Được quyền tự trị, phe ly khai Ukraine “vẫn chống đối”

18-09-2014 07:27 | Quốc tế

Một lãnh đạo của phe nổi dậy ở Ukraine nói rằng luật mới cho phép quyền tự trị đối với một vài phần ở phía đông sẽ không ảnh hưởng đến việc đòi độc lập.

Ông Andrei Purgin cho biết không có kế hoạch phát triển bất cứ quan hệ chính trị, liên bang hay gì khác với Ukraine.

Tuy nhiên, ông nói có "những dấu hiệu tích cực" trong quyết định của các dân biểu cho phép quyền tự trị và ân xá cho những người nổi dậy ủng hộ Nga.

Ông nói rằng nó có thể được sử dụng làm cơ sở cho đối thoại nhưng quân nổi dậy sẽ không từ bỏ mong muốn có một "thế giới thuộc về Nga".

Thỏa thuận ngưng bắn tạm dừng nhiều tháng trời xung đột giữa phe ly khai và lực lượng chính phủ. Nó được thực thi bất chấp vẫn có những giao chiến lẻ tẻ giữa hai bên trong vòng 12 ngày qua.

Phóng viên BBC Paul Adams ở Luhansk cho biết đã đi qua xác đoàn xe bọc thép của chính phủ. "Giờ nhìn chúng trông thật tiêu điều, biến dạng và bị phá hủy trên đường rút khỏi Luhansk cách đây hai tuần", phóng viên Paul Adams nói.

Đây là một quang cảnh tàn phá thật đáng sợ. Một chục chiếc xe tăng, xe tải và xe bọc thép hoặc nhiều hơn đã bị bắn vỡ toang và văng ra giữa những hố bom đạn và những thân cây trần trụi cháy đen.

Đây là kết quả của một cuộc bắn phá dữ dội với sự tham gia của hỏa lực chính xác hơn là những gì phe nổi dậy có thể thực hiện được. Có thể có sự tham gia của trực thăng Nga.

Quang cảnh ảm đạm này như một lời nhắc nhở rằng nếu thỏa thuận ngừng bắn tan vỡ hoàn toàn, thì nước láng giềng hùng mạnh của Ukraine ở phía đông có lẽ sẽ không thể đứng nhìn.

Ông Purgin, Phó thủ tướng thứ nhất của cái gọi là Cộng hòa Nhân dân Donetsk, nói rằng động thái của các dân biểu có tác dụng như "một lời mời tới bàn đàm phán".

"Điều tích cực đầu tiên là chúng tôi không còn bị mô tả là những kẻ khủng bố. Thứ hai là theo quy định của luật này, chúng tôi có quyền có quan hệ kinh tế chính trị và đối ngoại."

Phe nổi dậy ở miền đông đã chiến đấu chống lại quân đội Ukraine kể từ khi chiếm một số thị trấn hồi tháng Tư.

Ông Purgin cho biết quốc hội Ukraine chỉ biểu quyết về luật cho Ukraine, và "chúng tôi có hội đồng cao cấp riêng của chúng tôi để đề ra luật lệ riêng của chúng tôi".

Ông cũng cáo buộc châu Âu ngấm ngầm muốn "sự diệt chủng văn hóa thiểu số của những người nói tiếng Nga tại Ukraine".

"Hiện có hàng ngàn người chết đã chiến đấu cho quyền lợi của công dân nói tiếng Nga. Vì quyền được là một phần của thế giới người Nga. Vì quyền được là Nga", ông nói.

Ông Purgin nói thêm: "Ukraine là đất nước thối nát nhất, nghèo nhất và tham nhũng nhất châu Âu. Đó là nơi ô uế của châu Âu."

Tổng thống Ukraine, ông Petro Poroshenko, nói rằng điều luật mới trao vị thế đặc biệt cho một số vùng tại Donetsk và Luhansk trong ba năm sẽ đảm bảo "chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và nền độc lập" của Ukraine, trong khi mở đường cho việc tản quyền.

Lệnh ân xá không áp dụng với vụ bắn hạ chiếc phi cơ chở khách MH17 hồi tháng Bảy.

Các nhà lãnh đạo phương Tây tin rằng phe nổi dậy bắn hạ chiếc phi cơ của hãng Hàng không Malaysia bằng một tên lửa của Nga - một cáo buộc mà cả phe nổi dậy và điện Kremlin đều bác bỏ.

Điều luật mới cũng có nghĩa là phe ly khai thân Nga bị bắt làm tù binh trong giao chiến nay sẽ được thả.

Những người ly khai chiếm giữ các tòa nhà chính phủ nay sẽ phải rời đi và bàn giao các binh lính người Ukraine bị bắt và các tù nhân khác, đồng thời hạ bỏ vũ khí của họ.

Những người nổi dậy bị cáo buộc các tội ác "nghiêm trọng" khác cũng sẽ không được áp dụng lệnh ân xá mới này.

Nhưng một số nhà lập pháp Ukraine mô tả luật tự trị này là giống như một cuộc bán đứng Ukraine trong những gì họ nhìn nhận như một cuộc chiến tranh chống lại Nga.

Ít nhất 3.000 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột và hơn 310.000 người phải ly tán ở Ukraine, theo Liên Hiệp Quốc.

Ukraine và phương Tây đã cáo buộc Nga hậu thuẫn cho lực lượng ly khai với binh lính và vũ khí hạng nặng. Điện Kremlin phủ nhận đã làm điều đó.

Thương mại tự do

Hôm thứ ba, Quốc hội Ukraine và Nghị viện châu Âu cũng đã bỏ phiếu phê chuẩn một thỏa thuận liên hiệp EU-Ukraine nhằm mục đích đưa nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ gần gũi hơn với EU.

Thỏa thuận này là gốc rễ của cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Chính việc cựu Tổng thống Viktor Yanukovych từ chối ký thỏa thuận hồi tháng Mười Một năm ngoái đã khiến bùng nổ các cuộc biểu tình quần chúng và dẫn tới việc ông bị truất quyền.

Thỏa thuận này sẽ làm cho Ukraine tương thích với các tiêu chuẩn của EU trong các lĩnh vực nhân quyền, an ninh và kiểm soát vũ khí, và sẽ gỡ bỏ các rào cản thương mại.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán với Nga tuần trước đã dẫn đến việc điều khoản về tự do thương mại trong thỏa thuận này bị hoãn lại cho đến năm 2016.

Theo Bizlive

 


Ý kiến của bạn