Đừng vội chê khán giả

04-09-2015 15:03 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Lâu nay, vẫn có một tâm thế của những người làm nghệ thuật rằng: Khán giả chân chính đang dần mất đi. Nghệ sĩ, hơn bao giờ hết, thực sự đang cô đơn giữa thánh đường nghệ thuật.

Lâu nay, vẫn có một tâm thế của những người làm nghệ thuật rằng: Khán giả chân chính đang dần mất đi. Nghệ sĩ, hơn bao giờ hết, thực sự đang cô đơn giữa thánh đường nghệ thuật. Đa số không thể sống được bằng nghề. Trong lúc đó, hiển nhiên là con người không thể sống mà bỏ qua nhu cầu giải trí, hay nói mĩ miều là bồi đắp những giá trị tinh thần.

Sự thực, có đến nỗi bi quan vậy không?

Có lẽ, bạn cũng như tôi, sẽ nói ngay là không, dù chỉ là qua một ví dụ nho nhỏ thế này. Những ngày cuối tháng 8 này, theo cùng những cơn mưa xối xả của đất trời vào tiết Ngâu, của mùa hạ đang oằn mình chờ mùa thu đang tới, đã có những cơn mưa cảm xúc nho nhỏ, dư âm của khán giả Thủ đô Hà Nội, khi họ cùng lúc được thưởng thức hai bữa tiệc nghệ thuật hoàn toàn mang tính chất kỷ niệm. Đó là những đêm công diễn những vở kịch vang bóng một thời của Lưu Quang Vũ (Lời thề thứ 9, Ai là thủ phạm, Mùa hạ cuối cùng...). Tiệc kia là bộ phim Người trở về, dự án phim lớn nhất của Điện ảnh Quân đội Nhân dân Việt Nam trong vòng 10 năm trở lại đây. Người ta sốt sắng lùng vé kịch Lưu Quang Vũ trước đêm diễn cả tháng. Khán phòng đêm nào cũng đông chặt khán giả. Mỗi câu thoại hay, sắc sảo và mạnh bạo đều nhận được những tràng vỗ tay ngay-lập-tức, đáng thèm muốn với những vở kịch đã được viết từ 30 năm về trước. Đã có những tán thưởng, những tràng cười sảng khoái và cả những giọt nước mắt, trong những đêm ấy. Tràn ngập mạng xã hội facebook là những cảm thán, kể cả của những người không hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, báo chí. Họ viết: Những ao ước, khát vọng vẫn như là của thời hiện tại... Những lời thoại viết ra mấy chục năm rồi, sao giờ nghe vẫn nguyên đau xót đắng cay.

​Một cảnh trong phim Người trở về.

Tất nhiên, không thể phủ nhận là nhiều khán giả của ngày hôm nay tìm đến những đêm kịch Lưu Quang Vũ đã mang sẵn sự ngưỡng vọng ở trong lòng. Điều đó cũng rất quan trọng trong việc quy định cảm xúc của họ. Nhưng điều đó cũng chỉ có được khi mà tâm hồn họ bị chinh phục bởi tài năng của người nghệ sĩ. Một sự chinh phục lan truyền từ thế hệ trước đến thế hệ sau, theo cơ chế lây truyền của virut.

Nhưng nếu như khán giả của những đêm kịch Lưu Quang Vũ phần đông là các bậc trung niên, cao niên - nhiều người có lẽ đến đây bởi muốn tìm lại không khí đắm say nơi thánh đường sân khấu gần 30 năm về trước - thì giải thích sao đây khi mà thực tế với bộ phim Người trở về, rất đông khán giả còn rất trẻ, thuộc thế hệ 7X, 8X, 9X. Nhiều người trong số họ không hề có ký ức về chiến tranh. Họ đến rạp do nhiều nguyên nhân. Có thể do quan hệ với các thành viên đoàn làm phim/do trailer phim hấp dẫn/do đọc thông tin khen trên facebook/do báo chí có đưa tin, bình luận... Tôi cũng hòa mình vào dòng khán giả đông đúc đó. Và cũng như họ, tôi lập tức đắm chìm vào câu chuyện của các nhân vật, những số phận đau đớn khi bước ra khỏi chiến tranh. Những câu chuyện đó không thân gần với cuộc sống của những người trẻ, nếu 7X như tôi còn được coi là trẻ, càng xa lạ với các bạn 8X, 9X. Vậy nhưng sao nước mắt cứ trào ra, gần như không thể kiềm giữ được, cho đến cuối bộ phim. Cả rạp vang lên tiếng sụt sịt, nghe rất rõ, mặc cho phim có đầy cảnh âm thanh ùng oàng. Cô bé ngồi cạnh tôi, túi hàng hiệu, tóc “mì ăn liền”, lông mi giả cong vút. Lúc đầu phim, cô ấy còn mở “phây” ra lướt. Về sau thì đóng hẳn, chăm chú nhìn lên màn hình. Dĩ nhiên, tôi không thể không nghe thấy tiếng thút thít của người ngồi ngay bên cạnh, dù tai tôi có lúc cũng như ù đi vì tiếng bom đạn trên phim, vì nỗi xúc động không thể kiềm chế.

Khán giả đã công bằng với một tác phẩm hay. Đây là một phim rất khá. Chân thực, khốc liệt, giàu ngôn ngữ điện ảnh, hình ảnh ẩn dụ biểu tượng. Cái nhìn về chiến tranh và thời hậu chiến thật sự nhân văn. Chất hài hước cũng được cài xen khéo léo, gia tăng dư vị cho phim, khiến khán giả dù cảm động nhưng không bị sướt mướt quá. Trên báo và trên các mạng xã hội lại dội lên những cảm thán dành cho đoàn làm phim. Đó là đạo diễn 8X Đặng Thái Huyền; kịch bản: Đặng Thái Huyền và Nguyễn Thu Dung; quay phim Trịnh Quang Tùng; phim chuyển thể từ truyện ngắn Người về bến sông Châu của nhà văn Sương Nguyệt Minh. Nữ diễn viên chính của phim cũng là gương mặt 8X, lại còn từng là người mẫu, cô gái đã từng giành giải nhất cuộc thi “Phụ nữ thế kỷ 21” - Lã Thanh Huyền. Nhưng cô đã vào vai một nữ bác sĩ thời chiến và hậu chiến khá nhuần nhuyễn.

Chỉ với hai ví dụ nhỏ này, có thể thấy là, khán giả bây giờ không hẳn “hư” như dư luận đã từng bi quan. Có điều, họ ngày nay khắt khe hơn, do có nhiều lựa chọn hơn. Chạm đến tim họ, không dễ, nhưng không phải là không thể làm được. Đừng vội chê khán giả. Họ sẽ mở lòng đến vô cùng, khi được thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa. Nhân đây, tôi muốn mở ngoặc một chút. Lâu nay vẫn có định kiến rằng các người đẹp, người mẫu là “chân dài, não ngắn”. Nhưng thực tế tiếp xúc, đa số họ là những thiếu nữ thông minh, thậm chí tinh quái. Hóa ra, vấn đề nằm ở chỗ, không ít người khi viết bài về họ đã không biết đặt ra những câu hỏi hay để có những câu trả lời hay. Đó cũng chính là điều mà nhà báo lão thành Hữu Thọ trong lần trả lời phỏng vấn đã nói khá kỹ và người viết bài này vô cùng tâm đắc.

  Võ hồng Thu

 

 


Ý kiến của bạn