Dược liệu biển Việt Nam có thể sản xuất thành nhiều loại thuốc tốt cho sức khoẻ

16-08-2024 18:36 | Y tế
google news

SKĐS - Dược liệu biển Việt Nam rất phong phú, đa dạng, có thể đưa vào nghiên cứu, sản xuất thành nhiều loại thuốc có giá trị, mang lại tác dụng trong việc chăm sóc sức khỏe.

Biển Việt Nam có nhiều dược liệu quý

Ngày 16/8, tại Tuy Hòa (Phú Yên), Bộ Y tế phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương và Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức "Hội thảo khoa học tiềm năng phát triển dược liệu biển Việt Nam". Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đến dự và chủ trì hội thảo.

Đại diện nhiều tỉnh/thành ven biển trong cả nước, các cơ quan, ban, ngành trung ương, các nhà khoa học, chuyên gia cũng đến dự Hội nghị và có ý kiến tâm huyết về vấn đề khai thác tiềm năng dược liệu biển.

Khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, dược liệu biển được biết đến có nhiều công dụng, tác dụng, sử dụng trong y học cổ truyền Việt Nam từ nhiều thế kỷ trước để phòng bệnh và chữa bệnh cho nhân dân như: Hải mã (cá ngựa), ô tặc cốt (mai mực), mẫu lệ, hải sâm, bào ngư, sao biển…

Đảng và Nhà nước vô cùng quan tâm đến lĩnh vực phát triển dược liệu, trong đó có dược liệu biển và đã xác định tầm quan trọng của dược liệu biển trong việc chăm lo, nâng cao sức khỏe và phát triển kinh tế xã hội cho nhân dân.

Dược liệu biển Việt Nam có thể sản xuất thành nhiều loại thuốc tốt cho sức khoẻ- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu chỉ đạo tại "Hội thảo khoa học tiềm năng phát triển dược liệu biển Việt Nam".

Theo báo cáo của Bộ Y tế, nhiều năm gần đây, hàng loạt công trình khoa học đã và đang nghiên cứu, làm rõ công dụng của hàng trăm loại dược liệu biển Việt Nam.

Điển hình như: Công trình khoa học cấp nhà nước "Nghiên cứu khả năng khai thác và sử dụng nguồn dược liệu biển Việt Nam" của Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên. Công trình đã thu thập được 405 mẫu sinh vật biển gồm trai biển (34 loài), rong biển (30 loài), da gai (19 loài), bọt biển (17 loài), ốc biển (16 loài), san hô (11 loài), cá (4 loài)…Qua nghiên cứu xác định 247/405 mẫu có hoạt tính kháng vi sinh vật, 106 mẫu có hoạt tính gây độc tế bào, 52 mẫu có hoạt tính chống ô-xy hóa.

Giai đoạn 2015-2020, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện Đề án nghiên cứu tiềm năng về dược liệu biển tại vùng Trung Bộ. Đề án thu thập 303 mẫu sinh vật biển, qua đánh giá có 77 hợp chất từ hải miên, san hô, vi tảo, động vật thân mềm và vi sinh vật. Trong đó, một số hợp chất có hoạt tính chống ung thư và chống viêm rất tốt, ví dụ như chất deacetylstichloroside C1 từ hải sâm. Đề án tiếp tục được thực hiện trong giai đoạn 2021-2024.

Dược liệu biển Việt Nam có thể sản xuất thành nhiều loại thuốc tốt cho sức khoẻ- Ảnh 2.

Nhiều sinh vật biển được nghiên cứu để phục vụ trong lĩnh vực y học.

Bên cạnh các công trình nghiên cứu, dược liệu biển Việt Nam đã được đưa vào sản xuất thành một số sản phẩm thương mại.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, tài nguyên sinh vật biển ở Việt Nam trong tương lai sẽ trở thành nguồn cung cấp nguyên liệu tiềm năng phục vụ ngành công nghiệp dược.

