Dược liệu Việt Nam nguy cơ cạn kiệt

06-01-2012 11:15 | Y học cổ truyền
google news

Nguồn tài nguyên dược liệu phong phú cùng với vốn kinh nghiệm sử dụng cây cỏ làm thuốc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã tạo thuận lợi cho việc nghiên cứu,

Nguồn tài nguyên dược liệu phong phú cùng với vốn kinh nghiệm sử dụng cây cỏ làm thuốc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã tạo thuận lợi cho việc nghiên cứu, chiết xuất các loại hoạt chất, tạo ra nhiều loại thuốc mới. Tuy nhiên, điều đáng lo là nhiều loại dược liệu quý đang dần cạn kiệt.

Mỏ vàng dược liệu

Việt Nam là nước có hệ thực vật rất phong phú và đa dạng. Theo kết quả điều tra của Viện Dược liệu năm 2006, ở Việt Nam có 3.948 loài thực vật bậc cao, bậc thấp và nấm lớn được dùng làm thuốc. Trong đó nhóm thực vật bậc cao có mạch có 3.870 loài. Những cây thuốc có giá trị sử dụng cao, có khả năng khai thác trong tự nhiên là những cây thuốc nằm trong danh mục 185 cây thuốc và vị thuốc thiết yếu của Bộ Y tế cũng như những cây thuốc đang được thị trường dược liệu quan tâm gồm có 206 loài cây thuốc có khả năng khai thác.

Trong thời gian qua, đã có hơn 3.000 loại thuốc có nguồn gốc từ dược liệu đã được cấp số đăng ký, chiếm gần 1/3 số thuốc trong nước được cấp số đăng ký. Trong số trên 300 đơn vị sản xuất thuốc đông dược, có nhiều đơn vị phát triển tốt cả về số lượng mặt hàng cũng như chất lượng sản phẩm. Nhiều mặt hàng thuốc đông dược của các cơ sở sản xuất này đã được xuất khẩu, được thị trường nước ngoài chấp nhận.

 Nhân giống sâm Ngọc Linh tại xã Trà Linh - Trà My (Quảng Nam). Ảnh: TL

Đang bị tận thu, tận diệt

Nhu cầu sử dụng cây dược liệu chế xuất thuốc trong nước và trên thế giới rất lớn và ngày càng tăng. Riêng trong nước, hằng năm cần đến trên 50.000 tấn cây dược liệu để chế xuất thuốc. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương trong cả nước người dân đang khai thác tận thu, tận diệt nguồn dược liệu phong phú, quý hiếm. Chỉ riêng tại Cao Bằng, trong gần 20 năm qua, người dân khai thác cây dược liệu tươi và khô với tốc độ thần tốc khoảng gần 10 triệu tấn bán sang Trung Quốc qua các cửa khẩu, ước tính khoảng 300.000 - 500.000 tấn/năm. Nhiều loại cây thuốc quý đứng trước nguy cơ tận diệt như thất diệp nhất chi hoa, hoàng đằng, ba kích, bình vôi, thanh thiên quỳ... Hiện nay, số lượng dược liệu xuất qua biên giới giảm đi. Điều này cũng đồng nghĩa với cảnh báo những cây thuốc của nước ta đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà khoa học, người trồng dược liệu và doanh nghiệp nên không thúc đẩy được việc thành lập các vùng chuyên canh. Vấn đề nuôi trồng dược liệu chủ yếu là tự phát chưa có kế hoạch tổng thể và quy vùng sản xuất. Một số địa phương được coi là làng nghề trong lĩnh vực nuôi trồng dược liệu thì hiện nay đang bị đình đốn vì nhiều lý do khác nhau. Số gia đình trồng cây thuốc và diện tích trồng cây thuốc trong làng nghề giảm dần. Bởi vậy, theo số liệu năm 2005 nguồn dược liệu từ nuôi trồng trong nước chỉ chiếm chừng 26%, một con số rất khiêm tốn trong khi tiềm năng của chúng ta là vô cùng lớn. Dược liệu sử dụng chủ yếu dựa vào nhập khẩu thông qua con đường tiểu ngạch chiếm tỷ lệ lớn đến 54% mà chất lượng thì chưa được kiểm tra và quản lý chặt chẽ, cho nên vấn đề “dược liệu hay là rác” đang được đặt ra hết sức cấp thiết.

