Nhiễm trùng roi (trichomonat vaginalis) là bệnh lây nhiễm qua đường sinh dục, ngoài ra còn có thể lây nhiễm từ mẹ sang con khi sinh hoặc lây nhiễm do dùng chung quần, giặt chung chậu, do bơi lội dầm mình trong nguồn nước không sạch (nhất là ở bé gái). Nữ có nguy cơ bị nhiễm trùng roi cao gấp 10 lần nam.
Nhận biết nhiễm trùng roi
Nữ nhiễm trùng roi có khí hư màu vàng, loãng, có mùi hôi, nếu có bội nhiễm thì ngả sang màu xanh, bị rát bỏng nhất là khi giao hợp, khi lau sạch khí hư thấy âm đạo, cổ tử cung có những chấm đỏ không đều, bôi lên đó dung dịch lugol sẽ thấy bắt màu rất rõ; có ngứa dữ dội vùng âm đạo, tầng sinh môn đỏ, sưng nề. Nam nhiễm trùng roi thì quy đầu bị ngứa có khi có tiết dịch, đái rắt,đái buốt. Sau đó bệnh chuyển sang mạn không có triệu chứng rõ rệt.
Những dấu hiệu này dễ nhận biết tuy nhiên, chưa thật đặc hiệu. Cần soi tươi, cấy dịch tiết âm đạo để xác định. Mức chính xác của soi tươi cấy dịch tiết âm đạo là 60 - 70%. Các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên đều có thể làm được xét nghiệm đơn giản này. Khi thật cần thiết mới dùng các kỹ thuật khó như thăm dò AND tìm kháng thể đơn dòng. Mức độ chính xác của kỹ thuật này là 99,8% nhưng không phải cơ sở y tế nào cũng có thể làm được. Thực tế khi làm xong các xét nghiệm đơn giản với độ chính xác 60 - 70% đã có thể dùng thuốc diệt trùng roi đặc hiệu. Nếu thuốc cho hiệu quả thì coi như đạt yêu cầu.
Trùng roi (trichomonat vaginalis)
Các thuốc thường dùng
Nhóm nitroimidazol:
Nhóm này có 2 thuốc hay dùng là metronidazol, tinidazol.
Metronidazol (kalion, flagyl, medazol):
Đây là thuốc đặc hiệu, được lựa chọn dầu tiên. Có thể dùng liều cao duy nhất và cách dùng này chỉ áp dụng cho người khỏe mạnh, không dùng cho người già, gầy yếu hay người có thai (vì thuốc gây mệt). Phần lớn dùng liều có hiệu lực (thấp hơn liều trên) kéo dài nhiều ngày: nữ thường 7 ngày, nam khoảng 10 ngày... Nếu bệnh dai dẳng có thể dùng tới 14 - 20 ngày. Trong trường hợp cần thiết có thể phối hợp với thuốc đặt âm đạo. Có thể dùng cho người có thai nhưng tránh dùng trong 3 tháng đầu thai kỳ, không nên dùng cho người cho con bú.
Nhiễm trùng roi lây qua đường sinh dục nên khi điều trị cho mình thì điều trị luôn cho chồng hay vợ. Để phòng nhiễm trùng roi thì cần giữ nếp sinh hoạt tình dục lành mạnh một vợ một chồng.
Nhiễm trùng roi hay tái nhiễm (như tái nhiễm nội sinh trùng roi ở niệu đạo hay quanh niệu đạo) nên có khi phải điều trị nhiều đợt mới khỏi hẳn, sau mỗi đợt điều trị nên xét nghiệm trùng roi, chỉ khi nào xét nghiệm thấy không còn trùng roi nữa mới chắc chắn khỏi và ngừng thuốc.
Khởi đầu nên chọn loại thuốc đặc hiệu và có giá thấp. Khi thuốc không còn đáp ứng hay không dung nạp được mới chuyển đổi thuốc.Thông thường thuốc mạnh hơn thì cũng có nhiều tác dụng phụ hơn và cần chú ý đến điểm này khi chuyển đổi.
