Dùng thuốc trong các bệnh do nghiện rượu

21-04-2015 09:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Người nghiện rượu thường chú ý đến thuốc giải rượu, thuốc cai... nhưng ít chú ý đến các thuốc chữa các bệnh tâm- thần kinh do nghiện rượu gây nên.

Thuốc dùng trong viêm đa dây thần kinh do rượu

Uống rượu dẫn đến chán ăn. Có người sáng sớm chỉ cần nhấp dăm ba ly rượu là có thể nhịn suốt cả buổi. Trong bữa ăn, thường uống rượu là chính, nếu có ăn chút ít cũng hấp thu được. Do đó, người uống bị thiếu vitamin B1 dẫn đến bị bệnh viêm đa dây thần kinh. Theo thống kê của Mỹ, có khoảng 5 - 15% số người nghiện rượu bị bệnh này.

Viêm đa dây thần kinh do nghiện rượu hay do thuần túy thiếu vitamin B1 được xếp vào nhóm viêm đa thần kinh do dinh dưỡng, không khác nhau nhiều lắm về lâm sàng. Nhưng viêm đa thần kinh do nghiện rượu nổi lên các triệu chứng rối loạn cảm giác. Khi bệnh tiến, có cảm giác dị cảm ở ngọn chi, chuột rút, ít khi có cơn đau về sau có cơn đau tăng lên. Các triệu chứng thường tăng lên về đêm. Khám thấy có triệu chứng liệt vận động nhưng kín đáo. Ở thời kỳ toàn phát, triệu chứng dị cảm tăng lên, có biểu hiện nóng rát bàn chân, nếu nặng thì không dám đặt chân xuống đất. Người nghiện rượu thường đi liêu xiêu (vì say), chân không bén đất (vì hiện tượng này).

Trong trường hợp này, thông thường thầy thuốc cho dùng thuốc tiêm vitamin B1 (100mg/ngày), vitamin B12 (100mcg/ngày), phối hợp với thuốc uống vitamin B6, nicotinamid (vitamin PP), axít pantotenic(vitamin B5), axít folic (vitamin B9). Song song, thầy thuốc yêu cầu phải cai rượu dùng chế độ ăn giàu dinh dưỡng để lập lại cân bằng chuyển hóa.

Thuốc dùng phòng chữa các rối loạn tâm - thần kinh do rượu

Nghiện rượu thường bị bệnh não Wernicke. Biểu hiện: lú, thất điều, liệt vận nhãn (mắt lờ đờ). Chỉ phát hiện chẩn đoán được khoảng 10%, còn lại khoảng hơn 80% số người bệnh không được phát hiện chẩn đoán, do người bệnh không biết nên không đến các cơ sở y tế. Ban đầu, bệnh có thể hồi phục, song nếu để lâu không điều trị, bệnh có thể tiến triển dẫn tới hư não vĩnh viễn với chứng loạn thần Korsakoft, biểu hiện mất trí nhớ ngắn hạn nặng nề, kèm theo giảm chức năng, buộc phải chăm sóc lâu dài. Phòng chữa các bệnh này tại cộng đồng và bệnh viện có một số khác nhau về dùng thuốc:

Tại cộng đồng: nếu người bệnh khỏe, không có các biến chứng do nghiện rượu, có thể dùng vitamin B1 uống với liều tối thiểu 300mg/ngày. Tuy nhiên, với người nghiện rượu, uống vitamin B1 thường hấp thu kém, nên tốt hơn nên dùng dạng tiêm bắp với hàm lượng cao phối hợp với các vitamin nhóm B khác như: dùng biệt dược B-complex.

Tại bệnh viện: dự phòng: tiêm bắp hay tiêm tĩnh mạch mỗi ngày 250mg B1, mỗi đợt 5 ngày. Điều trị: khi có một trong các triệu chứng: thất điều, hạ thân nhiệt, hạ huyết áp, liệt vận nhãn hay rung giật nhãn cầu, rối loạn trí nhớ, ói mửa, hôn mê, mất tri giác thì nghi ngờ bị bệnh não Wernicke. Lúc này, thầy thuốc cho dùng vitamin B1 tiêm tĩnh mạch ít nhất mỗi lần 500mg, mỗi ngày 3 lần trong 3 ngày. Nếu người bệnh không đáp ứng thì ngừng điều trị. Nhưng nếu có đáp ứng (tức là có bệnh não Wernicke) thì tiếp tục tiêm tĩnh mạch vitamin B1 250mg/ngày trong 5 ngày, hoặc kéo dài thêm nếu các triệu chứng của bệnh được tiếp tục cải thiện.

Dùng vitamin B1 tiêm tĩnh mạch cho hiệu quả tốt nhanh hơn uống hay tiêm bắp song tiêm tĩnh mạch thường dễ gặp tai biến. Vì vậy, trong cộng đồng, tại nhà chỉ nên dùng uống hay tiêm bắp, trong bệnh viện mới dùng tiêm tĩnh mạch.

Người nghiện rượu kém hấp thu vitamin B1 đường uống, tốt hơn nên dùng dạng tiêm bắp

Thuốc hỗ trợ trong hội chứng cai rượu

Người nghiện khi bỏ rượu (cai rượu) thường bị các triệu chứng do thiếu rượu (hội chứng cai rượu) như: sảng rượu cấp, co giật, động kinh. Thầy thuốc thường cho dùng các thuốc an thần kinh giúp người cai rượu vượt qua trạng thái này gọi là thuốc hỗ trợ cai rượu. Việc dùng các thuốc an thần kinh này tùy theo mức độ nghiện rượu.

Nếu chỉ nghiện rượu mức nhẹ: thầy thuốc chỉ cần khuyên bỏ rượu, không dùng thuốc hay chỉ dùng thuốc diazepam với liều thấp.

Nếu nghiện rượu mức vừa: có thể dùng thuốc hỗ trợ cai rượu tại nhà. Thường dùng chlordiazepoxid theo cách giảm liều dần: ngày đầu 80mg; ngày thứ hai: 60mg; ngày thứ ba:40mg; ngày thứ tư: 20mg; ngày thứ năm: 10mg. Liều trong mỗi ngày chia ra 2 lần dùng.

Nếu nghiện rượu mức nặng: phải điều trị tại bệnh viện. Cần đo nồng độ cồn qua hơi thở, nếu nồng độ cồn cao hay liên tục tăng thì chứng tỏ chưa có hội chứng cai. Chỉ dùng thuốc khi có hội chứng cai rõ. Thường dùng chlordiazepoxid trong 5 ngày song với liều cao hơn liều ở mức nghiện rượu trung bình nêu trên, khoảng 250mg/ ngày. Nếu có nguy cơ co giật cao, sảng rượu cấp có thể điều trị tới 2 tuần và có sự theo dõi cẩn thận.

Chlordiazepoxid gây tích lũy nên không dùng khi người nghiện rượu có kèm theo bệnh gan mà thay thế bằng một thuốc có thời gian bán hủy ngắn hơn để tránh tích lũy như oxaepam.

Người nghiện rượu khi có biểu hiện bất thường về tâm- thần kinh cần khám tại chuyên khoa này. Sau đó nếu thày thuốc cho dùng thuốc uống, tiêm bắp, có thể dùng tại nhà; nếu thầy thuốc cho thuốc thuốc tiêm tĩnh mạch, phải dùng tại bệnh viện.

DS.CKII. BÙI VĂN UY

 


Ý kiến của bạn