Có lẽ Darren Conrad vẫn sẽ phải chờ được ghép gan - chờ để được chơi khúc côn cầu, chờ để được tham dự những trận bóng chày của con trai - nếu anh không sống ở Brown Lane, Plainfield.
Những người hàng xóm trong khu phố của anh luôn giúp đi chợ hoặc trông những đứa con đang tuổi đi học của Conrad khi anh phải vật lộn với căn bệnh viêm đường mật xơ cứng tiên phát – một bệnh gan hiếm gặp mà huyền thoại bóng đá Walter Payton từng gặp phải.
Mùa xuân năm ngoái, một người hàng xóm đã tặng cho Conrad thứ mà anh cần nhất: một phần gan khỏe mạnh. Và điều đó đã xảy ra không chỉ một, mà những hai lần. Giờ đây, Conrad và những người hàng xóm của anh đang có chung những vết sẹo mổ trên rốn. Họ đã quyết định chia sẻ câu chuyện của họ để nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc hiến tạng.
Các cư dân của Brown Lane, một con phố với khoảng 30 ngôi nhà, nhiều người có hồ bơi ở sân sau, cho rằng sự thân thiết của họ là do hoàn cảnh gia đình khá giống nhau. Nhiều người là những bà mẹ bỉm sữa, khoảng một chục đứa trẻ sàn sàn tuổi nhau đang học cùng một trường, và ít nhất tám hộ gia đình đã ở đó từ cuối những năm 90. Họ đã cùng tham gia những bữa tiệc Halloween và Năm mới, đăng ký thành viên Câu lạc bộ và chia sẻ nhiều bữa ăn tối ngoài trời và đêm poker với nhau. Họ cũng sát cánh bên nhau mỗi khi gặp khó khăn hoạn nạn.
Conrad, 41 tuổi, với chiều cao một mét chín và nặng chưa đến 60kg, hầu như không ra khỏi nhà từ mùa thu năm 2009, không thể ăn và bụng chướng to. "Tôi sẵn sàng trả bất cứ giá nào để có thể ra ngoài và nhúc nhắc làm gì đó. Thực sự là tôi quá mệt”, Conrad chia sẻ.
Tình làng nghĩa xóm đã kéo mọi người lại gần nhau khi Conrad và vợ, Nancy, thường xuyên phải vào bệnh viện. Những người hàng xóm mang đến cho họ bữa tối nóng sốt, giữ cho bãi cỏ của cặp vợ chồng luôn được cắt tỉa gọn gàng và đảm bảo hai đứa con – một 12 và một 8 tuổi của gia đình Conrad luôn được đón về đúng giờ và có các bữa tiệc sinh nhật. Tracey Vogen, một người bạn và là hàng xóm sát cạnh nhà Nancy Conrad, đã giới thiệu "liệu pháp bánh" cho hội bạn của mình như một cách để giúp Nancy giải tỏa sau những ngày căng thẳng – “khi trang trí bánh, bạn sẽ không bận tâm đến bất kỳ điều gì khác”, Vogen lý giải.
Rồi một ngày Nancy gửi email cho bạn bè và người thân, xin mọi người hiến gan. Tình hình, cô viết, là như thế này: Với một người như Darren Conrad, còn khá trẻ và không nguy kịch lắm, được hiến gan từ người sống là rất quan trọng để tránh phải chờ hàng năm trời để có gan từ người đã chết. Bệnh của anh sẽ phải chuyển biến nguy kịch thì mới có thể nhanh chóng đưa anh lên đầu danh sách. Tình trạng mệt mỏi khiến anh không thể làm việc, chơi với con và tham dự những dịp lễ hội của gia đình.
Strand và Vogen, đều là những bà mẹ ở nhà nội trợ, cho biết họ rất thông cảm với tình hình của Nancy, họ đã nói chuyện với chồng và con cái về triển vọng hiến gan, và với sự ủng hộ của gia đình, hai người đã đến bệnh viện để được sàng lọc. Vogen tâm sự: "Tôi không muốn nói rằng tôi không nghĩ ngợi chút nào, nhưng đó là nghĩ xem phải làm thế nào, chứ không phải là nghĩ xem có nên làm hay không”.
Quy trình hiến gan đòi hỏi người hiến phải ít nhất 18 tuổi, khỏe mạnh và phù hợp với nhóm máu của người bệnh, và người bệnh phải đủ khỏe để có thể phẫu thuật. Người hiến cũng phải hiểu những nguy cơ và vượt qua quá trình sàng lọc kéo dài cả ngày do bác sĩ tâm lý, nhân viên xã hội và bác sĩ phẫu thuật đưa ra, Talia Baker, bác sỹ của Conrads tại Bệnh viện Northwestern Memorial, giải thích.
Ca mổ sẽ lấy từ 25 đến 60% gan có nguy cơ cao hơn trung bình. Đau, chảy máu, nhiễm trùng và thương tổn các vùng khác trong bụng, cũng như tử vong, là có thể xảy ra. Nguy cơ gặp phải một vấn đề nào đó, nhẹ hoặc nặng, từ phẫu thuật là 15 đến 30%.
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ lấy một phần gan của người hiến tặng và đưa nó vào cơ thể người bệnh. Gan là cơ quan nội tạng duy nhất tái sinh - thường trong khoảng ba tháng. Đối với người cho, việc hồi phục hoàn toàn sau ca mổ cần ít nhất 6 tuần thận trọng khi vận động, và đó là nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ. Baker cho biết: "Đây là một vụ đánh cược lớn giữa việc hoàn toàn khỏe mạnh với một ca mổ hoàn toàn không cần thiết và mang lại nguy cơ tử vong”, BS. Baker nói. "Tôi luôn lo sợ mỗi khi có ai đó sắp trở thành người hiến tạng".
Tất cả đã được chuẩn bị đầy đủ cho ca mổ hiến gan của Vogen vào tháng 2 năm 2010, nhưng trong quá trình phẫu thuật các bác sĩ đã phát hiện ra một vấn đề nghiêm trọng: sẹo ở gan của cô khiến việc ghép không thể thực hiện được.
Cần có một người khác với lá gan khỏe mạnh. Và Strand đã tiếp bước. Mọi xét nghiệm sàng lọc đều ổn, và cuối tháng 5 năm 2010 các bác sĩ đã ghép một phần gan của Strand cho Conrad. "Tôi là một người khỏe mạnh, và tôi cảm thấy rất yên tâm rằng mọi thứ sẽ ổn thôi", Strand nói, và nói thêm rằng việc chứng kiến Vogen, người bạn thân của mình, trải qua quá trình đó khiến cô mạnh mẽ hơn.
Bây giờ, Conrad, một nhân viên bán hàng của hang Harley-Davidson, đã đi làm bình thường trở lại. Anh đã tham dự trận khai mạc của đội White Sox yêu thích, và đã tăng được khoảng 20kg. Anh vẫn phải lấy máu hàng tuần và thường xuyên đi khám ở bệnh viện Chicago để kiểm tra. Anh đang dùng thuốc chống thải ghép, nhưng tiên lượng là tốt, BS. Baker nói.
Vogen và Strand đang tập luyện và khỏe mạnh và trở lại cuộc sống bình thường kể từ mùa hè sau đó. Hàng tuần cả hai đều chạy bộ cùng Nancy Conrad. Darren Conrad cho biết cả hai người phụ nữ đã cứu sống anh. “đơn giản họ là những người tuyệt vời”, Conrad nói.