Hà Nội

Được điều chỉnh kinh phí ngân sách nhà nước chi cho công tác phòng, chống COVID-19

28-07-2021 17:01 | Thời sự
google news

SKĐS - Chiều 28/7 tại phiên họp bế mạc Kỳ họp thứ nhất – Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm VPQH Bùi Văn Cường đã trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của ĐBQH về dự thảo Nghị quyết Kỳ họp.

Theo Tổng Thư ký – Chủ nhiệm VPQH Bùi Văn Cường, có 349/400 ĐBQH nhất trí hoàn toàn với dự thảo Nghị quyết và 51 đại biểu Quốc hội góp ý cụ thể.

Theo Chủ nhiệm VPQH Bùi Văn Cường, tại mục 2, có ý kiến đề nghị bỏ đoạn: “Các biến chủng mới có khả năng xuất hiện và lây lan trên toàn cầu, số lượng người mắc bệnh, tử vong tăng nhanh, nguồn cung ứng vắc xin trên toàn thế giới còn hạn chế, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, là những thách thức rất lớn đối với nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của Nhân dân, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và tác động rất tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đòi hỏi phải có các giải pháp ứng phó kịp thời, đồng bộ, phù hợp”.

UBTVQH báo cáo, tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, các ý kiến đã phân tích những khó khăn, thách thức do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 sẽ tác động đến đời sống, kinh tế - xã hội của nước ta trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, UBTVQH đã tiếp thu và thể hiện nội dung nêu trên tại dự thảo Nghị quyết nên đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường.

Tại mục 3, điểm 3.1, có ý kiến đề nghị bổ sung việc cho phép Chính phủ được áp dụng các biện pháp như trong tình trạng khẩn cấp, trong đó, bao gồm cả biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn cần thiết, vì đây là các biện pháp hết sức cần thiết, cấp bách trong điều kiện dịch COVID-19 đang lây lan nhanh và diễn biến rất phức tạp ở nhiều địa phương.

Về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng, UBTVQH xin được tiếp thu và thể hiện trong dự thảo Nghị quyết.

Tại điểm 3.2, có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung Chính phủ trình Quốc hội, UBTVQH gói ngân sách riêng cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Về vấn đề này, UBTVQH nêu ý kiến, trong dự thảo Nghị quyết gửi xin ý kiến ĐBQH đã ghi rõ việc thực hiện chuyển nguồn 1.237 tỷ đồng để mua vắc xin phòng COVID-19; đồng thời, giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được “thay đổi, điều chỉnh nguồn kinh phí ngân sách nhà nước đối với các nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết để chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19” để tạo sự chủ động cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc điều hành bảo đảm ngân sách cho công tác phòng, chống dịch.

Tại điểm 3.3, có ý kiến đề nghị bổ sung việc nghiên cứu thực hiện miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. UBTVQH xin được tiếp thu và thể hiện tại mục 3.4 của dự thảo Nghị quyết.

Tại điểm 3.8, có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung Quốc hội giao Chính phủ, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thực hiện các biện pháp cấp bách trong phòng, chống dịch phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh tại địa bàn.

UBTVQH hội xin tiếp thu ý kiến nêu trên và thể hiện trong dự thảo Nghị quyết như sau: “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tăng cường phân cấp cho các địa phương để bảo đảm tổ chức triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời các biện pháp cấp bách về phòng, chống dịch COVID-19”.

Có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và bố cục thành 1 mục riêng. UBTVQH xin được tiếp thu và bổ sung tại đoạn cuối của mục 2, trong đó yêu cầu Chính phủ siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, tăng cường các giải pháp khắc phục tình trạng lãng phí gắn với đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung Quốc hội giao Chính phủ bố trí ngân sách về phòng, chống dịch COVID-19 cần cân đối nguồn lực tài chính để sớm triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình đã được phê duyệt từ nhiệm kỳ trước như Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. UBTVQH có ý kiến, công tác phòng, chống dịch COVID-19 và việc bảo đảm tính mạng, sức khỏe, sự an toàn của người dân phải được đặt lên trên hết, trước hết và cần được tập trung ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, nguồn lực ngân sách để triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia đã được xem xét, cân đối tại các Nghị quyết của Quốc hội.


Lê Bảo - Hoàng Lê
Ý kiến của bạn