Dùng thuốc ứng phó với tình trạng chuột rút bắp chân

10-01-2020 11:22 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Chuột rút cơ bắp chân là hiện tượng rất thường gặp. Trong hầu hết các trường hợp, đau có thể kéo dài từ vài giây đến vài phút và tự khỏi.

Tuy nhiên, khi chuột rút trở nên dai dẳng, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và các hoạt động hàng ngày, cần đi khám để được xử lý và dùng thuốc thích hợp.

Khi nào phải đi khám?

Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng chuột rút như: mất nước, giữ nguyên một tư thế quá lâu, dây thần kinh bị chèn ép, thiếu canxi (khi mang thai), do dùng thuốc (một số loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ chuột rút chân hoặc làm cho chuột rút xảy ra thường xuyên hơn), do bệnh (thần kinh vận động, nhiễm trùng...).

Chuột rút bắp chân có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai, nhưng những người có nguy cơ cao hơn bao gồm: người thừa cân hoặc béo phì, vận động viên, người dùng một số loại thuốc, người lớn tuổi (đặc biệt từ trên 65 tuổi), phụ nữ mang thai...

Khi chuột rút cơ bắp chân xảy ra do tập thể dục hoặc đứng quá lâu, các triệu chứng sẽ tự hết (biến mất). Thông thường, chuột rút xảy ra ở những người trẻ, khỏe mạnh không cần chăm sóc y tế. Tuy nhiên, khi chuột rút bắp chân trở nên dai dẳng, làm ảnh hưởng đến giấc ngủ đêm hoặc ảnh hưởng tới các hoạt động hàng ngày hoặc xuất hiện cùng với các triệu chứng khác như sưng, thay đổi màu da..., cần đi khám để được xử lý thích hợp.

Dùng thuốc ứng phó với tình trạng chuột rút bắp chânThông thường, chuột rút cơ bắp sẽ tự khỏi.

Các thuốc trị chuột rút

Khi bị chuột rút (cơn co rút bắt đầu), cần nhanh chóng làm căng cơ sắp bị co rút càng sớm càng tốt sẽ làm giảm triệu chứng đau.Trong một số trường hợp bác sĩ sẽ phải kê đơn dùng thuốc. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây chuột rút, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc cho từng trường hợp. Một số thuốc thường dùng như:

Thuốc giãn cơ

Carisoprodol: Dùng kết hợp với nghỉ ngơi và vật lý trị liệu để giảm nhất thời chứng đau cơ ở người lớn. Khi dùng thuốc, cần lưu ý một số tác dụng phụ hay gặp, nhất là lơ mơ, chóng mặt, đánh trống ngực, mất ngủ, trầm cảm... Tác dụng an thần có thể được tăng cường khi dùng cùng với các thuốc ức chế thần kinh trung ương hoặc rượu. Trong thời gian uống thuốc, người bệnh không làm những công việc đòi hỏi cần sự tỉnh táo như lái xe, vận hành máy móc. Cần cảnh giác với tình trạng phụ thuộc thuốc khi dùng thuốc kéo dài. Vì vậy, chỉ sử dụng thuốc này theo sự chỉ định của thầy thuốc và thường không sử dụng quá 2-3 tuần.

Tizanidin dùng trong trường hợp co cơ hoặc giật rung, đau do co cơ... Tuy nhiên, nếu được kê dùng, người bệnh cần lưu ý về bất lợi hạ huyết áp, ngủ gà, chóng mặt, khô miệng... Bên cạnh đó, người bệnh có thể thấy mệt mỏi, trầm cảm, rối loạn tiêu hóa hay có thể bị rối loạn lời nói... Khi gặp bất kỳ bất lợi nào, người dùng cần thông báo cho bác sĩ biết để được xử lý kịp thời, thích hợp.

Orphenadrine là một thuốc giãn cơ, hoạt động bằng cách ngăn chặn các xung thần kinh (hay những cảm giác đau) truyền đến não bộ. Đây là thuốc có thể gây nghiện và chỉ sử dụng khi được kê đơn. Một số tác dụng không mong muốn nặng có thể xảy ra như: phát ban, khó thở, sưng mặt, môi, lưỡi hoặc họng. Các tác dụng phụ ít nghiêm trọng có thể bao gồm: khô miệng hoặc cổ họng; nhìn mờ, nhức đầu; buồn ngủ, chóng mặt... Tất cả những bất lợi này người dùng cần lưu ý.

Thuốc chống co giật

Gabapentin là thuốc chống co giật được sử dụng trị chứng chuột rút trong một số trường hợp. Người bệnh cần tuân thủ liều dùng, thời gian dùng đúng quy định của bác sĩ. Không được tự ý dùng thuốc. Trong quá trình dùng nếu có bất kỳ những dấu hiệu của một phản ứng dị ứng với gabapentin như: phát ban, sốt, sưng hạch, lở loét đau đớn trong hoặc xung quanh mắt hoặc miệng, khó thở, sưng mặt, môi, lưỡi hoặc họng. cần đi cấp cứu kịp thời. Nếu người bệnh thấy tâm trạng hay hành vi thay đổi, lo âu, trầm cảm hoặc nếu cảm thấy kích động, bồn chồn..., cần thông báo ngay cho bác sĩ biết.

Bổ sung canxi và magie

Thiếu canxi và magie là nguyên nhân thường gặp ở người có thai, cho con bú hay ở trẻ trưởng thành (do trong khẩu phần ăn không đủ các chất này). Với nguyên nhân đó, chỉ cần bổ sung các chất trên. Lưu ý, nên bổ sung từng thứ một. Ví dụ, nếu thiếu cả canxi và magie thì bổ sung magie trước rồi bổ sung canxi sau vì canxi làm giảm sự hấp thụ magie.

Có thể phòng ngừa?

Để phòng ngừa chuột rút, cần uống đủ lượng nước cơ thể cần mỗi ngày, khoảng 1,5 - 2 lít nước; tập thể dục thường xuyên và khởi động kỹ trước khi tập luyện. Nên tạo thói quen tập thể dục cho đôi chân trước mỗi khi đi ngủ; ăn nhiều rau trong các bữa ăn chính, sau mỗi bữa ăn nên bổ sung các loại quả như chuối, mơ, cam, đu đủ, xoài... Thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng, đủ các chất: đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất; tránh stress, tâm trạng căng thẳng quá độ vì nó có thể là nguyên nhân dẫn đến chuột rút...


DS. Nguyễn Thu Giang
Ý kiến của bạn