Việc sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng (TPCN) giả ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, trực tiếp ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của nhiều doanh nghiệp. Do lợi nhuận cao, những năm gần đây các đối tượng đã bất chấp, dùng mọi thủ đoạn để thực hiện mục đích trục lợi. Trong khi đó các cơ quan chức năng chưa có sự phối hợp với nhau trong công tác quản lý, giám sát thị trường. Đó là những vẫn đề nổi cộm tại buổi “Tọa đàm về công tác chống hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế” do Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 Bộ Y tế tổ chức sáng 26/6.
Càng “chống” - càng “lọt”
Tình trạng buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không những gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh, phá hoại sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, phá hoại môi sinh, môi trường sống mà còn làm nảy sinh tệ tham nhũng, làm suy đồi đạo đức lối sống của cán bộ, Đảng viên, công chức, chiến sĩ các đơn vị, cơ quan, lực lượng chức năng, làm suy yếu hệ thống chính trị, gây bức xúc, mất lòng tin trong nhân dân.
Trong năm 2014 và 5 tháng đầu năm 2015 các lực lượng chức năng thuộc BCĐ 389 cả nước đã thanh, kiểm tra phát hiện xử lý 2.113 vụ việc vi phạm; trong đó vi phạm sở hữu trí tuệ 287 vụ, hàng giả 877 vụ, hàng kém chất lượng 949 vụ; thu nộp ngan sách nhà nước khoảng 236,559 tỷ đồng; khởi tố 75 vụ án hình sự với 109 đối tượng.
Tại hội nghị PGS.TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng thời gian vừa qua cho thấy không thể một Bộ hay một ngành, hay cá nhân, doanh nghiệp có thể triển khai hiệu quả nếu không có sự tham gia và phối hợp của toàn xã hội, đặc biệt người dân và chính bản thân DN. Sự phối hợp chặt chẽ đòi hỏi từ các khâu rà soát và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong việc quản lý cấp phép, thu hồi, tiền kiểm, hậu kiểm, thanh tra, tuyên truyền, chủ động chia sẻ thông tin hàng hóa bị vi phạm của các doanh nghiệp, nhằm triển khai đồng bộ, sâu rộng các giải pháp để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.
Để làm tốt việc này, Bộ y tế đang xây dựng các văn bản, những mặt hàng nào, sản phẩm nào kinh doanh có điều kiện thì phải kiểm tra kỹ trước khi cấp phép, kiem tra xem có đủ điều kiện sản xuất đủ không và vấn đề tiền kiểm, hậu kiểm ra sao. Bên cạnh đó cần có sự phối hợp của hải quan, công an, QLTT và cả người dân. Cũng theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, Bộ Y tế cũng đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh để chỉ đạo các ngành có liên quan tập trung nguồn lực để triển khai công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN, nguyên liệu. Vì đây là mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ lớn trên thị trường, có nguy cơ cao trong buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Tuy nhiên, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và làm giả, làm nhái các sản phẩm như mỹ phẩm, dược phẩm, TPCN trong thời gian qua vẫn chưa có chiều hướng giảm, số vụ vi phạm ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp biết sản phẩm của mình bị làm giả, làm nhái, nhưng không dám phản ánh đến cơ quan chức năng vì sợ ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp. Chính vì điều này đã tạo điều kiện cho các đối tượng sản xuất, làm giả “lộng hành”. Có thể đánh giá công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại vẫn còn nhiều gian nan, phức tạp; trong khi đó, lực lượng thực thi mỏng, nguồn kinh phí “hạn hẹp” do vậy càng “chống”, càng “lọt”.
Chia sẻ với những khó khăn của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, tại hội nghị nhiều doanh nghiệp đồng tình, sẵn sàng đóng góp kinh phí cho BCĐ để thực hiện nhiệm vụ, nhằm hạn chế việc làm giả, làm nhái các loại hàng hóa, mỹ phẩm, dược phẩm, TPCN như trong thời gian qua.
Cần một cơ chế phối hợp nhuần nhuyễn
Tại hội nghị nhiều ý kiến cũng cho rằng trong khoảng 5 năm trở lại đây, TPCN bùng nổ. Tất cả các DN liên quan đến dược phẩm đều kinh doanh thực phẩm chức năng, cả sản xuất và nhập khẩu. Hiện trên thị trường có hơn 10.000 loại TPCN và trong đó hơn 70% TPCN được SX trong nước. Khi mặt hàng thu hút nhu cầu của người dân thì sẽ là cơ hội để các đối tượng làm giả, làm nhái và buôn lậu lợi dụng để trục lợi. Vì lợi nhuận chúng bất chấp đến chất lượng và sức khỏe của người tiêu dùng.