Thuốc có thể gây mất điều hòa vận động, chóng mặt, lú lẫn, đau dây thần kinh ngoại vi, rối loạn tâm thần, làm nặng thêm các triệu chứng thần kinh ở những người vốn có bệnh thần kinh trung ương (ngừng dùng khi có hiện tượng này). Thuốc có thể gây rối loạn về máu (giảm bạch cầu) khi dùng liều cao kéo dài (cần kiểm tra công thức bạch cầu trước khi dùng). Thuốc có thể gây buồn nôn, chán ăn, tiêu chảy, thay đổi vị giác, bẩn lưỡi, dị ứng.
Tinidazol(Fasigyn, midazol):
Có hoạt tính diệt trùng roi như metronidazol.
Thuốc có thể gây rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, biếng ăn, tiêu chảy, nổi mày đay, nhức đầu, chóng mặt, nhưng thường ở mức độ nhẹ. Khi dùng liều cao có thể bị chóng mặt mất điều hòa vận động (cần ngừng thuốc). Không dùng cho người có rối loạn cơ quan tạo máu, có bất thường về công thức máu. Có thể dùng cho người có thai nhưng tránh dùng trong 3 tháng đầu thai kỳ, không nên dùng cho người cho con bú.
Trong thời gian dùng metronidazol, tinidazol và cả sau khi ngừng dùng 2 - 3 ngày không được uống rượu.
Nhóm Thiazol:
Nhóm này có nhiều thuốc cùng chung cấu trúc thiazol, có hoạt tính diệt trùng roi, thường dùng nhất là thuốc tenonitrazol (atrican). Nhóm này có tác dụng phụ nhiều hơn nhóm nitroimidazol nói trên. Thuốc thường gây cảm giác nặng bụng, buồn nôn, ăn không ngon. Không được dùng thuốc này cho người suy gan, người có rối loạn về công thức máu (phải kiểm tra chức năng gan kiểm tra công thức máu trước khi dùng).
Nhóm aminozid:
Thuốc thường hay được dùng là paromomycin. Thuốc này có độc tính cao hơn các thuốc trong nhóm nitroimidazol, thiazol nói trên. Thường dùng dưới dạng thuốc trứng (0,25g), đặt âm đạo hàng ngày trước khi đi ngủ trong 14 - 15 ngày. Chỉ nên dùng khi người bệnh không dung nạp được các thuốc trong nhóm nitroimidazol, thiazol.Thuốc có thể gây ra tiêu chảy do làm mất cân bằng vi sinh ở đường tiêu hóa. Không dùng thuốc này cho người suy thận, người có bất thường về bộ máy tiêu hóa, người có tổn thương tiền đình, tránh dùng cho người có thai
Nhóm phối hợp nhiều thuốc:
Trong các thuốc điều trị nhiễm trùng roi có biệt dược phối hợp với một số thuốc khác để dùng khi có bội nhiễm. Thí dụ biệt dược đặt âm đạo tergynan. Tergynan có chứa ternidazol để trị trùng roi, neomycin đẻ kháng khuẩn, nistatin để kháng nấm, và prednisolon để chống viêm dị ứng, nay có biệt dược chỉ chứa ba chất đầu mà không có prednisolon gọi là neotergynan.
Thuốc này dùng đặt âm đạo, 10 ngày liền mỗi ngày 1 viên trước khi đi ngủ, trường hợp có nhiễm nấm có thể đặt 20 ngày liền. Chỉ dùng thuốc này khi chưa xét nghiệm phân biệt, nghi ngờ bội nhiễm, còn nếu có xét nghiệm phân biệt được chỉ có nhiễm trùng roi thì chỉ chọn dùng các thuốc đặc trị trong các nhóm nitroimidazol, thiazol hay amiozid.