1.Cách xử trí tình huống khi trẻ bị ho
Hầu hết các trường hợp ho là do bệnh cảm. Phản xạ ho là có lợi cho sức khỏe, giúp bảo vệ phổi khỏi bị viêm. Do đó ở hầu hết các tình huống không nên tìm mọi cách ức chế ho.
Các tình huống trẻ bị ho thường gặp khiến phụ huynh sốt ruột là:
-Ho ông ổng hoặc tắt tiếng: Tình trạng này thường gặp trong bệnh viêm thanh khí phế quản cấp. Để giảm kích thích họng và giúp loãng đờm, phụ huynh có thể sử dụng cách phương pháp: Vào nhà tắm, mở nước nóng ở vòi hoa sen, đợi cho hơi nước đầy phòng rồi tắt vòi. Bế trẻ đứng trong đó khoảng 40-60 giây, sau đó cho trẻ ra ngoài và cho bé bú hoặc uống nước ấm.
Lưu ý: Trẻ dưới 6 tháng không cho uống nước. Trẻ từ 6- 12 tháng có thể cho mỗi lần 30ml. Tối đa 4 lần/ngày.
-Trẻ ói do ho mạnh
- Cho trẻ ăn ít một, chia nhiều lần trong ngày, bởi cho trẻ ăn nhiều, dạ dày đầy dễ bị ói hơn khi ho.
- Có thể cho trẻ một muỗng nước lọc và vệ sinh mũi trước khi cho ăn, không mặc đồ chật chội cho bé.
- Nếu khí hậu khô sẽ làm cho tình trạng ho tệ hơn, nên sử dụng máy tạo ẩm.
- Tránh khói thuốc lá.
2.Nên dùng thuốc thế nào?
2.1. Cách giảm ho tại nhà đơn giản
Có rất nhiều cách để làm giảm kích thích và đau rát cổ họng do ho khan. Chẳng hạn như: Quất hấp đường phèn cách thủy, lá hẹ hấp đường phèn cách thủy… Tuy nhiên, hầu hết là trẻ không thích uống, do đó nên áp dụng một vài phương pháp dễ làm và cũng giúp trẻ dễ uống:
- Cho trẻ ngậm/uống một ít nước lọc ấm. Nước táo hay nước chanh cũng có hiệu quả. Cho trẻ uống khoảng 5-15ml/ngày, chia 4 lần/ngày khi trẻ ho.
- Mật ong được chứng minh là có hiệu quả ngang thuốc ho dextromethophan. Mật ong có thể uống nguyên chất hoặc pha với nước ấm hay nước trái cây, tùy thuộc sở thích của trẻ. Mỗi lần 2.5-5ml, uống ngày 2 lần vào buổi sáng và tối.
Lưu ý, mật ong không dùng cho trẻ dưới 1 tuổi.
2.2 Các loại thuốc giảm ho
Các thuốc ho bao gồm các nhóm:
- Nhóm tác dụng lên hệ thần kinh trung ương: Là những thuốc có tác dụng ức chế trung tâm ho gồm codein, dextromethorphan. Thuốc ho có dextromethorphan khá phổ biến trên thị trường, có các dạng bào chế siro, thuốc viên... Thuốc chỉ dùng cho các bé trên 6 tuổi theo chỉ định. Thuốc ho chứa codein không dùng cho trẻ dưới 12 tuổi, thận trọng cho lứa tuổi 12 đến 18 có các vấn đề về hô hấp.
- Nhóm thuốc ho có tác dụng loãng đờm, tan đờm như: Acetylcystein, methylcystein, carbocystein, bromhexin, ambroxol… Những thuốc này có tác dụng làm loãng đờm theo nhiều cơ chế khác nhau, giúp tống đờm ra ngoài dễ dàng hơn.
Chỉ nên dùng khi ho có đờm đặc, không khạc ra được. Lưu ý không dùng cho trẻ bị suy hô hấp hoặc hen phế quản, vì sẽ khiến đờm tiết ra nhiều nhưng không tống đẩy ra ngoài được, dẫn đến tắc nghẽn phế quản, phổi.
Trẻ dưới 2 tuổi không dùng nhóm thuốc này.
- Nhóm thuốc ho có tác dụng chống dị ứng, bao gồm: Alimemazin, diphenhydramin, clorpheniramin... có tác dụng chống dị ứng, giảm kích ứng họng và giảm ho do dị ứng. Tuy nhiên thuốc gây buồn ngủ, khô miệng, chán ăn và táo bón.
Không dùng kháng sinh, bởi kháng sinh không làm giảm ho. Kháng sinh có thể được dùng nếu có bằng chứng nhiễm trùng hô hấp do vi khuẩn (viêm tai, viêm xoang, phổi…)
Hãy gọi cho bác sĩ nếu gặp các tình huống sau:
- Trẻ xuất hiện khó thở ( thở nhanh, rút lõm ngực…).
- Thở khò khè.
- Ho kéo dài quá 3 tuần không bớt.
- Tình trạng ho và trạng thái sức khỏe của con càng ngày càng tệ hơn...
Mời độc giả xem thêm video:
Rụng tóc mùa đông