Ông Vương Chí Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội chia sẻ, thực tế qua kiểm tra 10 đơn vị có 50% vi phạm ở các mức độ khác nhau, có những đơn vị chỉ lấy 5 sản phẩm thì có đến 3 sản phẩm không đạt chất lượng. Trong khi đó sản phẩm này đã được cung ứng đến 28 tỉnh, thành phố.
Là người tâm huyết và có nhiều năm gắn bó với nghề ông Trần Hùng, Chánh văn phòng, thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết: việc bị làm giả, làm nhái sản phẩm, khiến nhiều nhà DN làm ăn chân chính gặp khó khăn, thậm trí dẫn đến phá sản. Tuy các lực lượng đã tăng cường triển khai kiểm tra kiểm soát, nhưng các đối tượng làm giả và gian lận thương mại ngày càng tinh vi, nhằm qua mắt các lực lượng chức năng. Thống kê cho thấy, phần lớn các sản phẩm được nhập khẩu từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch với các sản phẩm làm đẹp như dầu gội đầu, sửa tắm, nhau thai cừu, thuốc bổ, thuốc sinh lý đàn ông, thuốc giảm béo cho phụ nữ… và đặc biệt có các thuốc chữa thần kinh về bóc nhãn mác dán nhãn mác của các hãng nổi tiếng bán ra thị trường. Ngoài ra, nhiều sản phẩm đưa từ Trung Quốc về Việt Nam nhưng được thay bao bì nhãn mác và nguồn gốc xuất xứ, thậm chí tem chống hàng giả còn bị làm giả, để đánh lừa người tiêu dùng gây hậu quả khôn lường.
Theo đại diện BCĐ 389 TPHCM nhiều thủ đoạn tinh vi được các đối tượng dùng để đối phó với các lực lượng chức năng nhằm trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng tội phạm sản xuất hàng giả ở nhiều địa điểm, mỗi địa điểm một khâu sau đó chuyển về một nơi để hoàn thiện. Nếu bị phát hiện các đối tượng sẽ nhanh chóng tẩu tán tang vật. Ngoài ra, các đối tượng còn cấu kết với một số DN hợp pháp do vậy các sản phẩm thường ít bị chú ý vì không ai nghĩ đó là hàng giả. Cũng theo PC46 TPHCM một vấn đề nổi cộm là các đối tượng chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng với những mặt hàng mà nhu cầu thị trường đang cần. Nhiều đối tượng còn sử dụng cả tem chống hàng giả của Bộ Công an để tạo niềm tin với người tiêu dùng.
Đại tá Giang Văn Chiến, Cục phó Cục CS PCTP về Kinh tế (C46 Bộ Công an) chia sẻ: Các lực lượng có chức năng tuy đã có nhiều cố gắng và đạt được một số kết quả nhất định nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều yếu kém, thiếu sự phối hợp trong công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với loại tôi phạm này. Việc xử lý các vụ sản xuất, buôn bán hàng giả còn thiếu kiên quyết, triệt để, đa số là xử lý hành chính, phạt tiền, số vụ khởi tố hình sự còn ít, vì vậy tính chất răn đe, giáo dục chưa cao. Ngoài ra sự phối kết hợp giữa các lực lượng còn chưa thống nhất, chưa tạo được mối quan hệ thường xuyên, hiệu quả, do đó ảnh hưởng đến công tác nắm tình hình và đấu tranh với tội phạm hàng giả.
Cũng tại buổi tọa đàm nhiều ý kiến đều cho rằng khó khăn bất cập trong công tác kiểm soát thị trường và vấn nạn hàng giả, hàng nhái và hàng lậu đang ngày một lấn át những sản phẩm chính hãng về phương thức tiếp thị và giá cả. Đơn vị nào cũng cho rằng khó khăn, bất cập, vậy bất cập ở đâu và khâu nào tại sao không giải quyết được. Phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng. Trách nhiệm chính là của các cơ quan quản lý nhà nước”, ông Trần Hùng nhấn mạnh.
Trần Lâm