Hà Nội

Dùng thuốc trị viêm tiểu phế quản ở trẻ

30-10-2019 12:58 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Thời tiết chuyển lạnh tạo điều kiện cho các vi khuẩn và virut gây bệnh.

Trong đó, viêm tiểu phế quản ở trẻ em là căn bệnh thường gặp lúc giao mùa và vào mùa lạnh, đồng thời gây ra nhiều biến chứng nếu không được phát hiện và chăm sóc kịp thời.

Viêm tiểu phế quản là bệnh do nhiều loại virut gây ra, nhưng tác nhân gây bệnh phổ biến nhất là virut hợp bào hô hấp (RSV). Bệnh có thể xảy ra quanh năm nhưng thường gặp khi thay đổi thời tiết, khi trời trở lạnh, chủ yếu vào mùa mưa (ở các tỉnh miền Nam) hay mùa lạnh (tháng 11 đến tháng 3 ở các tỉnh phía Bắc).

Bệnh ảnh hưởng đến cả đường hô hấp trên (mũi, miệng, họng) và đường hô hấp dưới (phổi), gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhất ở trẻ dưới 2 tuổi.

Khi mắc bệnh, trẻ thường bị chảy nước mũi, sung huyết mũi, đau họng nhẹ, đau tai giữa. Sốt ít khi gặp. Sau 2-3 ngày, trẻ ho, thở nhanh và nông, thở khò khè; có khả năng chuyển biến nặng ở trẻ dưới 6 tháng tuổi với những triệu chứng: đổi màu da xanh/xám (cần điều trị khẩn cấp), ho không ngừng, suy hô hấp (co rút các cơ xương sườn và xương ức), mệt mỏi, sốt trên 38,30C, nhịp thở trên 70 lần/phút, ngưng thở (ít xảy ra).

Hình ảnh viêm tiểu phế quản ở trẻ.

Hình ảnh viêm tiểu phế quản ở trẻ.

Các thuốc điều trị

Trong hầu hết trường hợp, bố mẹ có thể chăm sóc trẻ tại nhà bằng cách cho trẻ uống đủ nước để làm loãng đờm, dịu ho; sát khuẩn mũi, họng cho trẻ bằng dung dịch nước muối 0,9%. Điều trị dựa trên nguyên tắc cơ bản: Duy trì đủ nước (ở trẻ mới biết đi) và đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo chức năng phổi phù hợp (đủ ôxy), theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh để ngăn bệnh trở nặng (viêm phổi, ngưng thở khi ngủ...). Tuy nhiên, với trẻ sơ sinh rất nhỏ (dưới 6 tháng tuổi) hoặc những trẻ có các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nên được điều trị và chăm sóc ở bệnh viện. Những trẻ này sẽ được hỗ trợ thở ôxy qua ống nội khí quản, theo dõi nồng độ ôxy bão hoà trong máu, nồng độ CO2, truyền nước.

Thuốc hạ sốt: Nếu trẻ có sốt, cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt. Có 2 loại thuốc hạ sốt quan trọng được dùng cho trẻ là acetaminophen (paracetamol) và ibuprofen. Lưu ý, ibuprofen chỉ sử dụng khi có hướng dẫn của bác sĩ. Có thể uống thuốc trị ho, long đờm theo chỉ định của bác sĩ. Cần lưu ý, không tự mua thuốc kháng sinh để điều trị vì viêm tiểu phế quản là bệnh do virut nên kháng sinh không có tác dụng, trừ khi trẻ bệnh nhi có bội nhiễm phổi thì mới dùng kháng sinh. Khi trẻ sốt cao, dùng thuốc giảm sốt cũng không hạ, bỏ bú, nôn trớ, thở nhanh, khó thở..., cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Thuốc giãn phế quản đường hít: Cho đến năm 2014, liệu pháp điều trị chủ yếu là dựa vào các thuốc giãn phế quản đường hít: Ventolin (salbutamol), bricanyl (terbutaline)... Các thuốc này cho thấy một sự cải thiện nhẹ các triệu chứng suy hô hấp nhưng lại không mang lại lợi ích lâu dài (giảm thời gian kéo dài các triệu chứng hay rút ngắn thời gian cung cấp ôxy...). Bệnh hen ở trẻ sẽ chuyển biến xấu trong mùa viêm tiểu phế quản, một số cơ sở điều trị sẽ áp dụng liệu pháp giãn phế quản đường hít đơn liều. Nếu các triệu chứng được cải thiện đáng kể thì liệu pháp tương tự nên được xem xét. Ngược lại, nếu các triệu chứng không thuyên giảm thì không cần sử dụng các thuốc giãn phế quản đường hít.

Các thuốc giãn phế quản đường uống và các steroid đường uống hay đường tiêm không cho thấy hiệu quả và không nên được áp dụng.

Lời khuyên của thầy thuốc

Có thể phòng tránh được viêm tiểu phế quản ở trẻ bằng cách: rửa tay thường xuyên; nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và tránh tiếp xúc với khói thuốc lá; tiêm phòng bằng palivizumab (Synagis) - kích thích miễn dịch cơ thể chống lại RSV. Palivizumab được tiêm hàng tháng vào cơ cẳng chân của trẻ trong suốt mùa RSV nhưng cần hạn chế trong các trường hợp có nguy cơ cao như: Trẻ dưới 29 tuần tuổi, bệnh phổi mạn tính và/hoặc có khuyết tật giải phẫu về phổi, một số bệnh tim bẩm sinh, trẻ bị suy giảm miễn dịch...

Tiêm phòng vắc-xin cúm hàng năm cho tất cả trẻ trên 6 tháng tuổi sẽ làm giảm phần lớn các nguyên nhân gây viêm tiểu phế quản. Những người làm việc ở nhà trẻ, trường mẫu giáo cũng cần tiêm phòng vắc-xin.


DS. Nguyễn Thị Ngân Thảo
Ý kiến của bạn