(SKDS) - Tôi rất hay bị ho. Mỗi lần ho đều có đờm. Xin hỏi, tôi dùng thuốc gì để hết bệnh?
Đỗ Văn Sĩ (Hà Nội)
Bác Sĩ thân mến! Trong thư bác không nói cụ thể những biểu hiện bệnh của bác. Nhưng, ho có đờm thường liên quan đến một số bệnh như viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản, xơ hoá nang...
Ảnh minh họa (nguồn Internet) |
Để điều trị ho có đờm, người ta thường dùng các chất long đờm, theo cơ chế tăng thể tích chất tiết ra ở khí quản, làm cho việc ho dễ thải nó ra ngoài. Tuy nhiên những bằng chứng thực tế về lợi ích của thuốc ho long đờm còn hạn chế và nhiều thầy thuốc cho rằng chúng không có hiệu quả. Những thuốc long đờm hay dùng là: muối amoni, guaiphenesin, ipecacuanha, natri citrat. Tuy nhiên không nên dùng kéo dài vì có thể gây ức chế tuyến giáp: không nên dùng cho trẻ em, thiếu niên, phụ nữ mang thai, bệnh nhân bướu cổ.
Thuốc tiêu chất nhầy làm giảm độ nhớt của đờm, làm thay đổi cấu trúc của nó và cho thấy có tác dụng làm giảm ho, nhưng tác dụng trên chức năng của phổi không nhất quán. Các thuốc tiêu chất nhầy hay dùng có thể kể là: acetylcystein, bromhexim, carbocysstein, methylcystein. Về lý thuyết, thuốc tiêu chất nhầy có thể phá hỏng lớp chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày, nên cần thận trọng đối với những bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày.