Hà Nội

Được học – được dạy: Giấc mơ của học sinh và giáo viên vùng cao

09-06-2019 11:53 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Đi học và đến trường tưởng như là điều đơn giản với nhiều học sinh hiện nay, nhưng ở những nơi xa xôi khó khăn, việc được đến trường, được đi học, đi dạy là niềm mơ ước, khát khao của cả học sinh và thầy cô giáo.

“Được học – được dạy” là chủ đề của buổi gặp gỡ giữa tác giả vượt lên nghịch cảnh Nguyễn Bích Lan- dịch giả của 35 cuốn sách, với 15 thầy cô giáo cắm bản ở Điện Biên.  Mỗi thầy cô là một câu chuyện, một hoàn cảnh không giống nhau nhưng tựu chung họ đều có một tình yêu với học sinh, với nghề nghiệp của mình để gắn bó một thời gian dài, có thể là cả tuổi thanh xuân ở những nơi xa xôi, khó khăn nhất.

Dịch giả Nguyễn Bích Lan (bên phài) tại buổi giao lưu

Nguyễn Bích Lan chia sẻ cô chỉ được đi học đến năm lớp 8, bác sĩ đoán cô không thể sống qua 18 tuổi. Tất cả sự giáo dục mà cô có được ngày hôm nay và trở thành một dịch giả được nhiều người biết đến,  đều là nhờ vào sự tự học. Cũng giống các thầy cô ở vùng núi cao Điện Biên, hàng ngày họ phải vượt qua chặng đường hàng chục km với rất nhiều khó khăn để với các em học sinh, truyền dạy cho các em cái chữ.  Dịch giả Bích Lan nói: “Tôi đã vượt lên những khó khăn của bản thân để  tự mình  tìm thấy ý nghĩa sự tồn tại của mình, để đóng góp cho cuộc sống này. Qua những cuốn sách tôi đã  đến được với bạn bè cả nước. Khi tôi đi bằng tinh thần như vậy, tôi bắt gặp cuốn sách của Tara”.

Cuốn sách do dịch giả Bích Lan chuyển ngữ của tác giả Tara Westover (Mỹ) cũng kể về số phận  của một  cô gái 17 tuổi ở Mỹ- một đất nước mà cả thế giới đổ xô đến học - nhưng cô gái này không được đến trường.  Đó là cuộc đấu tranh để  được đi học và sau này Tara đã trở thành một tiến sĩ lịch sử

Vượt  những khó khăn ngoài sức tưởng tượng đem cái chữ đến các học sinh vùng cao

Nguyễn Bích Lan - một người không thể học lên cao vì sức khỏe không cho phép, nhưng cô đã đấu tranh với bản thân mình, tự học để trở thành một dịch giả như ngày hôm nay. Lan  cho biết, mỗi khi ký tặng những quyển sách của mình, tôi thường viết những lời nhắn nhủ hoặc động viên tinh thần cho học trò, học viên hay những người đang gặp khó khăn.  “Nhưng trước các thầy cô giáo tôi đã không thể viết được thêm được 1 lời nào vì các thầy cô đã vượt qua những khó khăn mà không ai có thể tưởng tượng được”, dịch giả Bích Lan nói.

Cô giáo mầm non Sùng Thị Tằng (áo trắng) ở Mường Nhé, Điện Biên

Tại buổi giao lưu, cô giáo Đồng Thị Ngọc cho biết, cô đang đứng dạy lớp nhà trẻ 24-26 tháng kể,  trong lớp cô có một em bé tên là Lầu A Hù sinh tháng 7/2016, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Sauk hi vận động gia đình cho cháu ra lớp  được 3 ngày , dù cô giáo đang nuôi cháu bằng sự quyên góp và những đồng lương ít ỏi của mình,  bố mẹ cháu vẫn  xin cho cháu nghỉ, bố cháu bảo: “Tôi phải xin cô cho cháu nghỉ thôi, để tôi đưa cháu lên nương, còn kiếm được củ khoai, củ mì cho cháu ăn.” .  Sau khi cô giáo thuyết phục , gia đình đồng ý cho cháu ở lại, từ đó có thêm một lần nữa gia đình nhất quyết cho cháu nghỉ học ở nhà. Chỉ đến khi có dự án quyên góp tiền nuôi các cháu có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố cháu mang cháu đến bảo tôi:  “Giờ mày chăm con cho tôi đi, tôi vui lắm. Tôi yên tâm để đi làm nương rồi”. Từ một cháu nhỏ chỉ 6,5kg khi mới ra lớp, chỉ sau 2 tháng cháu tăng được 7kg, và hiện giờ cháu đã lên được 11kg.  Cô Ngọc cho hay, chỉ cần thuyết phục được các con đến trường là các thầy cô đã cảm thấy hạnh phúc rồi.