Cần đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất dược liệu biển

Theo nhiều đại biểu, nhà khoa học tại hội thảo, tuy chưa thống kê được chính xác có bao nhiêu loài động vật, thực vật biển có thể dùng như một loại dược liệu. Tuy nhiên, từ nhiều loài đã nghiên cứu cho thấy, hàng trăm động vật, thực vật biển có thể làm dược liệu bào chế thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

Đại diện Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) chia sẻ, biển Việt Nam rất phong phú về thành phần giống loài, các đối tượng phân bố tự nhiên ở vùng biển nước ta hầu hết có khả năng đưa vào làm dược liệu phục vụ cho y học. Điển hình như: Bào ngư, cá ngựa, hàu, đồi mồi, hải sâm, rong biển, rắn biển, vi tảo…

Dược liệu biển Việt Nam có thể sản xuất thành nhiều loại thuốc tốt cho sức khoẻ- Ảnh 3.

Lãnh đạo nhiều cơ quan, bộ, ngành và đông đảo các nhà khoa học đến dự "Hội thảo khoa học tiềm năng phát triển dược liệu biển Việt Nam".

Nghiên cứu nhiều về dược liệu biển, PGS.TS Phạm Đức Thịnh (Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang) khẳng định, những sinh vật biển sinh trưởng và phát triển trong điều kiện khắc nghiệt tạo ra các hợp chất có nhiều hoạt tính sinh học như khả năng kháng vi khuẩn, hỗ trợ chống ung thư, kháng viêm, tăng cường miễn dịch, chất chống lão hóa, chống vi khuẩn, chất dưỡng ẩm…

PGS.TS Phạm Đức Thịnh cũng đánh giá, mặc dù nước ta có bờ biển dài và sự đa dạng sinh vật biển nhưng các nghiên cứu về dược liệu biển vẫn còn rất hạn chế và vẫn đang ở giai đoạn ban đầu.

Sau khi lắng nghe nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của một số đại biểu, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh:

Các địa phương, bộ, ngành cần có ý kiến về xây dựng chính sách đặc thù trong phát triển dược liệu biển ở từng vùng trên cả nước. Trong đó, ưu tiên đầu tư và tập trung phát triển các dược liệu biển đặc hiệu có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, các bộ, ban, ngành cần phối hợp xây dựng chính sách bảo tồn, bảo hộ nguồn gen của dược liệu biển.

Dược liệu biển Việt Nam có thể sản xuất thành nhiều loại thuốc tốt cho sức khoẻ- Ảnh 4.

Rong biển là một trong những loại dược liệu biển đã và đang được nghiên cứu để làm thuốc, mỹ phẩm.

Các địa phương ven biển cần quy hoạch cụ thể các vùng nuôi trồng, phát triển dược liệu biển. Trên cơ sở đó, các nhà khoa học, chuyên gia thuận lợi trong việc đến nghiên cứu. Đồng thời, phải xây dựng được hệ thống truy xuất nguồn gốc dược liệu biển. Kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đưa ra thị trường những dược liệu biển không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Các tỉnh/thành đẩy mạnh hệ thống khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại để sử dụng các nguồn dược liệu quý, trong đó có dược liệu biển Việt Nam.

Các vùng hình thành các chuỗi liên kết trong nuôi trồng, sơ chế dược liệu biển, đặc biệt rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp triển khai nuôi trồng, khai thác, phát triển sản phẩm chất lượng cao từ dược liệu biển. Từ đó, sản xuất đa dạng các sản phẩm từ dược liệu biển như sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm...

Gỡ khó để phát triển vùng trồng dược liệu quý, nâng cao thu nhập cho người dânGỡ khó để phát triển vùng trồng dược liệu quý, nâng cao thu nhập cho người dân

SKĐS - Hiện nay đời sống kinh tế bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, trong khi tiềm năng phát triển cây dược liệu lớn. Việc triển khai nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý giúp bà con nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.


Hà Đạo
Ý kiến của bạn