Dược liệu Việt Nam cần cú hích để phát triển

03-04-2012 14:05 | Thời sự
google news

Nước ta có tài nguyên cây thuốc rất phong phú, nhưng việc khai thác bừa bãi, không bảo tồn hợp lý đã và đang làm cho nguồn tài nguyên quý giá này ngày một cạn kiệt, nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Nước ta có tài nguyên cây thuốc rất phong phú, nhưng việc khai thác bừa bãi, không bảo tồn hợp lý đã và đang làm cho nguồn tài nguyên quý giá này ngày một cạn kiệt, nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Namdược trị Nam nhân

Sinh thời, Đại danh y Tuệ Tĩnh đã nêu quan điểm tự chủ trong chữa bệnh của mình: Nam dược trị Nam nhân. Để có quan điểm tự chủ và đầy tự hào đó, hẳn ông “thánh thuốc Nam” Tuệ Tĩnh từ hơn 6 thế kỷ trước đã biết kho tàng dược liệu của nước ta vô cùng phong phú và đáng tự hào.

Nước ta nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm nên có nguồn tài nguyên thực vật phong phú và đa dạng với khoảng 10.350 loài thực vật bậc cao, 800 loài rêu, 600 loài nấm và hơn 2.000 loài tảo. Kết quả điều tra, cả nước ghi nhận được 3.948 loài thực vật và nấm lớn có thể sử dụng làm thuốc, trong đó có hàng chục loại có giá trị chữa bệnh cao.
 
Tổng sản lượng dược liệu ở Việt Nam hằng năm ước tính khoảng từ 3 - 5 nghìn tấn. Một số dược liệu quý đã được thế giới công nhận và có tiềm năng phát triển rất lớn như: hồi, trinh nữ hoàng cung, quế, atisô, sâm Ngọc Linh, tràm, thanh hao hoa vàng, hoa hòe...
 
Tuy nhiên, trong một thời gian dài, do thiếu sự khảo sát đánh giá, điều tra và bảo vệ nên vùng phân bố tự nhiên của nhiều loại cây thuốc bị suy giảm nghiêm trọng do khai thác một cách cạn kiệt. Nhiều vùng rừng có cây thuốc phong phú nay đã hoàn toàn bị phá bỏ như khu vực núi Hàm Rồng (Sa Pa, Lào Cai); cao nguyên An Khê (thuộc hai tỉnh Gia Lai và Bình Ðịnh)..., thậm chí nhiều loại có nguy cơ tuyệt chủng.
 
Hiện nay có 144 loài cây thuốc diện quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo tồn: sâm Ngọc Linh (một trong bốn loại sâm giá trị nhất thế giới), sâm Vũ Diệp, tam thất hoang, đảng sâm, ba kích, thanh mộc hương, bách hợp.

 Chăm sóc cây tràm Úc - một dược liệu quý trong khu bảo tồn dược liệu 25ha của Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười. Ảnh: Dương Thế Hùng

Vì sao dược liệu Việt Nam

chưa phát triển?

PGS.TS. Lê Minh Sắt - Bộ Khoa học và Công nghệ đã chỉ ra rằng, với nguồn dược liệu vô cùng phong phú như đã kể trên nhưng ngành dược liệu của nước ta chưa phát triển vì chúng ta chưa có ngành công nghiệp về dược liệu mạnh để có thể sơ chế, chế biến, bảo quản tốt. Chính vì vậy, khi nhu cầu tiêu thụ giảm, nông dân và

doanh nghiệp kinh doanh dược liệu đều gặp khó khăn như đã từng chứng kiến với cây thanh hao, cây bạch chỉ, ngưu tất, cây quế ở Quảng Nam, cây nghệ ở Tây Nguyên, cây lô hội và bụp dấm ở Bình Thuận.

Bên cạnh đó là dược liệu chất lượng kém từ biên giới, nhập khẩu không kiểm soát đã khiến doanh nghiệp kinh doanh dược liệu trong nước khốn khó. Dược liệu chất lượng kém, dược liệu "rác" từ biên giới nhập khẩu với giá rẻ nên dược liệu trong nước có giá cao không cạnh tranh được...

Hơn nữa, nhiều địa phương có đầy đủ các điều kiện để trồng trọt dược liệu có giá trị cao, nhưng do cách làm manh mún, tự phát, thiếu liên kết và thị trường dược liệu không ổn định nên việc phát triển các vùng dược liệu hiện nay gặp nhiều khó khăn.

Làm thế nào để phát triển bền vữngdược liệu?

Để vực dậy ngành dược liệu, Chính phủ, Bộ Y tế đã có nhiều chính sách, giải pháp để hỗ trợ ngành dược liệu trong nước. Bản thân các doanh nghiệp dược liệu đã và đang thực hiện quản lý chất lượng sản xuất dược liệu theo tiêu chuẩn thực hành nuôi trồng, thu hái và sản xuất tốt.

Hiện cả nước có hơn 300 cơ sở sản xuất thuốc từ dược liệu trong nước, trong đó có 10 cơ sở sản xuất đông dược đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới (GMP - WHO). Hơn 1.000 số đăng ký thuốc từ dược liệu còn hiệu lực. Bên cạnh thuốc cao đơn, hoàn, tán cổ truyền, thuốc đông dược sản xuất trong nước hiện khá phổ biến dưới các dạng bào chế như viên nang cứng, nang mềm, cao dán thấm qua da.

Trong nước cũng đã có một số cơ sở trồng trọt dược liệu đạt tiêu chuẩn VietGAP, nhiều đơn vị đang triển khai áp dụng nguyên tắc "thực hành tốt trồng trọt, thu hái cây thuốc". Bên cạnh đó, cũng có những cơ sở chế biến thực hiện việc thu mua dược liệu, lo đầu ra cho các hộ trồng trọt, kết hợp các hoạt động tập huấn quy trình kỹ thuật, cung cấp giống cây trồng, phân bón cho nhà nông, hình thành các vùng dược liệu trọng điểm...Giải pháp gắn kết chặt chẽ giữa 3 nhà: nhà nông – nhà doanh nghiệp – nhà khoa học là giải pháp cần thiết để lấy lại niềm tự hào cho thuốc Nam đất Việt.         

Bảo Trân


Ý kiến của bạn