Dược phẩm nano Việt-Tự tin sánh tầm thế giới

12-11-2019 06:02 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Thời gian gần đây, dược phẩm nano được nhắc đến khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vậy dược phẩm nano là gì?

Tác dụng của dược phẩm nano như thế nào? So với thế giới, chúng ta có những thành tựu gì trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm theo công nghệ nano? Để tìm đáp án cho những câu hỏi này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS. TS. Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Viện phó Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chủ nhiệm Bộ môn Hóa học Nano (Đại học Công nghệ - Đại học Quốc Gia – Hà Nội), Chuyên gia nghiên cứu của nhà máy Nano sinh phẩm Vietlife trực thuộc Công ty cổ phần y dược Vietlife.

GS.TS. Nguyễn Đức Nghĩa.

Phóng viên: Xin GS. cho biết công nghệ nano ra đời từ bao giờ và những ứng dụng trong y dược học?

GS.TS. Nguyễn Đức Nghĩa: Công nghệ nano là kỹ thuật sử dụng kích thước từ 0,1 nanomet đến 100 nanomet để tạo ra sự biến đổi hoàn toàn lý tính một cách sâu sắc do hiệu ứng kích thước lượng tử (quantum size effect).

Từ thứ nguyên là kích thước nguyên tử hình thành khối hạt kích thước nano. Những khối nano này được tổ chức hóa thành những hình thái khác nhau được sắp xếp chặt chẽ kích thước nanomet. Các phương pháp chế tạo vật liệu cấu trúc nano có thể là tổng hợp hóa học hay bằng những công đoạn đặc biệt để tạo nên cấu trúc nano. Những chất để tạo nên vật liệu cấu trúc nano có thể là thuần hữu cơ hay vô cơ hoặc cũng có thể sử dụng vật liệu lai hỗn tính hữu cơ vô cơ.

Công nghệ nano tại Việt Nam được biết đến bắt đầu vào những năm 2000. Đầu tiên là vật lý nano, sau đó đến hóa học nano. Một trong những cơ quan đi đầu trong lĩnh vực này là Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam.

Trong công nghiệp hiện nay, các tập đoàn sản xuất điện tử đã bắt đầu đưa công nghệ nano vào ứng dụng, tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh từ máy nghe nhạc Ipod nano, nano sim đến các con chip, vi mạch điện tử có dung lượng và tốc độ xử lý cực nhanh. Trong khoa học quân sự, công nghệ nano cũng được ứng dụng để sản xuất các thiết bị quân sự, các trang thiết bị, vũ khí nano rất tối tân.

Công nghệ nano cũng đã xâm nhập vào y học và đang hình thành một ngành mới là y học nano. Y học nano được định nghĩa là ngành y học nhằm chữa bệnh, bảo vệ và cải thiện sức khoẻ con người bằng các công cụ có kích thước phân tử và dựa trên các hiểu biết về cơ thể con người ở cấp độ phân tử. Y học nano là một ngành rộng lớn bao gồm nhiều lĩnh vực: Hệ truyền dẫn dược chất, các vật liệu cấy ghép, công cụ chẩn đoán hình ảnh…

Hiện nay, công nghệ nano trong y dược học được xem là thị trường ứng dụng công nghệ nano mạnh mẽ nhất. Công nghệ mới này giúp chữa trị và chăm sóc sức khỏe của con người đạt hiệu quả cao nhất bằng kỹ thuật hiện đại, bằng vật liệu nhỏ, cấu trúc nano, cấu trúc phân tử dựa trên sự hiểu biết của con người. Công nghệ nano đã được phát triển trong việc sản xuất các máy móc thiết bị y tế, thuốc điều trị bệnh với những tính năng tối ưu nhằm điều trị bệnh triệt để nhất. Trong công nghệ dược phẩm, công nghệ nano được ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực, tuy nhiên hệ dẫn thuốc nano là lĩnh vực được ứng dụng mạnh mẽ nhất trong công nghệ bào chế. Nó đang góp phần tạo ra nhiều chế phẩm với những đặc điểm hấp thu có ưu điểm vượt trội, mở rộng hiệu lực điều trị, đặc biệt là giúp phát triển các dạng thuốc tác dụng tại đích, điều trị một cách hiệu quả nhiều loại bệnh và giảm nhiều tác dụng phụ của thuốc. Công nghệ nano được áp dụng trong chẩn đoán và chụp cộng hưởng từ hạt nhân MRI. Ngoài ra, công nghệ nano cũng được áp dụng trong phương pháp nhiệt-từ trị để chữa bệnh ung thư…

