Mục tiêu của hoạt động dược lâm sàng là đẩy mạnh việc dùng đúng thuốc và phù hợp, nhằm tối ưu hoá hiệu quả lâm sàng của thuốc và có hiệu quả điều trị tốt nhất cho từng người bệnh. Câu hỏi được đặt ra là hoạt động này ở nước ta đang được triển khai như thế nào? Và nguồn nhân lực có đáp ứng được nhu cầu?... Sau đây là một số ý kiến của các nhà quản lý, cơ sở đào tạo nhân lực và hoạt động thực tiễn dược lâm sàng tại bệnh viện.
TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý KCB - Bộ Y tế: Các đơn vị triển khai dược lâm sàng còn chưa đồng bộ và không thống nhất
Trên thế giới dược lâm sàng đã được áp dụng từ những năm 1960 và đã phát triển mạnh ở các nước như Pháp, Mỹ, Úc... và một số nước châu Á như Thái Lan, Malaisia, Singapore. Tuy nhiên, đến những năm cuối của thập kỷ 90 thế kỷ trước dược lâm sàng (DLS) mới được du nhập vào Việt Nam.
Dược lâm sàng (clinical pharmacy): là thuật ngữ thường dùng trong thực hành dược và trong các tài liệu về dược, là chuyên ngành y tế mô tả các hoạt động và dịch vụ của dược sĩ lâm sàng để nâng cao và thúc đẩy dùng hợp lý và phù hợp các sản phẩm thuốc và các thiết bị đi kèm. DLS bao gồm tất cả các dịch vụ mà người dược sĩ thực hành trong bệnh viện, hiệu thuốc, nhà điều dưỡng, các dịch vụ chăm sóc tại nhà, phòng khám và bất cứ nơi nào thuốc được kê đơn và sử dụng.
Có hai khái niệm cần phân biệt rõ đó là:
- Ngành dược (pharmacy): bao gồm các kiến thức tổng hợp về hoá học, bào chế thuốc và tổng hợp thuốc...
- Dược lâm sàng: có xu hướng thiên về phân tích nhu cầu của người dân về sử dụng thuốc và cách thức dùng thuốc, kiểu dùng thuốc và hiệu quả dùng thuốc trên bệnh nhân. Hoạt động DLS lấy người bệnh làm trung tâm.
Mục tiêu của hoạt động DLS là đẩy mạnh việc dùng đúng thuốc và phù hợp cùng với các thiết bị đi kèm (ví dụ như bình định liều) nhằm tối ưu hoá hiệu quả lâm sàng của thuốc và có hiệu quả điều trị tốt nhất cho từng người bệnh.
Hình dưới đây là tổng quan chu trình khép kín về quản lý sử dụng thuốc đối với người bệnh (xem sơ đồ dưới).
Bộ Y tế cũng nhận thức rõ vai trò quan trọng của DLS nhằm thúc đẩy sử dụng thuốc hợp lý, nâng cao chất lượng điều trị, giảm chi phí y tế, giảm chi phí cho người bệnh góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Cụ thể:
- Tiếp tục duy trì thực hiện Chỉ thị 05/2004/CT-BYT về việc chấn chỉnh công tác cung ứng, sử dụng thuốc trong bệnh viện; Triển khai thực hiện Quy chế kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát sử dụng thuốc hợp lý; nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng thuốc và điều trị; Duy trì công tác bình bệnh án, phân tích sử dụng thuốc tại các khoa.
- Can thiệp tăng cường sử dụng thuốc hợp lý thông qua tập huấn, hội thảo: Tập huấn về thực hành kê đơn thuốc tốt cho các bác sĩ; Tập huấn về thực hành DLS cho các dược sĩ; Hỗ trợ các bệnh viện tổ chức tập huấn kiến thức về sử dụng thuốc, phân tích sử dụng thuốc trong các ca lâm sàng; Hội thảo đánh giá hoạt động của Hội đồng thuốc và điều trị bệnh viện; Hội thảo về y học dựa trên bằng chứng...
