Dược lâm sàng: nhìn từ bệnh viện tuyến tỉnh

08-06-2013 14:17 | Thông tin dược học
google news

Dược lâm sàng đã được ngành y tế cho thí điểm rồi triển khai hơn chục năm qua, song hiệu quả vẫn chưa thực sự trở thành một hoạt động có nền nếp trong bệnh viện.

Dược lâm sàng đã được ngành y tế cho thí điểm rồi triển khai hơn chục năm qua, song hiệu quả vẫn chưa thực sự trở thành một hoạt động có nền nếp trong bệnh viện.

Quan niệm và tổ chức

Không ít bệnh viện coi công tác dược chỉ bao gồm việc “cung và quản” chứ ít nơi nghĩ đến việc “tham mưu dùng thuốc” mà ta gọi là dược lâm sàng. Ở những nơi khoa dược chỉ có 1 dược sĩ đại học, thì trưởng khoa sẽ kiêm nhiệm thêm lĩnh vực dược lâm sàng nhưng trưởng khoa đã dành phần lớn quỹ thời gian cho việc “cung và quản” thì việc kiêm nhiệm cũng chỉ là hình thức. Nơi  khoa dược có từ 2 dược sĩ đại học trở lên thì có thể bố trí thêm một dược sĩ chuyên trách. Dược sĩ chuyên trách thường chỉ quan tâm tới việc như giới thiệu thuốc mới, cảnh báo vài tác dụng phụ, thông báo và yêu cầu thu hồi thuốc bị đình chỉ lưu hành, không mấy khi xuống khoa phòng để xem xét, góp ý cho việc dùng thuốc. Chưa thấy hết lợi ích nên nhiều bệnh viện tuyến tỉnh chưa lập ra khoa dược lâm sàng. Không có khoa dược lâm sàng thì công tác trong lĩnh vực này hiển nhiên là đơn điệu, mờ nhạt. Cứ  trong cái vòng luẩn quẩn như vậy mà cho đến nay hoạt động dược lâm sàng tại các bệnh viện tuyến tỉnh chưa thể đạt được những yêu cầu mong muốn.

Dược lâm sàng: nhìn từ bệnh viện tuyến tỉnh 1Một lớp bồi dưỡng kiến thức dược lâm sàng tại Hà Nội.

Nhiều công việc đặt ra

Trong các bệnh viện tuyến tỉnh có rất nhiều vấn đề cấp phát thuốc có liên quan cần đến dược lâm sàng:

Đối với các thuốc cũ: Số thuốc này chiếm khoảng 80 - 90%, đã có các phác đồ điều trị kinh điển. Tuy nhiên, việc dùng số thuốc này vẫn còn những sai sót mang tính nổi cộm như việc lạm dụng kháng sinh, vitamin, dịch truyền hay dùng phối hợp quá nhiều thuốc chưa hoàn toàn hợp lý, có thể làm nảy sinh nhiều tương tác, hiệu quả trị bệnh không cao.

Đối với thuốc mới: Định kỳ (khoảng 5 năm/lần), Bộ Y tế sẽ cho ban hành bổ sung thêm thuốc vào Danh mục thuốc khám chữa bệnh (DMTKCB) trong đó có những thuốc mới phát minh. Thông tin về các thuốc này chưa được các bác sĩ cập nhật đầy đủ, trong khi đó lại bị chi phối nhiều bởi việc quảng cáo khuyến mại của các hãng. Theo đó, chúng được đánh giá quá cao về mặt ưu, ít nhấn mạnh mặt nhược nên bị lạm dụng (khi chưa thật cần), thiếu sự theo dõi chu đáo về các tác dụng không mong muốn.