Phóng viên: Ở nước ta, việc ứng dụng công nghệ nano thế nào, thưa GS.?

GS.TS. Nguyễn Đức Nghĩa: Ở Việt Nam, tuy chỉ mới tiếp cận với công nghệ này một vài năm gần đây những cũng có những bước chuyển tạo ra sức hút đối với lĩnh vực đầy mới lạ này. Nhà nước cũng đã dành một khoản ngân sách khá lớn cho các công trình nghiên cứu công nghệ nano cấp quốc gia với sự tham gia của nhiều trường đại học và viện nghiên cứu.

Sau gần 20 năm phát triển, công nghệ nano ở các nước phát triển thường thiên về công nghệ lĩnh vực cao như: Vật lý nano, lĩnh vực điện tử, vi điện tử nano rồi tất cả các công nghệ cao cấp khác (quang điện tử về nano hoặc về các lĩnh vực vật liệu nano). Tuy nhiên, ở Việt Nam trong những điều kiện hiện nay rất khó phát triển các công nghệ này, bởi nano điện tử học phân tử để phát triển nhằm đáp ứng được công nghệ 4.0 hiện tại thì chúng ta khó có thể phát triển phần cứng (chế tạo các vật liệu này). Chúng tôi  đã nghiên cứu và nhận thấy hướng tốt nhất của công nghệ nano ở Việt Nam là công nghệ “khoa học về sự sống”. Trong đó tập trung chế tạo những sản phẩm phục vụ cho đời sống như dược phẩm nano, vật liệu cấu trúc nano, những sản phẩm vật liệu để cho các ngành xây dựng cơ bản phục vụ đời sống, kinh tế quốc dân. Sau nhiều năm nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy sản xuất dược phẩm nano là một trong những ưu tiên và sẽ phát triển nhất ở Việt Nam.

Phóng viên: Vì sao dược phẩm nano là một trong những ưu tiên và phát triển ở Việt Nam, thưa GS.?

GS.TS. Nguyễn Đức Nghĩa: Trên thực tế, ở nước ta việc ứng dụng công nghệ nano trong sản xuất vật liệu điện tử, vật liệu xây dựng, vật liệu gia dụng khác, thiết bị y tế... là không khả thi bởi chúng ta không có nền móng của nền công nghệ hiện đại, kỹ thuật không thể bằng được các nước tiên tiến... Nhưng nếu làm về dược phẩm nano, thuốc nanno thì chúng ta hoàn toàn có khả năng. Hướng về công nghệ nano của nước ta nên hướng về công nghệ chế tạo dược phẩm là tốt nhất. Chúng ta có thể tự tin vì chúng ta có một nguồn cung cấp về nguyên liệu từ thiên nhiên dồi dào. Thêm vào đó, chúng ta có những thành quả từ kinh nghiệm dùng các loại cây thuốc tự nhiên để chữa bệnh từ hàng nghìn năm nay của ông cha ta. Nhờ đó, chúng ta đã biết được loại cây nào có tác dụng gì, chữa bệnh ra sao, có chất độc hại nào, việc sản xuất dược phẩm không phải mất quá nhiều thời gian để đánh giá lâm sàng... Tuy nhiên việc sử dung thuốc nam dược cũng có những khiếm khuyết về thời gian trị bệnh, thuốc không đến đích, hàm lượng dược chất trong thuốc phụ thuộc vào thời gian, địa điểm thu hoạch...

