Thuốc là một trong những biện pháp hiệu quả để điều trị bệnh. Tuy nhiên, việc dùng thuốc không phải không gây những nguy cơ hay tác dụng có hại. Điều quan trọng là cần có thông tin chính xác, đầy đủ để việc sử dụng thuốc trở nên hợp lý, tối đa hóa lợi ích và tối thiểu hóa nguy cơ.
Sai sót trong dùng thuốc là hiện tượng phổ biến
Sai sót trong dùng thuốc là một trong những vấn đề thường xảy ra ở cả bệnh viện và cộng đồng, ở cả những nước phát triển cũng như kém phát triển. Ngay tại Mỹ, có từ 2 -27% trường hợp nhập viện liên quan đến việc dùng thuốc. Một nghiên cứu khác gần đây ở Mỹ cho thấy, hầu hết các bệnh nhân lớn tuổi đã dùng các thuốc của mình không đúng hướng dẫn của thầy thuốc trong 20 - 60% thời gian điều trị tại nhà.
Cần có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi dùng thuốc giúp phòng sai sót. Ảnh: TM
Các sai sót trong dùng thuốc có thể đến từ những sai lầm cá nhân do vô ý nhưng cũng có thể xuất phát từ các lỗ hổng của cả một hệ thống quản lý. Khi xảy ra một sai sót trong quá trình dùng thuốc, người ta thường có xu hướng tìm một cá nhân để qui trách nhiệm hơn là tìm nguyên nhân từ các lỗ hổng của cả hệ thống. Ví dụ, một y tá vô ý tiêm nhầm thuốc cho bệnh nhân vì hai lọ thuốc quá giống nhau và được đặt trong cùng một tủ thuốc. Tuy nhiên, việc đổ lỗi cá nhân không giúp cho tình hình được cải thiện hơn, vì người ta có xu hướng che giấu sai sót và sợ hãi khi nói về nó. Chỉ khi nhìn sai sót từ góc nhìn hệ thống, như trường hợp sai sót tiêm nhầm thuốc ở trên, cần nhận thức rằng, có thể hạn chế sai sót đó lặp lại nếu sai sót này được báo cáo và phân tích, để đưa ra các biện pháp chung nhằm phòng tránh trong tương lai như lưu các thuốc bao gói tương tự nhau cách xa nhau, đào tạo cho nhân viên y tế về các thuốc dễ nhầm lẫn với nhau...
Dược lâm sàng giúp phòng sai sót khi dùng thuốc
Dược sĩ là một chuyên gia được đào tạo chuyên sâu về thuốc, sẽ đóng vai trò quan trọng để hỗ trợ các nhân viên y tế và bệnh nhân, cộng đồng sử dụng thuốc hiệu quả, an toàn, kinh tế hơn. Trước đây, khi ngành công nghiệp dược chưa phát triển, vai trò chính của các dược sĩ chủ yếu là trực tiếp pha chế các chế phẩm thuốc để phục vụ cho cộng đồng. Nhưng cùng với thời gian, khi ngành công nghiệp dược phát triển mạnh mẽ, có khả năng cung ứng một số lượng lớn, phong phú các thuốc với dạng bào chế, hàm lượng khác nhau thì lúc này, vai trò chính của người dược sĩ chuyển dần từ bào chế, sản xuất thuốc sang tư vấn sử dụng thuốc. Đó cũng là thời điểm đánh giá sự ra đời và phát triển của Dược lâm sàng.
Dược lâm sàng là một lĩnh vực khoa học sức khỏe trong đó nhiệm vụ chính của người dược sĩ là tối ưu liệu pháp điều trị bằng thuốc cho bệnh nhân để cải thiện sức khỏe và phòng bệnh tật.
Dược lâm sàng khởi nguyên phát triển ban đầu ở bệnh viện, là nơi người dược sĩ có thể trực tiếp tiệp cận với thông tin dùng thuốc của bệnh nhân, hợp tác cùng các đội ngũ y tế khác gồm bác sĩ và y tá để hỗ trợ bệnh nhân trong việc dùng thuốc hợp lý.
Qua một số Hội nghị Dược lâm sàng tại châu Á, Pháp, Mỹ, châu Âu năm 2015 cho thấy, Dược lâm sàng dù ở đâu muốn phát triển cũng có những rào cản cần phải vượt qua. Đầu tiên, người dược sĩ DLS cần có năng lực và được đào tạo về kĩ năng liên quan đến sử dụng thuốc - tư vấn sử dụng thuốc. Hiện nay, chương trình đào tạo dược sĩ tại Việt Nam đã thay đổi theo hướng chuyên môn hóa dần. Có nghĩa là thay vì đào tạo tất cả các sinh viên cùng một chương trình giống nhau, nay sinh viên sẽ được phân ngành chuyên sâu vào năm 4 - 5. Trong đó, có chuyên ngành riêng về Dược lý - Dược lâm sàng. Ngay chương trình chung dành cho tất cả các sinh viên, thời lượng dạy về điều trị, sử dụng thuốc cũng tăng lên.
Rào càn thứ hai cần vượt qua là người dược sĩ lâm sàng cần nhận được sự hỗ trợ, chấp nhận, hợp tác của đội ngũ y tế, đặc biệt bác sĩ và y tá. Điều này chỉ đạt được khi có sự truyền thông đầy đủ giữa DS và đội ngũ y tế về mục tiêu chung của tất cả các nhân viên y tế là nhằm mang lại lợi ích tối đa cho bệnh nhân.
Rào cản cuối cùng là người dược sĩ lâm sàng cần phải truyền thông về "vai trò mới" của mình cho bệnh nhân và cộng đồng được biết thông qua các hoạt động cụ thể như phỏng vấn bệnh nhân khi nhập viện để thu thập các thông tin về tiền sử dùng thuốc, giải đáp thắc mắc của bệnh nhân liên quan đến các vấn đề sử dụng thuốc, tư vấn sử dụng thuốc cho bệnh nhân khi xuất viện, tại quầy thuốc hay tư vấn online thông qua các chuyên mục của báo chí.
Hy vọng rằng, cùng với những hoạt động thiết thực, người dược sĩ lâm sàng sẽ dần dần khẳng định được vai trò của mình trong việc góp phần tối ưu sử dụng thuốc cho bệnh nhân và cộng đồng, hỗ trợ các nhân viên y tế khác đạt được mục tiêu cuối cùng là hiệu quả và an toàn cho bệnh nhân.