Biện pháp gì để phát triển thuốc từ cây xanh?

Cây xanh là một thế mạnh của ngành dược nước ta, điều mà lẽ ra cho đến nay chúng ta đã phải có, song rất đáng tiếc là trong một thời gian dài mặc dù nhiều chủ trương và kế hoạch đã được đặt ra nhưng chúng ta vẫn chưa có được những chuyển biến thực sự mang tính cách mạng và khoa học. Để làm được điều này, có rất nhiều việc phải làm, nhưng trước mắt cần tập trung giải quyết một số vấn đề sau đây:

Tổ chức khảo sát, nghiên cứu điều tra, sưu thống kê các loại cây xanh làm thuốc, sự phân bố, hệ sinh thái và trữ lượng cây hiện có ở nước ta hiện nay. Trên cơ sở đó có kế hoạch tổ chức bảo vệ, khai thác và tái sinh một cách hợp lý, tránh khai thác bừa bãi làm mất cân bằng sinh thái và tiệt chủng nguồn dược liệu tự nhiên quý hiếm.

 Một điểm thu mua dược liệu tại huyện vùng cao tỉnh Cao Bằng. Ảnh: M.Hương

Hình thành và củng cố các Trung tâm dược liệu,

hàng năm có khảo sát xác định nhu cầu sử dụng dược liệu phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, điều trị và xuất khẩu. Xây dựng các dự án quốc gia về việc bảo tồn và phát triển một số cây thuốc quý hiếm, ví dụ như sâm Ngọc Linh.

Xây dựng và bảo vệ nguồn quỹ gen về dược liệu quý hiếm trên cơ sở phát triển công nghệ sinh học. Quan tâm đầu tư thích đáng cho công nghệ sau thu hoạch, đặc biệt chú trọng tại các vùng chuyên canh.

Đẩy mạnh việc trồng cây xanh làm thuốc ở các cơ sở của ngành y tế, ở từng địa phương và gia đình để tăng nguồn thuốc tự túc phục vụ cho công tác khám chữa bệnh, đồng thời nghiên cứu quy hoạch phân vùng chuyên canh, xen canh cây xanh làm thuốc, phát triển việc trồng cây thuốc tập trung với quy mô công nghiệp.

Nghiên cứu lựa chọn chủng loại cây thuốc có giá trị kinh tế cao, hiệu quả điều trị tốt và nhu cầu sử dụng lớn. Đảm bảo cung ứng đầy đủ và có chất lượng các giống cây cho các cơ sở nuôi trồng dược liệu. Tổ chức hướng dẫn nhân dân kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc cây thuốc, tư vấn đầy đủ về cách phòng và chữa bệnh cho cây, kỹ thuật thu hoạch, sơ chế và bảo quản.

Tổ chức ký hợp đồng sản xuất và thu mua kịp thời các sản phẩm do các cơ sở và hộ gia đình nuôi trồng. Có chính sách bảo hộ thích hợp, giá cả thu mua phải hợp lý, có tác dụng khuyến khích việc trồng cây xanh làm thuốc, tránh để người trồng bị thiệt thòi do trồng cây thuốc trong vùng chuyên canh và xen canh.

Xây dựng những khu công nghiệp chuyên sơ chế và bào chế, kho tàng bảo quản dược liệu và mạng lưới phân phối đến các cơ sở sử dụng một cách kịp thời và thuận tiện đảm bảo chất lượng quy định.

Phát động một phong trào thi đua trồng trọt và bảo vệ cây xanh làm thuốc rộng lớn trong nhân dân cả nước, làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến, nêu cao khẩu hiệu của Ông thánh thuốc Nam, Đại danh y Tuệ Tĩnh: “Nam dược trị nam nhân”.

  Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn
(Chủ nhiệm Khoa Ðông y - BVTW Quân đội 108)

Ý kiến của bạn