1. Tác dụng của thuốc xịt trong trị viêm xoang
Viêm xoang (Viêm mũi xoang) là tình trạng viêm mũi và các xoang cạnh mũi bị sưng, viêm, tích tụ chất nhầy bên trong. Viêm mũi xoang là một tình trạng bệnh phổ biến, chủ yếu do virus đường hô hấp trên, vi khuẩn, dị ứng thời tiết, môi trường, các bất thường giải phẫu mũi xoang hoặc các nguyên nhân khác…
Dấu hiệu viêm mũi xoang phổ biến nhất là hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, chảy nước mũi… Với những trường hợp viêm xoang nặng, người bệnh có thể bị sốt, ho, đau nhức vùng trán, thái dương hoặc gò má, giảm khả năng cảm nhận mùi…
Thuốc xịt mũi là một trong những loại thuốc thường được sử dụng để điều trị viêm xoang. Do được phân chia thành các hạt nước nhỏ li ti nên thuốc dễ dàng xâm nhập vào khoang mũi xoang, có tác dụng giảm nhanh các triệu chứng trong bệnh viêm xoang.
2. Các loại thuốc xịt trị viêm xoang
- Thuốc co mạch: Các thuốc co mạch (thuốc chống xung huyết) có tác dụng rất nhanh giúp giảm phù nề, giảm sưng, giúp thông thoáng đường thở, giảm nghẹt mũi.
Một số thuốc thường dùng: Naphazolin, ephedrin, oxymetazolin... Thuốc co mạch có thể gây nhiều tác dụng phụ nếu dùng kéo dài như nhức đầu, khô miệng, mất ngủ, tăng huyết áp, nhìn mờ, căng thẳng thần kinh…
Do đó, chỉ dùng thuốc co mạch trong thời gian ngắn. Tuyệt đối không dùng thuốc co mạch cho những trường hợp quá mẫn với các thành phần của thuốc, trẻ dưới 6 tuổi, bệnh nhân cường giáp, tăng huyết áp, đau thắt ngực, mắc bệnh mạch vành, bệnh nhân đái tháo đường… Đến nay chưa có bằng chứng an toàn khi sử dụng cho phụ nữ mang thai, nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ.
Việc dùng thuốc kéo dài có thể gây hiện tượng nhờn thuốc, thậm chí có thể gây tác dụng ngược làm cho niêm mạc mũi phù nề hơn, tình trạng nghẹt mũi tăng, khiến quá trình điều trị bệnh khó hơn, kéo dài thời gian điều trị, thậm chí có thể gây viêm mũi mạn tính.
- Thuốc kháng histamin: Thuốc kháng histamin giúp giảm các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, ngứa mũi trong bệnh viêm mũi xoang do dị ứng.
Các thuốc kháng histamin thường dùng trị viêm xoang như: azelastine, olopatadine… nhưng có thể gây ra tác dụng phụ là gây buồn ngủ, do đó nên dùng thuốc vào buổi tối hoặc trước khi đi ngủ. Lưu ý, không dùng cho trẻ dưới 2 tuổi.
- Thuốc có chứa corticoid: Thuốc xịt mũi có chứa corticoid giúp giảm phù nề ở niêm mạc mũi, giảm các triệu chứng viêm xoang. Thuốc thường được dùng cho bệnh nhân viêm xoang cấp và mạn tính.
Các loại thuốc xịt mũi chứa corticoid bao gồm: beclomethason, flunisolide, triamcinolone, fluticason...
Thuốc xịt mũi chứa corticoid có tác dụng nhanh, nhưng nếu lạm dụng các thuốc này có thể gây tác dụng phụ nguy hiểm: Làm chậm quá trình phục hồi niêm mạc bị tổn thương, có thể gây kích ứng niêm mạc mũi, khô mũi, chảy máu cam, viêm/loét vách ngăn mũi, bội nhiễm vi khuẩn, virus…
3. Sử dụng thuốc xịt thế nào cho an toàn, hiệu quả?
Để sử dụng thuốc xịt trị viêm xoang an toàn, đạt hiệu quả cao, người bệnh cần lưu ý:
- Không tự ý dùng thuốc xịt trị viêm xoang.
- Chỉ dùng khi có sự chỉ định của bác sĩ.
- Không tự ý tăng liều, không dùng kéo dài khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
- Trước và sau khi sử dụng bình xịt nên vệ sinh sạch sẽ để tránh nhiễm khuẩn. Tránh để đầu bình xịt chạm vào bên trong mũi, vì có thể gây nhiễm khuẩn.
- Đọc kỹ thông tin trên bao bì thuốc.
- Nên bảo quản thuốc ở nơi thoáng mát. Lọ thuốc đã mở nắp chỉ dùng trong thời gian nhất định.
- Không dùng lại đơn thuốc cũ, không dùng chung thuốc xịt mũi.
- Trong quá trình dùng thuốc nếu thấy bất kỳ triệu chứng bất thường nào cần báo ngay cho bác sĩ để được xử trí kịp thời...
Xem thêm video đang được quan tâm:
Béo phì tiền mãn kinh, nguy cơ chị em rất dễ mắc phải.