Dùng thuốc trong điều trị thoái hóa đốt sống cổ

25-09-2018 10:35 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Thoái hóa đốt sống cổ là bệnh lý mạn tính khá phổ biến, tiến triển chậm, thường gặp từ độ tuổi trung niên trở lên hoặc liên quan đến tư thế vận động.

Khi bị thoái hóa đốt sống cổ người bệnh cần tuân thủ quá trình điều trị và dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để giảm các triệu chứng và làm chậm tiến triển thoái hóa của đốt sống cổ.

Đặc điểm bệnh thoái hóa đốt sống cổ

Biểu hiện của thoái hoá đốt sống cổ rất đa dạng, thường gồm 4 hội chứng chính. Các biểu hiện có thể đồng thời hoặc đơn lẻ.

Hội chứng đốt sống cổ: Đau vùng cổ gáy vai, căng hoặc co cứng cơ cạnh cột sống cổ, cơ vùng vai, cấp hoặc mạn tính. Đau tăng khi vận động đốt sống cổ, hạn chế vận động đốt sống cổ.

Hội chứng rễ thần kinh cổ: Đau lan từ cổ xuống vai tay, hoặc lan lên vùng gáy; đau tăng khi ho, hắt hơi, khi thay đổi tư thế. Cảm giác kiến bò tê bì hoặc tê buốt lan dọc vai cánh cẳng tay đến ngón tay, có thể yếu cơ hoặc teo cơ vùng vai, tay.

Hội chứng động mạch đốt sống: Đau cổ gáy kèm đau đầu vùng chẩm - thái dương, chóng mặt, hoa mắt, ù tai.

Hội chứng tủy: Dáng đi không vững, đi lại khó khăn. Yếu hoặc liệt chi trên hoặc chi dưới hoặc thân; teo cơ ngọn chi, rối loạn vận động chi trên và hoặc chi dưới, rối loạn cơ tròn…

Các thuốc điều trị

Nguyên tắc điều trị: Cần điều trị sớm và tích cực để ngăn ngừa tiến triển nặng của bệnh; điều trị bệnh chính đồng thời xác định nguyên nhân, phân loại và kiểm soát đau tốt; không có một loại thuốc hoặc phương pháp duy nhất hiệu quả trong điều trị thoái hoá đốt sống cổ; cần phối hợp nhiều biện pháp và thuốc với các cơ chế tác dụng khác nhau nhằm hỗ trợ tăng hiệu quả điều trị, giảm tác dụng phụ do thuốc điều trị gây ra. Các thuốc có thể dùng như:

Thuốc giảm đau đơn thuần:

- Các thuốc giảm đau hạ sốt: Acetaminnophen (paracetamol) có tác dụng giảm đau mức độ nhẹ đến trung bình, thời gian tác dụng ngắn. Điều trị các chứng đau do co hoặc căng cơ trong hội chứng cột sống. Đây là lựa chọn ưu tiên với sự cân bằng giữa tác dụng phụ và hiệu quả mong muốn, mặc dù vậy cần thận trọng với bệnh nhân có rối loạn chức năng gan.

- Paracetamol phối hợp với opiate yếu (với codein), phối hợp với thuốc giảm đau trung ương tramadol có tác dụng giảm đau mạnh hơn so với các thuốc giảm đau thông thường. Các loại thuốc này nên sử dụng ở những bệnh nhân không đáp ứng với thuốc giảm đau thông thường đơn lẻ, hoặc thuốc giảm đau chống viêm không steroids, nhưng tránh dùng kéo dài.

- Paracetamol phối hợp với thuốc giảm đau không steroid  như ibuprofen...

Nhóm thuốc giảm đau chống viêm không steroids (NSAIDs): Có thể cân nhắc sử dụng nhóm thuốc này khi bệnh nhân không đáp ứng với thuốc giảm đau thông thường paracetamol.

- Các dạng kinh điển của nhóm thuốc này (ức chế COX-1) như diclofenac, ibuprofen, naproxen… có tác dụng phụ lên hệ tiêu hóa.

- Nhóm ức chế COX-2 (celecoxib, arcoxia) cần thận trọng với bệnh nhân có bệnh lý tim mạch.

- Meloxicam (mobic) được cho là cân bằng hơn trong điều trị đau xương khớp trên bệnh nhân có bệnh lý tim mạch, tiêu hóa.

Cần lưu ý tuyệt đối không phối hợp các thuốc trong nhóm NSAIDs vì không thay đổi tác dụng giảm đau kháng viêm mà chỉ tăng tác dụng phụ.

Nhóm các thuốc giảm đau thần kinh:

Gabapentin, pregabalin thường được dùng phối hợp điều trị thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm cột sống có chèn ép rễ thần kinh. Thuốc thường được dùng trong các trường hợp bệnh nhân đau nhiều, mà dùng các thuốc giảm đau thông thường như paracetamol không đỡ.

Thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm: Glucosamin sulphate, chondroitin, diacerein, ASU - các chất không xà phòng hóa từ quả bơ và đậu nành (piascledine)… Đây là nhóm thuốc có tác dụng điều trị triệu chứng và cải thiện cấu trúc khớp, giảm tác động hủy hoại sụn khớp, ngăn ngừa thoái hóa sụn khớp và xương dưới sụn. Tuy nhiên, thuốc có hiệu quả giảm đau thấp, thời gian tác dụng chậm, thường phải sau dùng thuốc từ 3-6 tháng, nên trong giai đoạn đầu nếu đau nhiều phải phối hợp với các thuốc giảm đau khác.

Các thuốc hỗ trợ: Có thể dùng các thuốc giãn cơ:, vitamin nhóm B, bôi, xịt các thuốc giảm đau tại chỗ, các thuốc hỗ trợ cải thiện tuần hoàn máu não. Tiêm glucorticoid cạnh cột sống: Do bác sĩ chuyên khoa thực hiện tại cơ sở y tế khi bệnh nhân đau nhiều và dùng thuốc đường uống không còn hiệu quả.

Các biện pháp không dùng thuốc: Đối với bệnh thoái hoá đốt sống cổ, các biện pháp không dùng thuốc có vai trò cực kỳ quan trọng trong cả quá trình điều trị cũng như phòng ngừa bệnh. Tư thế cột sống cần phải đúng trong sinh hoạt, lao động, nghỉ ngơi; luyện tập thể dục thể thao đều đặn và đúng phương pháp; dinh dưỡng hợp lý, kiểm soát cân nặng; sử dụng dụng cụ hỗ trợ (nẹp cổ); phối hợp điều trị vật lý trị liệu, y học cổ truyền…

Điều trị ngoại khoa: Thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm có chèn ép rễ thần kinh, tủy sống không đáp ứng với điều trị nội khoa hoặc có yếu liệt chi, teo cơ tiến triển, rối loạn cơ tròn cần tiến hành phẫu thuật.


TS.BS. Phạm Quang Thuận
Ý kiến của bạn