang thai và không làm tăng nguy cơ xảy ra các biến cố bất lợi.

Thuốc kháng virus hoạt động tốt nhất nếu sử dụng trong vòng 48 giờ đầu sau khi khởi phát các triệu chứng cúm.

Một số tác dụng phụ phổ biến khi dùng thuốc kháng virus bao gồm đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn. Các tác dụng không mong muốn này có thể gây khó chịu hơn khi mang thai, tuy nhiên, chúng thường biến mất trong vòng vài ngày. Sản phụ có thể dùng thuốc cùng với thức ăn để giảm sự khó chịu ở dạ dày. Những tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc thường hiếm gặp, bao gồm phản ứng dị ứng (phát ban, nổi mề đay, ngứa…).

Dược sĩ chỉ cách sử dụng an toàn thuốc trị cúm cho bà bầu - Ảnh 3.

Thuốc kháng virus hoạt động tốt nhất nếu sử dụng trong vòng 48 giờ đầu sau khi khởi phát các triệu chứng cúm.

3.2. Thuốc kháng sinh

Kháng sinh không có hiệu quả trên virus, không giúp giảm các triệu chứng cúm hoặc đẩy nhanh tốc độ hồi phục bệnh. 

Thuốc kháng sinh chỉ được kê đơn trong trường hợp có các biến chứng nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra như viêm phế quản, viêm phổi, viêm xoang, viêm tai giữa…

3.3.Thuốc giảm đau, hạ sốt

Một triệu chứng phổ biến của bệnh cúm là sốt. Bị sốt trong ba tháng đầu của thai kỳ làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc một số dị tật bẩm sinh. Sốt cũng làm tăng nguy cơ chuyển dạ và sinh non. Nếu thai phụ bị sốt khi chuyển dạ, nguy cơ trẻ sinh ra bị co giật và mắc các bệnh lý nguy hiểm về não khác cũng tăng lên.

Paracetamol là thuốc hạ sốt được ưu tiên lựa chọn cho phụ nữ mang thai. Liều khuyến cáo thường là 500mg mỗi khi sốt trên 38,5 độ C, lặp lại liều này với những cơn sốt tiếp theo trong vòng 4-6 giờ, một ngày không nên dùng quá 6 viên. Tránh dùng aspirin hay ibuprofen trong thai kỳ do thuốc làm tăng nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ.

3.4.Thuốc trị ho

Dextromethorphan hay guaifenesin được cho là an toàn trên phụ nữ có thai, giúp giảm các triệu chứng của đường hô hấp. Tuy nhiên, thai phụ vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ về liều dùng phù hợp với tình trạng bệnh.

3.5.Một số loại thuốc xịt mũi

Đa số các thuốc xịt mũi chứa corticoid đều dùng được trong thai kỳ. Tuy nhiên cần chú ý đến liều lượng thuốc để tránh các tác dụng không mong muốn có thể gặp của thuốc.

 Nước muối sinh lý dạng nhỏ hoặc xịt cũng an toàn trên phụ nữ có thai, giúp làm sạch và giữ ẩm cho mũi.

4. Phòng tránh cúm ở phụ nữ mang thai thế nào?

Đối với bệnh cúm, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa là cần thiết và quan trọng hơn việc dùng thuốc điều trị. 

Tiêm phòng vaccine cúm là sự lựa chọn tốt nhất được các tổ chức y tế khuyến cáo để ngăn ngừa nhiễm cúm ở phụ nữ có thai. Hầu hết bác sĩ khuyên các bà mẹ nên tiêm vaccine phòng ngừa cúm vào tháng 9, 10 hoặc ngay khi bắt đầu mùa cúm. Tiêm phòng sớm cũng có thể được xem xét đối với những thai phụ đang trong ba tháng cuối của thai kỳ, vì có thể giúp bảo vệ trẻ mới sinh ra trong những tháng đầu đời (khi chúng còn quá nhỏ để được tiêm phòng).

Cúm rất dễ lây lan từ người sang người qua dịch tiết đường hô hấp, đặc biệt trong vòng 5-7 ngày đầu tiên sau khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên.

Virus cúm có thể tồn tại trên các bề mặt cứng như mặt bàn, quầy kệ, tay nắm cửa… lên đến 48 giờ.

 Để giảm nguy cơ mắc và lây bệnh cúm cho người khác, cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa sau: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ấm sau khi tiếp xúc với dịch tiết đường hô hấp, che mũi hoặc miệng và sử dụng khăn giấy khi ho/hắt hơi, thường xuyên vệ sinh các bề mặt như bàn phím, điện thoại và tay nắm cửa để loại bỏ vi trùng.

Bên cạnh đó, trong quá trình mang thai, người mẹ luôn cần theo dõi sức khỏe của mình và thai nhi qua việc khám thai đầy đủ và có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt điều độ. 

Xem thêm video đang được quan tâm:

Bạn đã hiểu đúng về thuốc kháng sinh chưa?

DS. Phạm Quỳnh Như
BV Trung ương Huế
Ý kiến của bạn