Trong nhiều cơ sở y tế hiện nay, tuỳ thuộc vào quy mô bệnh viện, nhân lực và trình độ cán bộ dược đã phần nào triển khai hoạt động DLS. Tuy nhiên do chưa có quy định pháp lý nào hướng dẫn cụ thể việc triển khai DLS như thế nào và chưa có đội ngũ dược sĩ lâm sàng được đào tạo chính quy nên các đơn vị triển khai chưa đồng bộ và không thống nhất. Ví dụ: có cơ sở y tế được hỗ trợ của Hà Lan và hợp tác với trường Đại học Dược Hà Nội (như bệnh viện Bạch Mai) thì triển khai hoạt động DLS tương đối mạnh. Một số bệnh viện cũng đã bước đầu triển khai DLS tương đối tốt như Bệnh viện Hoàn Mỹ, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhi Đồng I (thành phố Hồ Chí Minh), Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện 71 Thanh Hoá, Bệnh viện Hữu Nghị, Bệnh viện Xanh Pôn...
Bộ Y tế cũng đã thành lập Ban biên soạn Thông tư hướng dẫn thực hành DLS trong các cơ sở y tế ban hành kèm theo Quyết định số 3232/QĐ-BYT ngày 6/9/2010. Thực hiện quyết định trên, Ban soạn thảo sẽ xây dựng và sớm hoàn chỉnh thông tư trình lãnh đạo phê duyệt.
ThS.DS. Lê Quốc Thịnh - Trưởng Khoa dược - Bệnh viện 71 Thanh Hoá: Từng bệnh viện phải chú ý triển khai hoạt động DLS
Các bệnh viện (BV) muốn làm tốt công tác quản lý sử dụng thuốc theo hướng hiệu quả, an toàn-tiện dụng và kinh tế, trước hết cần phải tổ chức và hoạt động tốt công tác DLS. Hiện nay, khái niệm DLS đối với nhiều người, ngay cả ở cấp lãnh đạo cũng chưa nắm bắt hết các tiêu chí, nội dung và mục đích của công tác DLS, nhất là ở BV. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu cán bộ chuyên trách DLS, nhất là dược sĩ đại học làm cho công tác DLS chưa làm tốt ở nhiều BV. Không nên quan niệm khoa dược BV chỉ là cái kho giữ thuốc và cấp phát theo yêu cầu của bác sĩ. Nhiều BV dùng thuốc theo thị hiếu, phối hợp thuốc tràn lan, lạm dụng các thuốc đắt tiền làm cho gánh nặng tiền thuốc đè lên vai người bệnh. Vì vậy, có thể nói, ở đâu làm tốt công tác DLS, thì ở đó người bệnh được chăm sóc bằng thuốc tốt nhất mà lại kinh tế.
Sử dụng thuốc hợp lý là mục tiêu của DLS. Tại các BV, nó bao gồm nhiều hoạt động, từ lên kế hoạch dự trù mua thuốc phù hợp với mô hình bệnh tật, quản lý việc kê đơn hợp lý, giám sát sử dụng thuốc, bình bệnh án để các thầy thuốc học tập và trao đổi về cách sử dụng thuốc hợp lý, thông tin thuốc và theo dõi ADR (những phản ứng có hại của thuốc), chọn lựa thuốc phù hợp với kinh tế của từng vùng miễn sao cho người bệnh không phải dùng thuốc đắt tiền mà lại hiệu quả nhất...
Muốn thực hiện tốt những vấn đề trên, bên cạnh việc phải nắm vững kiến thức về dược động học, kỹ năng thông tin và hướng dẫn sử dụng thuốc, người thầy thuốc phải thường xuyên cập nhật kiến thức về thuốc và những vấn đề liên quan đến thuốc chữa bệnh cho người. Khoa dược BV phải có cán bộ chuyên trách DLS và phải có các cơ sở vật chất tối thiểu như phương tiện thông tin (máy tính nối mạng, tài liệu tra cứu, điện thoại...), cơ sở làm việc (bàn ghế, tủ sách, bảng tin...). Các tiêu chí DLS phải được đưa vào nội dung kiểm tra, thi đua như giám sát sử dụng thuốc, số lần bình bệnh án, bình đơn thuốc, công khai thuốc cho người bệnh, hướng dẫn dùng thuốc cho BS, điều dưỡng và bệnh nhân, báo cáo ADR...
