Ra đời và trở thành môn học chính tại Mỹ từ năm 1964, dược lâm sàng đã phát triển mạnh tại các nước Mỹ, Úc, Pháp... và một số nước châu Á như Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Singapore. Tại các nước này, dược lâm sàng trực tiếp tham gia theo dõi, kiểm tra, giám sát việc kê đơn thuốc nội trú và ngoại trú nhằm đẩy mạnh việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả. Hướng dẫn và kiểm tra việc sử dụng thuốc trong bệnh viện; chịu trách nhiệm tính toán hiệu chỉnh liều đối với người bệnh; được quyền xem xét thay thế thuốc bằng thuốc tương đương, đồng thời thông tin lại cho khoa lâm sàng biết và thống nhất việc thay thế thuốc… góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị cho người bệnh. Ngoài ra, dược lâm ngày càng khẳng định được vai trò của mình trong các buổi hội chẩn chuyên môn đối với các ca bệnh khó, trong khi đi buồng và tư vấn sử dụng thuốc cho bác sĩ để đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, giúp nâng cao hiệu quả điều trị, tránh gây lãng phí cho người bệnh và xã hội.
Tại Việt Nam, những năm 70 của thế kỷ trước đã có cuộc vận động “Sử dụng thuốc an toàn, hợp lý” ở bệnh viện. Tuy nhiên, dược lâm sàng được quan tâm nhiều hơn từ năm 1990 với “Chương trình sử dụng thuốc hợp lý an toàn”.
Năm 2012, Bộ Y tế ban hành thông tư về hoạt động dược lâm sàng, đây là văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho các dược sĩ lâm sàng hoạt động, góp phần thúc đẩy việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả hơn và nâng cao chất lượng điều trị. Tới nay, với mục tiêu và chiến lược phát triển phù hợp, sự hỗ trợ từ các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước, hoạt động dược lâm sàng tại Việt Nam đã có nhiều bước tiến quan trọng, trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động chăm sóc, điều trị người bệnh.
Theo thông tin từ BVTWQĐ 108, Khoa Dược lâm sàng của bệnh viện được thành lập năm 2015 với mục đích nâng cao hiệu quả quản lý của việc kê đơn, sử dụng thuốc trong bệnh viện, đồng thời thường xuyên triển khai các buổi sinh hoạt khoa học toàn bệnh viện, giúp cho đội ngũ bác sĩ rút kinh nghiệm, giảm sai sót, nâng cao chất lượng kê đơn. Cũng chính từ các hoạt động khoa học, mà các báo cáo khoa học về các ADR đã tăng dần theo từng năm (130 báo cáo từ năm 2105-2019, so với 35 báo cáo thời điểm trước đó). Chính từ các báo cáo này, công tác phòng tránh ADR của bệnh viện đã được nâng cao chất lượng và theo dõi trên nhiều đối tượng bệnh nhân khác nhau.
Tuy nhiên hoạt động dược lâm sàng trong các bệnh viện ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập, việc ứng dụng dược lâm sàng còn nhỏ lẻ, chưa đồng bộ; nghiệp vụ lưu trữ thông tin thuốc chưa được thực hiện bài bản; hoạt động thông tin thuốc để trả lời các câu hỏi liên quan đến sử dụng thuốc từ cán bộ y tế và theo dõi phản ứng có hại của thuốc còn chưa được chú trọng… Mô hình hoạt động của dược lâm sàng tại BV108 cũng như một số bệnh viện lớn khác tại Hà Nội có thể được trao đổi, chia sẻ và học hỏi những kinh nghiệm với các bệnh viện nhằm đưa hoạt động dược lâm sàng tại các bệnh viện sẽ có sự phát triển vững chắc và tạo ra nhiều bước đột phá.