Hà Nội

Dùng vàng giả để lừa đảo: Chiêu độc của tội phạm

21-12-2015 07:14 | Pháp luật
google news

SKĐS - Thời gian gần đây xuất hiện nhiều vụ lừa đảo bằng vàng giả, vàng kém chất lượng, mặc dù cơ quan chức năng đã thông báo phương thức, thủ đoạn,

Thời gian gần đây xuất hiện nhiều vụ lừa đảo bằng vàng giả, vàng kém chất lượng, mặc dù cơ quan chức năng đã thông báo phương thức, thủ đoạn, đặc điểm của các đối tượng cho các tiệm vàng, tiệm cầm đồ để phòng ngừa. Bằng cách nào mà các đối tượng có thể qua mặt các chủ tiệm vàng để chiếm đoạt số tiền lớn mà không bị phát hiện, trong khi dùng vàng giả đi cầm cố không còn là một thủ đoạn mới?

Lợi dụng từ lòng tin

Mới đây nhất, vào ngày 18/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã thi hành lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Ngô Văn Tâm để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo thông tin ban đầu từ cơ quan điều tra cho biết, cửa hàng kinh doanh vàng bạc trên (địa chỉ 128A Phú Thọ, phường 11, quận 11, TP.HCM) là cửa hàng liên doanh giữa hai Công ty cổ phần vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ và Công ty cổ phần vàng bạc đá quý SJC Bàn Cờ. Cửa hàng có 3 nhân sự gồm 1 cửa hàng trưởng, 1 mậu dịch viên (có thay đổi) và Tâm làm nhân viên giám định vàng. Lợi dụng công việc này, từ tháng 5/2007 đến tháng 11/2011, Tâm đã mua vàng xi mạ (kim loại được xi mạ giống vàng thật) và các nữ trang xi mạ tại nhiều nơi rồi mang tới cửa hàng liên doanh cầm cố. Để đánh lừa mậu dịch viên, Tâm nói dối rằng đây là vàng, trang sức của người thân, bạn bè mình nhờ Tâm mang đi cầm cố dùm vì ngại đến tiệm. Tin tưởng Tâm là nhân viên giám định vàng của cửa hàng, mậu dịch viên không nghi ngờ và đồng ý cầm cố với số tiền không quá 70% giá trị do Tâm định giá. Tâm cũng tự ký giả tên khách hàng để hợp thức hóa các hợp đồng cầm cố và trực tiếp nhận tiền do mậu dịch viên thanh toán. Khi hợp đồng nào đến hạn, Tâm tiếp tục ký hợp đồng mới và nộp tiền gia hạn hợp đồng. Tổng cộng, Tâm đã dùng 87 gói vàng giả để ký 87 hợp đồng cầm cố, qua đó chiếm đoạt hơn 1 tỉ đồng của cửa hàng liên doanh.

Các đối tượng trong vụ dùng vàng giả lừa đảo tại huyện Vị Thủy, Hậu Giang bị cơ quan công an bắt giữ.

Trước đó, Công an huyện Vị Thủy (Hậu Giang) cho biết, cơ quan này vừa triệt phá một băng nhóm gồm 4 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn dùng vàng giả mang đi cầm cố, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của nhiều tiệm vàng trên địa bàn các tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang. Các đối tượng bị bắt gồm Nguyễn Hữu Thanh (22 tuổi, ngụ tỉnh Long An),Vũ Đức Phu (34 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai), Lê Mai Thảo (20 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) và Nguyễn Anh Thư (19 tuổi, ngụ tỉnh Trà Vinh). Qua đấu tranh, Phu khai nhận, để có tiền ăn chơi, y cùng bạn gái là Thảo móc nối với Thanh và Thư thực hiện trót lọt 3 vụ cầm vàng giả tại các tiệm vàng ở tỉnh Hậu Giang và huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) chiếm đoạt được trên 110 triệu đồng.

Đủ chiêu trò lừa đảo

Liên quan đến vụ việc dùng vàng giả để thực hiện hành vi lừa đảo, Thiếu tá Nguyễn Phi Khanh, Đội trưởng đội điều tra tổng hợp Công an huyện Vị Thủy, Hậu Giang cho biết, các đối tượng mua một ít vàng thật từ những tiệm vàng uy tín rồi cung cấp cho kẻ chuyên làm vàng giả để làm giống như thật. Hàm lượng vàng thật rất ít, ở những vị trí mà tiệm vàng hay thử thì ở đó hàm lượng vàng cao hơn một chút. Khi đi cầm, bọn chúng thường đi 2 người, 1 người vào cầm thì 1 người ở ngoài nổ máy xe chờ sẵn. Nếu bị chủ tiệm vàng phát hiện thì nhanh chóng chạy ra xe đồng bọn tẩu thoát. Đến nay, Công an huyện Vị Thủy đã thu hồi được một số tài sản trả lại cho các bị hại, đồng thời tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý các đối tượng.

Theo các chuyên gia, cách phổ biến nhất để sản xuất vàng giả là trộn vonfram ở dạng bột với vàng ở trạng thái nóng chảy vì tỷ trọng của vàng và vonfram gần giống nhau (19,6 và 18,3). Khi nung với nhiệt độ nóng chảy của vàng, vàng sẽ nóng chảy và bao quanh vonfram chưa đủ nhiệt độ nóng chảy tạo thành một lớp vàng bên ngoài, lõi vonfram. Thông thường, người ta chỉ rút khoảng 20 đến 30% vàng thật cộng với vonfram tạo ra một hỗn hợp vàng óng mà mắt thường không thể nhìn thấy được. Hỗn hợp vàng độn này có thể vượt qua sự kiểm tra ngặt nghèo của máy đo.

Về thực trang dùng vàng giả, kém chất lượng để lừa đảo, ông Nguyễn Thanh Trúc, Tổng giám đốc Công ty Vàng Agribank, Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh Vàng Việt Nam cho hay, phương thức làm vàng giả hiện nay rất tinh vi và khó phát hiện bởi vonfram được nghiền dưới dạng bột rất mịn và được trộn vào khi vàng nóng chảy. Nếu muốn phân biệt các chủ tiệm vàng buộc phải cắt đôi miếng vàng ra, dùng đèn khò đốt thật lâu, nếu như vàng tan mà vẫn còn lớp bột ráp bám trên bề mặt cắt thì nhiều khả năng là vàng đã bị pha trộn kim loại khác. Tuy nhiên, lợi dụng tâm lý khách hàng không cho cắt miếng vàng, nhiều đối tượng đã tinh vi thực hiện hành vi lừa đảo.


Thế Vinh
Ý kiến của bạn