1. Một số biểu hiện của viêm mũi dị ứng
Theo ThS. BSCKII Hà Minh Lợi, Trưởng khoa Mũi xoang, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, viêm mũi dị ứng gây ra các triệu chứng như hắt xì, ngứa mũi, nghẹt mũi và chảy nước mũi… Khác với viêm mũi xoang, người bệnh viêm mũi dị ứng thường hắt hơi liên tục không kiểm soát được, chảy nước mũi loãng, trong suốt.
ThS. BSCKII Hà Minh Lợi, Trưởng khoa Mũi xoang, Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương thông tin về điều trị bệnh viêm mũi dị ứng.
2. Các thuốc điều trị viêm mũi dị ứng
Để điều trị viêm mũi dị ứng, người bệnh cần được chăm sóc nâng cao thể trạng, hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như nấm mốc, bụi nhà, phấn hoa, lông chó mèo… Ngoài ra, cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Tùy từng tình trạng viêm mũi dị ứng, người bệnh có thể được chỉ định sử dụng các loại thuốc điều trị sau đây:
2.1. Thuốc kháng histamin
Các thuốc kháng histamin có tác dụng giảm các triệu chứng của viêm mũi dị ứng bao gồm ngứa mũi, hắt hơi, chảy nước mũi.
Các thuốc kháng histamin H1 thế hệ 1 như diphenhydramin, chlorpheniramin, promethazin có tác dụng chống dị ứng tương đối tốt, nhưng cũng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như buồn ngủ, khô mắt, táo bón, khô miệng, nhìn mờ… Do đó, hiện nay các thuốc kháng histamin H1 thế hệ 2 như cetirizin, loratadin, fexofenadin, astemizol... được lựa chọn và sử dụng rộng rãi hơn.
2.2. Thuốc trị nghẹt mũi
Thuốc trị nghẹt mũi chứa hoạt chất như pseudoephedrin hoặc phenylpropanolamine, có thể dùng dạng xịt, nhỏ mũi hoặc uống. Thuốc có tác dụng co mạch, nhờ đó rất hiệu quả giúp làm thông mũi, giảm nghẹt.
Thuốc xylometazolin có tác dụng giảm nghẹt nhanh nhưng không được khuyến cáo cho người bệnh viêm mũi dị ứng do nếu sử dụng kéo dài quá 7 ngày, thuốc có thể gây hiệu ứng ngược, khiến tình trạng nghẹt mũi nặng hơn và khó điều trị.
2.3. Thuốc corticoid dạng xịt
Thuốc có tác dụng giảm các triệu chứng ngứa mũi, chảy nước mũi, nghẹt mũi. Một số thuốc thuộc nhóm này như beclomethasone, budesonide, fluticasone...
So với đường uống, thuốc corticoid dạng xịt được cho là khá an toàn và ít gây tác dụng phụ hơn. Tuy nhiên, do thuốc có chứa thành phần corticoid, người bệnh không nên tự ý sử dụng hoặc bỏ thuốc giữa chừng, cần dùng đúng phác đồ điều trị của bác sĩ.
2.4. Thuốc corticoid dạng uống
Thuốc corticoid dạng uống thường được chỉ định trong trường hợp viêm mũi dị ứng nặng. Mặc dù khá hiệu quả trong điều trị viêm mũi dị ứng, thuốc corticoid dạng uống gây nhiều tác dụng phụ không mong muốn hơn, đặc biệt nếu dùng liều cao kéo dài.
Một trong những tác dụng phụ nguy hiểm nhất là suy tuyến thượng thận. Ngoài ra, lạm dụng corticoid có thể dẫn đến viêm loét dạ dày, loãng xương…
3. Dùng thuốc điều trị viêm mũi dị ứng kéo dài có gây nhờn thuốc không?
Tùy vào từng tình trạng cũng như đối tượng người bệnh chẳng hạn như trẻ em, người lớn, người cao tuổi, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp, đảm bảo an toàn, hiệu quả. Do đó, việc sử dụng kéo dài thuốc điều trị viêm mũi dị ứng sẽ không gây hiện tượng nhờn thuốc hoặc tác dụng phụ - ThS.BSCKII Hà Minh Lợi cho hay.
Viêm mũi dị ứng cần điều trị lâu dài, do đó người bệnh cần kiên trì, tuân thủ phác đồ của bác sĩ chuyên khoa. Không tự ý ngưng thuốc giữa chừng hoặc sử dụng các loại thuốc khác giảm triệu chứng mà không tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Đừng quên vệ sinh mũi hàng ngày bằng nước muối sinh lý NaCl 0.9%, vệ sinh mũi họng, giúp giảm nghẹt và làm dịu niêm mạc mũi.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Ai không nên ăn lạc | SKĐS