Chia sẻ với phóng viên báo Sức khỏe &Đời sống, cô giáo mầm non Sùng Thị Tằng, 27 tuổi là người dân tộc  hiện đang công tác tại xã Pá Mì , huyện  Mường Nhé, tỉnh Điện Biên cho biết,  hai vợ chồng cô lên Điện Biên công tác đã 5 năm – tại  một vùng  khó khăn nhất của tỉnh Điện Biên. “Ban đầu khi mới đến công tác , em nghĩ rằng mình không thể sống được ở ngôi trường đó, vì nó rất khó khăn. Không thể  tưởng tượng được đó lại là một nơi để học, một chỗ gọi là trường.  Tuy nhiên sau vài năm công tác em ngày càng cảm thấy gắn bó và yêu nơi này”, cô giáo người Mông nói.

Cô Tằng chia sẻ, mỗi mùa gặt hoặc mùa mưa, các em đi học rất vắng, các cô lại đến từng nhà, vận động từng con ra lớp. Nói về thu nhập của các cô giáo vùng sâu, cô Tằng cho rằng, với tổng thu nhập khoảng 6 triệu một tháng chỉ đủ tạm sống, chứ không thể lo cho gia đình.  Tằng bảo: “ Bây giờ vợ chồng em chưa có con nên chưa phải chi tiêu nhiều thì còn tạm sống,  với những người có gia đình, phải nuôi con sẽ rất khó khăn”.

Cô giáo Quàng Thị Hoa , người dân tộc Thái tại buổi giao lưu

Cô giáo Quàng  Thị Hoa, người dân tộc Thái, đang công tác tại Trường mầm non Chiềng  Xơ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên thì cho biết, cô đã lập gia đình được 4  năm, có một bé mới gần 2 tuổi nhưng cứ 2 tuần 1 lần mẹ con, vợ chồng  mới được gặp nhau.  Tất cả mọi việc chăm con đều do ông bà và chồng cô phụ giúp.  Cô Hoa kể, từ nhà cô đến trường cách khoảng  90km, nên cô “cắm bản” ngay tại chỗ để dạy các con. “Lúc mới sinh cháu, do không có người phụ chăm, em phải đưa cháu lên trường vừa đi dạy vừa chăm con đến khi bé được 1 tuổi mới nhờ ông bà chăm”, cô Hoa nói. Thiếu tốn cơ sở vật chất là chuyện nhỏ, là điều các cô giáo có thể vượt qua để bám lớp, bám trường. Nhưng những khó khăn về bất đồng ngôn ngữ, về việc vận động bố mẹ các cháu cho các cháu tới trường còn lớn hơn nhiều, bởi người dân ở đây cơm không có để ăn, nói gì đến việc đưa con đến lớp.

Vất vả là vậy, nhưng các thầy cô  giáo nơi vùng núi cao Điện Biên chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ bỏ lớp, bỏ trường về xuôi.  Cô  Tằng chia sẻ, không giống miền xuôi, ở đây vào mỗi dịp lễ  như ngày 8-3, ngày 20-11 – ngày lễ của các thầy cô giáo, các em ở đây cũng đem hoa đến tặng các thầy cô. “Đó chỉ là  những đóa hoa dại, hoa rừng , nhưng  điều này thôi cũng đủ làm cho chúng em hạnh phúc”, cô giáo Tằng nói.

Trong quyển “Được học- được dạy” của Tara Westover mà dịch giả Bích Lan chuyển ngữ kể về một hành trình khó khăn, đấu tranh để được đi học của một cô gái sống ở vùng núi cao, giống như các thầy cô giáo “cắm bản” ở vùng khó khăn của Điện Biên. Các thầy cô ở những bản làng khó khăn của Điện Biên cũng phải vượt qua nhiều khó khăn, thử thách của cuộc sống chỉ để mang cái chữ đến cho các em nhỏ vùng cao.

Không phải là nhà văn chuyên nghiệp, nhưng cuốn hồi ký Educated của Tara Westover nhanh chóng dành được niềm yêu thích, mến mộ của bạn đọc. Đây là câu chuyện có thật kể về chính cuộc đời Tara Westover. Cô đã phải đấu tranh đến “trầy da tróc vảy” để được tới trường và sau này cô đã trở thành Tiến sỹ tại Đại học Cambridge lừng danh.

Cuốn sách đã đứng đầu danh sách sách bán chạy của New York Times, Wall Street Journal và Boston Globe. Những trang điểm sách có uy tín khác như The Washington Post, The Guardian, Publishers Weekly hay Library Journal… Tất cả đều đánh giá Educated là một trong những Sách của Năm.

Bill Gates, vị tỷ phú từng bỏ học (thậm chí chưa được “nửa chừng”) tại ngôi trường danh giá hàng đầu thế giới – Đại học Harvard – cũng đã đọc và tỏ lòng yêu mến cuốn sách với tựa gốc là Educated.

Hải Yến
Ý kiến của bạn