Dùng thuốc trị viêm âm đạo do vi khuẩn ở bà bầu

03-07-2021 15:44 | Thông tin dược học

SKĐS - Viêm phụ khoa do nhóm vi khuẩn Bacterial vaginosis (BV) là bệnh thường gặp nhất đối với phụ nữ mang thai, cứ khoảng 5 người thì sẽ có 1 người bị nhiễm bệnh. Bệnh xảy ra khi các vi khuẩn tự nhiên sống trong âm đạo phát triển một cách quá mức trong thai kỳ, do ảnh hưởng của sự thay đổi hormone.

Viêm âm đạo do vi khuẩn có thể gây chuyển dạ và sinh non, vỡ ối sớm và nhiễm trùng tử cung sau sinh. Đây là lý do tại sao phụ nữ mang thai có tiền sử chuyển dạ sinh non hoặc các biến chứng khác có thể được kiểm tra xem có nhiễm khuẩn âm đạo hay không ngay cả khi họ không có bất kỳ triệu chứng nào.

Có đến 50% phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh viêm âm đạo do vi khuẩn nhưng không có triệu chứng. Ở những người khác, nó gây ra mùi âm đạo "tanh" khó chịu và dịch âm đạo có màu vàng hoặc trắng. Đối với một số phụ nữ, những triệu chứng này đặc biệt khó chịu trong hoặc sau khi giao hợp. Dịch tiết được thấy trong bệnh viêm âm đạo do vi khuẩn có xu hướng loãng hơn so với dịch đặc "sền sệt" được thấy trong bệnh nhiễm trùng nấm âm đạo (Candida).

Hình ảnh nấm Bacterial vaginosis gây viêm âm đạo

Khi có dấu hiệu viêm âm đạọ, thai thụ cần đi khám phụ khoa để được bác sĩ định hướng nguyên nhân và kê đơn thuốc đặc hiệu. Có nhiều lựa chọn điều trị khác nhau bao gồm: Thuốc uống, thuốc đặt âm đạo và kem bôi. Các phương pháp điều trị kháng sinh uống 7 ngày hiện nay là clindamycin và metronidazole.

Metronidazole là một chất kháng khuẩn nitroimidazole được sử dụng để quản lý các bệnh nhiễm trùng đơn bào như nhiễm trùng roi trichomonas và nhiễm trùng kỵ khí. Từ đầu những năm 1980, metronidazole đã được sử dụng rộng rãi trong điều trị viêm âm đạo do vi khuẩn với kết quả lâm sàng tốt.

Các chế phẩm khác nhau cho phép dùng đường âm đạo hoặc đường uống và các phác đồ khác nhau đã được nghiên cứu. Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo rằng tất cả phụ nữ mang thai có các triệu chứng nên điều trị bằng thuốc uống vì thuốc an toàn và hiệu quả hơn thuốc dạng kem hoặc gel bôi âm đạo. Các nghiên cứu cho thấy điều trị 7 ngày bằng metronidazole đường uống hoặc điều trị 5 ngày với metronidazole gel bôi âm đạo có hiệu quả như nhau ở phụ nữ không mang thai.

Tuy nhiên khi sử dụng thuốc cần lưu ý:

Thuốc cần có chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý sử dụng.

Một số người cảm thấy buồn nôn khi dùng metronidazole. Để giảm bớt tác dụng khó chịu này nên uống thuốc ngay sau khi ăn. Vị kim loại cũng là một tác dụng phụ phổ biến.

Không uống bất kỳ loại rượu nào trong khi dùng metronidazole, cũng như trong 48 giờ sau khi ngừng điều trị. Sự tương tác của metronidazole với rượu có thể gây nôn mửa, đồng thời có thể gây đỏ bừng mặt và tăng nhịp mạch.

Metronidazole có thể đi vào sữa mẹ với một lượng nhỏ nhưng sẽ không gây hại cho em bé, mặc dù nó có thể làm cho sữa có vị khác. Nhà sản xuất khuyến cáo rằng nếu bạn đang cho con bú, bạn nên dùng metronidazole liều thấp hơn từ 5 đến 7 ngày.

Dùng thuốc đúng và đủ liệu trình, không tự ý dừng khi thấy đã hết triệu chứng.

Cần làm gì để dự phòng?

Tất cả phụ nữ có các triệu chứng của viêm âm đạo do vi khuẩn cần được điều trị. Một số phụ nữ cũng nên được tầm soát viêm âm đạo do vi khuẩn ngay cả khi họ không có triệu chứng. Những thai phụ có nguy cơ sinh non cao nên được xét nghiệm vi khuẩn âm đạo và xem xét điều trị nếu phát hiện bệnh.

Các bác sĩ sản khoa cũng khuyến cáo rằng phụ nữ đang trải qua một số thủ thuật phụ khoa nên được kiểm tra xem có nhiễm khuẩn âm đạo hay không và điều trị ngay cả khi không có triệu chứng. Điều này là do nhiễm khuẩn âm đạo có liên quan đến sự phát triển của bệnh viêm vùng chậu và các bệnh nhiễm trùng khác sau khi sinh thiết nội mạc tử cung, phá thai bằng phẫu thuật, cắt tử cung, đặt dụng cụ tử cung, mổ lấy thai và nạo buồng tử cung.

Vì vậy, với viêm âm đạo, điều quan trọng nhất vẫn là chị em phải đi khám để biết rõ nguyên nhân cụ thể và có hướng điều trị hợp lý. Để tránh bệnh tái phát, cần tuân thủ chặt chẽ theo phác đồ.


Ds. Nguyễn Thanh Hòa
Ý kiến của bạn