Đối với các cách dùng mới: Mỗi năm thế giới có hàng trăm công trình nghiên cứu hậu mãi, nghiên cứu lâm sàng mà kết quả là đưa đến các khuyến nghị thay đổi cách dùng thuốc cũ (ít hiệu lực, nhiều tác dụng phụ) bằng cách dùng mới (nhiều hiệu lực, an toàn hơn). Những thông tin này chưa được cán bộ y tế hay người bệnh tiếp nhận đầy đủ nên vẫn còn tình trạng dùng thuốc theo các phác đồ cũ.

Đối với thuốc mới đưa vào DMTKCB: Theo định kỳ, Bộ Y tế cho ban hành DMTKCB mới. Chẳng hạn DMTKCB ban hành năm 2005 so với năm 2001 có thêm tới 187 loại tân dược. Phần lớn những thuốc này thường có xuất xứ từ các nước tiên tiến và  tuyến Trung ương nước ta đã dùng trước đó, nên việc dùng không còn bàn cãi. Tuy nhiên, vì mới đưa vào DMTKCB nên thường có sự thiếu thống nhất giữa các thầy thuốc khi áp dụng vào điều kiện cụ thể của bệnh viện mình.

Nếu làm tốt về dược lâm sàng trong các vấn đề trên thì sẽ giúp cho bệnh viện chọn lựa được DMTKCB phù hợp, làm cho việc dùng thuốc nội viện cũng như kê đơn ngoại viện đi vào thống nhất quy củ và sửa chữa được sai sót trong dùng thuốc cũ, phát triển việc dùng thuốc mới và cách dùng mới góp phần nâng cao được chất lượng điều trị và tiết kiệm thuốc.

 Trình độ và quan hệ y dược

Người làm dược lâm sàng cần trình độ cơ bản, thường xuyên tự nâng cao kiến thức cả về dược và y, chứ không phải chỉ riêng kiến thức về dược là đủ.

Về trình độ cơ bản: Ở đại học, sinh viên dược cũng có học về y nhưng kiến thức chỉ tạm ngang tầm với y sĩ về mặt lý thuyết. Bệnh tật ở tuyến bệnh viện tỉnh khá phức tạp. Nếu  không có kiến thức tối thiểu về y, thì dược sĩ sẽ không hiểu cách xử trí của bác sĩ, khó có thể tham góp ý kiến tốt với bác sĩ về việc dùng thuốc. Nên chăng các trường đại học dược cần có chuyên khoa lâm sàng trong chương trình đại học hay sau đại học. Lâu nay có tập huấn về dược lâm sàng nhưng chỉ thiên về tổ chức, hoạt động chứ không bổ túc về chuyên môn.

Quan hệ y dược: Ở các nước phát triển, các bác sĩ và dược sĩ có sự tham khảo ý kiến lẫn nhau ngay khi chỉ định thuốc. Quan hệ này không làm hạn chế mà nâng cao quyền hạn, trách nhiệm của mỗi thành viên, làm cho việc dùng thuốc hợp lý và an toàn có lợi ích thiết thực cho người bệnh. Ở nước ta, dược sĩ chỉ làm công việc “cung và quản”, bác sĩ chỉ lo việc “nhận và dùng”, ai lo phận ấy. Góp ý của dược sĩ về vấn đề dùng thuốc nếu có thì cũng chỉ ở các kỳ kiểm tra tức là thời điểm mà bác sĩ đã hoàn tất việc điều trị. Thêm nữa, đôi khi do trình độ của dược sĩ về bệnh, trình độ của bác sĩ về thuốc có khiếm khuyết nên ngay cả những góp ý khá muộn này đôi khi cũng lại thiếu thống nhất, nhất trí. 

Để hoạt động dược lâm sàng phát triển, cần có sự thay đổi nhận thức về công tác dược, nên chăng các bệnh viện cần nghĩ đến việc hoàn chỉnh khoa dược lâm sàng hoàn thiện cả về mặt nhân lực và trình độ, xây dựng lề lối làm việc tốt giữa bác sĩ và dược sĩ.

Vũ Trung Hải



Ý kiến của bạn