Thuốc dùng có 4 nhóm: nhóm chống tiêu chảy, nhóm chống táo bón, nhóm chống co thắt cơ và nhóm chống trầm cảm.
Nhóm thuốc chống tiêu chảy
Bệnh không do nhiễm khuẩn nên không được dùng kháng sinh. Nếu dùng kháng sinh đặc biệt là dùng kéo dài sẽ gây rối loạn hệ vi sinh đường ruột gây tiêu chảy nặng hơn. Nhóm này gồm thuốc chống tiêu chảy không đặc hiệu (loperamid, racecardotryl) và thuốc bao che chống tiết dịch (diosmectit, actapulgit).
-Loperamid: Tác dụng trực tiếp lên cơ vòng, cơ dọc thành ruột, làm giảm nhu động thành ruột, tăng co thắt cơ hậu môn, giảm tiết dịch đường tiêu hóa, ảnh hưởng lên sự chuyển hóa của dịch và chất điện giải qua ruột: giảm sự mất dịch, chất điện giải, giảm thể tích phân, tăng độ nhớt, tỷ trọng khối, nhờ thế mà cầm tiêu chảy, giảm mất dịch khá nhanh.
-Racecardotryl: Ức chế enzym enkephalinase, qua đó làm bền chất enkephalinase, dẫn đến làm giảm sự tiết dịch khi có tăng tiết, giảm sự mất dịch chất điện giải, giảm thể tích phân, nhờ thế mà cầm tiêu chảy, giảm mất dịch.
Bệnh nhân rối loạn đại tràng chức năng nên ăn đủ các nhóm thực phẩm.
Tuy nhiên loại thuốc này có một số điểm khác nhau:
Loperamid do làm giảm nhu động ruột nên nếu dùng liều cao hơn liều điều trị thông thường thì sẽ giữ phân lại trong ruột, làm tăng sinh vi khuẩn đường ruột, gây tiêu chảy, trường hợp vi khuẩn tiết ra độc tố thì còn gây hại nhiều hơn. Đây là tác dụng phụ do cách dùng. Racecardotryl không có cơ chế làm giảm nhu động ruột nên không có tác dụng phụ này, có thể dùng liều racecardotryl gấp 20 lần liều điều trị thông thường vẫn không độc.
Loperamid là một opiat tổng hợp, với liều điều trị không ảnh hưởng gì đến thần kinh người lớn, tuy nhiên lại gây các triệu chứng thần kinh cho trẻ dưới 6 tuổi và không được đưa vào thường qui điều trị tiêu chảy cho trẻ em. Racecardotryl không phải là opiat tổng hợp, không đi qua được hàng rào máu não của trẻ, không gây các triệu chứng thần kinh cho trẻ, có thể dùng cho trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên.
Loperamid khi dùng liều cao kéo dài, do làm giảm co thắt giảm nhu động ruột quá mức nên sẽ gây táo bón, đau bụng, buồn nôn, khô miệng, chướng bụng, tắc liệt ruột… Ngoài ra còn có thể gây nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi. Không dùng loperamid cho người có nhu động ruột bị giảm sút, chướng bụng, thận trọng với người có viêm loét dạ dày. Thận trọng khi dùng loperamid cho người có chức năng gan thận suy giảm. Không dùng loperamid cho người có thai, có thể dùng cho người cho con bú vì ít tiết qua sữa nhưng chỉ nên dùng liều thấp. Racecardotryl với liều điều trị thông thường hay liều cao chưa thấy gây các tai biến nào nghiêm trọng.
- Muối diosmectit (aliminium magnesium silicat), có cấu trúc từng lớp, tạo ra độ nhớt cao (khi hòa vào dịch) nên có tính bao che niêm mạc rất lớn. Thuốc có tính bám dính cao vào niêm mạc tiêu hóa tương tác với glycoprotein của chất nhầy làm tăng sức chịu đựng của lớp gel trên niêm mạc khi bị các tác nhân khác tấn công. Nhờ đó mà bảo vệ được niêm mạc đại tràng, chống được sự kích thích, chống sự tiêu chảy mạn. diosmectit có thể gây ra hay làm tăng sự táo bón nhưng rất hiếm; có tính chất hấp thụ làm giảm hiệu lực của các thuốc khác nên phải dùng cách xa các thuốc khác ít nhất là 2 giờ. Thường trình bày dưới dạng thuốc gói, dạng bột nên phải pha với nước thành hỗn dịch mới uống.
-Actapulgit: Là muối aliminium magnesium silicat. có tác dụng làm tăng khối lượng làm cho phân tạo thành khuôn, bao che vết loét, làm cho đại tràng đỡ bị kích thích nên chống được tiêu chảy mạn. Actapulgit dung nạp tốt, có thể gây nôn, táo bón, chướng bụng, tắc ruột nhưng rất hiếm (nếu gặp phải ngừng thuốc); có tính chất hấp thụ làm giảm hiệu lực của các thuốc khác nên phải dùng cách xa các thuốc khác ít nhất là 2 giờ. Không nên dùng cho trẻ dưới 3 tuổi (trừ trường hợp có chỉ định của bác sĩ), trẻ đang sốt; thận trọng với người cao tuổi (vì hay gặp mất nước táo bón). Thường trình bày dưới dạng thuốc gói, dạng bột; phải pha với nước thành hỗn dịch mới uống.
Thuốc chống táo bón
Dùng loại thuốc chống táo bón có cơ chế làm tăng thẩm thấu như sorbitol, lactulose, polyethylenglycol (PEG). Không được dùng loại thuốc chống táo bón tăng vận động cơ mạnh như cisaprid, nhẹ như anthraquinon; không được dùng loại thuốc chống táo bón làm tăng lượng nước trong ruột như magnesium vì những loại này sẽ làm tăng sự tiêu chảy.
Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Thuốc chống co thắt cơ trơn
Loại kháng phó giao cảm làm thư giãn cơ trơn như hyoscyamin, atropin. Chúng gây ra tác dụng phụ kháng cholinergic như làm khô miệng, mờ mắt, tăng nhãn áp (không dùng cho người bị glaucoma góc đóng), khó tiểu tiện (không dùng cho người bị phì đại tuyến tiền liệt), không dùng cho người bị nghẽn đường tiêu hóa, tiết niệu, mất trương lực, nhược cơ nặng.
Loại hướng cơ làm thư giãn cơ trơn như pinaverium, mebevirin, alverin. Chúng ít gây tác dụng phụ như nhóm kháng phó giao cảm.
Loại trung gian làm tăng vận động cơ trơn khi bị suy giảm và thư giãn cơ trơn khi bị kích thích như trimebutin.
Thuốc chống trầm cảm
Tiêu chảy do rối loạn đại tràng chức năng là bệnh mạn tính, thường gây ra bực bội, khó ngủ, ngủ không yên giấc. Dùng thuốc trầm cảm 3 vòng như amitryphtylin, clopparamin, desipramin kết hợp với thuốc an thần (diazepam, bromazepam).