PGS.TS Thái Nguyễn Hùng Thu - Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo, Trường Đại học Dược Hà Nội: Cần phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo với các cơ sở y tế trong việc sử dụng hợp lý nguồn nhân lực này
Mục tiêu đào tạo dược sĩ được xác định cách đây 10 năm (2001) đã chỉ ra một phần nhiệm vụ dược lâm sàng của người dược sĩ: "Đào tạo dược sĩ có đạo đức tốt, có kiến thức khoa học cơ bản và y dược học cơ sở vững, có kiến thức và kỹ năng chuyên môn cơ bản để cộng tác với bác sĩ y khoa hướng dẫn người bệnh hoặc nhân dân sử dụng thuốc hợp lý, an toàn hiệu quả...". Môn học DLS và các môn bổ trợ khác đã được đưa vào chương trình đào tạo ngay từ trước năm 2000 với thời lượng đáng kể. Nhưng vai trò của dược sĩ trong các BV chủ yếu chỉ là quản lý và cung ứng thuốc và một phần vật tư trang bị y tế. Một số khác được bố trí pha chế một số thuốc dùng ngay tại bệnh viện. Hoạt động về DLS hầu như bỏ trắng trong một thời gian dài.
Thời gian gần đây, nhiều địa phương, nhiều cơ sở y tế đã ý thức được vai trò của DLS đã tiến hành tổ chức đào tạo lại dưới dạng chuyên đề, đào tạo chuyên sâu dưới các hình thức sau đại học phù hợp để đáp ứng nhu cầu nhân lực có thể triển khai công tác DLS tại các địa phương và cơ sở.
Gần đây chương trình đào tạo của các trường cũng được rà soát tăng cường nội dung về DLS và dược cộng đồng. Tôi cho rằng thực trạng nhân lực về DLS hiện nay đã cơ bản có thể đáp ứng được yêu cầu. Vấn đề là tổ chức triển khai công tác DLS tại các cơ sở y tế và sử dụng nguồn nhân lực này như thế nào cho hợp lý là vấn đề cũng hết sức quan trọng.
Hiện nay, bên cạnh việc đổi mới chương trình và mở thêm các mã ngành sau đại học mới về DLS, nhà trường tích cực, chủ động trong liên kết với các cơ sở y tế về nghiên cứu khoa học và tăng tính thực tiễn cho đào tạo. Trung tâm quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc được thành lập và đi vào hoạt động là hỗ trợ tốt cho nghiên cứu và đào tạo về DLS. Sau hơn một năm hoạt động đã thu được những kết quả khả quan, mở rộng hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Với sự hỗ trợ của chính phủ Hà Lan, dự án "Nâng cao năng lực đào tạo dược sĩ lâm sàng tại Việt Nam để đáp ứng yêu cầu cấp thiết về sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả của cộng đồng" được Bộ Y tế giao cho nhà trường trực tiếp quản lý. Đến nay, dự án đã được triển khai đúng tiến độ, thu được những kết quả rất thiết thực và đang đi đến những bước hoàn thiện cuối cùng. Dự án giải quyết đầy đủ các nội dung chương trình đào tạo, cơ sở vật chất và nhân lực. Đây là cơ hội hiếm có để tất cả các trường có tham gia đào tạo dược sĩ đại học và một số nhà quản lý, sử dụng lao động ngồi lại với nhau cùng rà soát chương trình đào tạo. Qua nhiều hội thảo trong và ngoài nước, một chương trình đào tạo dược sĩ khá phù hợp có chú trọng một số định hướng nghề nghiệp mà các dược sĩ sẽ đảm nhận khi ra trường đã được đưa ra trình lên các cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt. DLS là một trong 5 định hướng đào tạo đã được xây dựng. DLS cũng được đề cập đến cụ thể hơn trong mục tiêu đào tạo dược sĩ: "để tư vấn về sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả; để sản xuất, quản lý và cung ứng thuốc tốt; có khả năng tự học vươn lên góp phần đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân".
Những môn học chính cho định hướng DLS và các cơ sở vật chất đi kèm (như phòng thí nghiệm, trang thiết bị, tài liệu...) cũng đã được xác định. Các cơ sở dữ liệu và phần mềm khai thác các cơ sở dữ liệu đó cũng được song song xây dựng và triển khai. Một số học viên cao học và nghiên cứu sinh được gửi đi học tại Hà Lan để tăng nguồn nhân lực cho các trường tham gia dự án.
Với những quyết tâm và cố gắng trên, chúng tôi tin tưởng nhà trường đã và sẽ sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đào tạo DLS diện đại trà và diện chuyên sâu phục vụ tốt cho công tác DLS tại các địa phương trong cả nước. Tôi cũng hy vọng sẽ có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo với các cơ sở y tế trong việc sử dụng hợp lý nguồn nhân lực sau đào tạo để tránh lãng phí và tránh không đáp ứng được nhu cầu xã hội.
Thu Hương (ghi)