Mặt khác như chúng ta đã biết, thuốc tây thường có tác dụng chữa bệnh nhanh. Nhưng lại có thể gây tác dụng phụ, nhờn thuốc, đa kháng thuốc, thậm chí phát triển thêm bệnh khác. Với thuốc được sản xuất có nguồn gốc tự nhiên, mặc dù tác dụng chữa bệnh không nhanh như thuốc tây nhưng lại có ưu điểm là không hoặc rất ít tác dụng phụ. Chưa kể đến, việc nghiên cứu ra một loại thuốc tây thường mất rất nhiều thời gian, khó khăn, tốn kém nhưng với công nghệ nano, chúng ta có thể sản xuất ra một loại thuốc mới có tác dụng giống như thuốc tây từ những dược liệu thiên nhiên, phytochemical, vừa tránh được những nhược điểm của thuốc tây, vừa khắc phục những khiếm khuyết của thuốc Nam dược cổ truyền.

Phóng viên: Ứng dụng và phát triển công nghệ nano trong dược phẩm ở nước ta so với tiến bộ của các nước trên thế giới như thế nào, thưa GS.?

GS.TS. Nguyễn Đức Nghĩa: Hiện nay, trên thế giới đang nghiên cứu rất nhiều loại thuốc mới bào chế theo công nghệ nano. Bao gồm chế tạo loại thuốc mới hoặc bào chế thuốc từ những dược liệu cũ bằng công nghệ nano, như những loại thuốc chữa những bệnh hiểm nghèo như ung thư, đột quỵ hay những thuốc chống lao, thuốc sốt rét, đau khớp xương, đái tháo đường... Những thuốc mới này có hoạt tính của thuốc cũ, bào chế thuốc theo công nghệ nano, đã khắc phục các nhược điểm nhờn thuốc, phản ứng phụ, đa kháng thuốc...

Nước ta cũng không đứng ngoài xu thế này. Hiện tại, chúng ta đã và đang tiến hành việc nghiên cứu thuốc mới trên cơ sở 3 công nghệ y học cổ truyền, công nghệ phương tây và công nghệ nano. Các nhà khoa học nước ta đã chế tạo ra một loạt các sản phẩm khoa học cấu trúc nano từ thiên nhiên ví dụ như: nano rutin từ hoa hòe, nano curcumin từ nghệ, nano berberin... đó là các sản phẩm từ thiên nhiên cấu trúc nano bằng những công nghệ hiện đại như công nghệ tự lắp ghép phân tử... đáp ứng được nhu cầu chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của con người. Có thể nói, chúng ta đã đạt được trình độ ngang tầm thế giới về nghiên cứu và sản xuất dược phẩm nano.

Phóng viên: Vậy GS. đánh giá thế nào về cơ hội phát triển cho dược phẩm nano ở nước ta?

GS.TS. Nguyễn Đức Nghĩa: Theo tôi cơ hội rất lớn. Với dược phẩm nano nói chung, chúng ta vẫn cần học tập các nước tiên tiến trên thế giới bởi họ có trình độ chuyên môn cao, máy móc hiện đại và công nghệ hoàn chỉnh. Tuy nhiên, chúng ta lại có ưu thế vì có nguồn dược liệu từ thiên nhiên đa dạng hơn và có những kinh nghiệm từ ngàn đời về dùng các loại thuốc từ thiên nhiên này. Nếu ta biết kết hợp các dược chất thiên nhiên cổ truyền, bào chế theo phương pháp y học hiện đại, lồng ghép công nghệ nano sẽ mở ra kỷ nguyên mới của nền dược phẩm mà cả thế giới đang mong muốn.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn GS.!


Nguyễn Hạnh (thực hiện)
Ý kiến của bạn