Hà Nội

Dược dục liệu pháp chữa bệnh

31-08-2009 16:08 | Y học cổ truyền
google news

Tắm thuốc theo y học cổ truyền là dược dục liệu pháp tác động lên cơ thể thông qua hai yếu tố: tác dụng của thuốc và tác dụng của nước.

Tắm thuốc theo y học cổ truyền là dược dục liệu pháp tác động lên cơ thể thông qua hai yếu tố: tác dụng của thuốc và tác dụng của nước. Trải qua quá trình bào chế và đun nấu, các hoạt chất có tác dụng chữa bệnh trong dược liệu sẽ hoà tan vào nước hoặc toả ra theo hơi nước tác động trực tiếp lên da và niêm mạc hoặc ngấm vào trong cơ thể mà phát huy tác dụng chữa bệnh. Tác động trực tiếp bên ngoài thường được ứng dụng cho các bệnh lý ngoài da, bệnh vùng hậu môn và bộ phận sinh dục ngoài, bệnh mắt, các thương tổn phần mềm do sang chấn... nhờ khả năng sát khuẩn, tiêu viêm, giảm đau, chống phù nề, chống ngứa... của dịch thuốc.

Hoạt chất ngấm vào cơ thể theo hai con đường: ngấm qua niêm mạc mũi miệng do hít hơi thuốc và thẩm thấu qua da. Tác động bên trong chủ yếu được ứng dụng cho các bệnh lý nội khoa.

Nước tác động lên cơ thể nhờ hai yếu tố: nhiệt độ và áp lực. Độ ấm của dịch thuốc có tác dụng làm giãn mạch toàn thân và tại chỗ, thúc đẩy tuần hoàn huyết dịch, cải thiện công năng hấp thu của da, làm giãn cơ và giảm đau. Đối với vết thương xung huyết kỳ đầu nếu ngâm trong dịch thuốc lạnh có khả năng làm co mạch và giảm xuất tiết. Áp lực của nước có tác dụng xoa bóp các bộ phận được ngâm, thúc đẩy quá trình hồi lưu của máu và dịch bạch huyết, làm giảm sưng nề và giảm đau.

 Tắm thuốc - liệu pháp chữa bệnh hữu hiệu.
Ngoài ra, theo quan niệm của y học cổ truyền, dịch thuốc còn tác động lên các huyệt vị châm cứu, phối hợp với các động tác xoa bóp khi ngâm sẽ giúp cho cơ thể điều chỉnh cân bằng âm dương, phục hồi công năng các tạng phủ và làm lưu thông huyết mạch.

Pha chế thuốc tắm chữa một số bệnh

- Chữa cảm mạo: Tang diệp 30g, cúc hoa 15g, chi tử sao đen 9g, độc hoạt 6g, thiên ma 6g, tần giao 4,5g. Các vị thuốc tán vụn, trộn với nước sắc bạc hà làm thành viên hoàn, khi dùng lấy một vài viên hoà tan trong 1.000 ml nước sôi rồi gội đầu. Hoặc dùng gừng tươi lượng vừa đủ, thái vụn, sắc lấy nước ngâm hai bàn chân.

- Tăng  huyết áp: Từ thạch, thạch quyết minh, đẳng sâm, hoàng cầm, đương quy, tang chi, chỉ xác, ô dược, màn kinh tử, bạch tật lê, bạch thược, đỗ trọng sao, ngưu tất mỗi thứ 6g, độc hoạt 18g. Tất cả sắc kỹ lấy nước ngâm chân trong 60 phút.

- Chữa viêm khớp: Chế xuyên ô 10g, chế thảo ô 10g, tế tân 10g, ý dĩ 50g, đan bì 15g, xích thược 15g, dây đau xương 20g, nhũ hương 15g, một dược 15g, hồng hoa 15g, hoàng bá 15g, thương truật 15g. Nếu đau nhiều tăng liều chế xuyên ô, nếu chi thể co quắp thêm cam thảo, nếu sưng nóng đỏ nhiều tăng thêm bội hoàng bá, nếu chi dưới sưng nề thêm ngưu tất. Tất cả sắc kỹ lấy nước ngâm rửa, nếu sưng nhiều hơn nóng thì xông hơi thuốc 15 phút rồi rửa nước thuốc và đắp bã lên chỗ đau, nếu nóng nhiều hơn sưng thì để nguội bớt dịch thuốc rồi ngâm chừng 20-30 phút. Mỗi ngày 1-2 lần, 20 ngày là một liệu trình.

- Vết thương viêm loét: Sà sàng tử 9g, thương truật 6g, đương quy 9g, hồng hoa 9g, kim ngân hoa 9g, xích thược 6g, liên kiều 9g, đan bì 3g, địa cốt bì 9g, trạch lan diệp 9g, uy linh tiên 6g, cam thảo 6g, nhũ hương 6g, một dược 6g, địa phu tử 9g, ngải diệp 6g, phòng phong 6g, bạch chỉ 9g, kinh giới tuệ 3g. Tất cả sắc kỹ lấy nước ngâm rửa vết thương, mỗi ngày 2 lần.

Lưu ý: Dược dục liệu pháp có ưu điểm là an toàn rất cao và hầu như không có tác dụng phụ. Tuy nhiên, khi thực hành vẫn nên chú ý một số điểm sau đây:

- Những người bị tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, suy mạch vành, u mạch máu, suy tim, tiền sử đã bị nhồi máu cơ tim, cơ địa dễ xuất huyết không nên tắm ngâm toàn thân trong dịch thuốc có nhiệt độ trên 39oC.

- Phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt và người bị dị ứng với dịch thuốc thì không nên tắm thuốc.

- Trước và sau bữa ăn ít nhất 30 phút không nên tắm ngâm toàn thân.

- Trước khi ngủ không nên thực hành dược dục liệu pháp.

- Về  mùa đông, tránh tắm ngâm quá lâu để đề phòng cảm lạnh.            

ThS. Nguyễn Sơn


Ý kiến của bạn