Hà Nội

Dùng thuốc trị ung thư dạ dày, người bệnh cần lưu ý gì?

30-07-2022 13:33 | An toàn dùng thuốc

SKĐS – Ung thư dạ dày là bệnh ung thư thường gặp trên thế giới. Việc điều trị ung thư dạ dày trở nên khó khăn hơn nếu phát hiện muộn…

Ung thư dạ dày: Chẩn đoán và điều trịUng thư dạ dày: Chẩn đoán và điều trị

SKĐS- Ung thư dạ dày đứng thứ 6 trong số các bệnh lý ung thư thường gặp. Theo nghiên cứu có hơn 70% các trường hợp mắc ung thư dạ dày xảy ra ở các nước đang phát triển.

1. Nguyên nhân gây ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày là tình trạng tăng sinh mất kiểm soát của các tế bào biểu mô tuyến của dạ dày, từ đó hình thành nên khối u tại dạ dày, có thể xâm lấn các cấu trúc xung quanh, thậm chí di căn sang các cơ quan khác của cơ thể. Đây là một trong số các bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới.

Nguyên nhân ung thư dạ dày bao gồm: Các tổn thương tiền ung thư (viêm dạ dày mãn tính kéo dài nếu không được điều trị sẽ dẫn đến viêm teo niêm mạc dạ dày, các biến đổi dị sản, loạn sản mức độ từ nhẹ đến nặng, cuối cùng là ung thư dạ dày), vi khuẩn HP (Helicobacter pylori), thói quen ăn uống (ăn các thức ăn nhiều muối như thịt cá ướp muối, rau dưa muối, thịt nướng, thịt hun khói.. làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày), người béo phì, di truyền...

photo-1659102420066

Ung thư dạ dày là loại ung thư phổ biến trên thế giới.

2. Triệu chứng điển hình

Triệu chứng lâm sàng của ung thư dạ dày thường không đặc hiệu, dễ nhầm với các bệnh lành tính. Khi triệu chứng lâm sàng điển hình thường bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Giai đoạn sớm

Giai đoạn này các triệu chứng thường mờ nhạt: Chán ăn, đầy hơi, ậm ạch, khó tiêu, đau thượng vị (thoảng qua hoặc liên lục, thường không có liên quan đến bữa ăn), nôn, buồn nôn, mệt mỏi…

Giai đoạn muộn

Các triệu chứng thường là: Xuất huyết tiêu hoá (nôn máu, phân đen), đau thượng vị dữ dội do thủng, vỡ u; đầy hơi, chướng bụng; nuốt nghẹn, đau sau xương ức đối với ung thư tâm vị; nôn do hẹp môn vị; suy kiệt, thiếu máu; sốt do hội chứng cận u.

-Khám bụng có thể sờ thấy u vùng thượng vị, cổ trướng do di căn phúc mạc, bụng lõm lòng thuyền trong hội chứng hẹp môn vị, bụng cứng như gỗ (biến chứng thủng dạ dày).

-Khám hạch ngoại vi có thể sờ thấy hạch thượng đòn trái.

- Di căn phổi, gan, não, xương.

Các biến chứng hay gặp ở bệnh nhân ung thư dạ dày: Hẹp môn vị, xuất huyết tiêu hoá, thủng dạ dày

3. Các phương pháp điều trị

3.1. Phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính đối với ung thư dạ dày. Điều trị tốt nhất là cắt rộng tổn thương và vét hạch vùng tối đa, nhất là đối với giai đoạn sớm. Ở giai đoạn rất sớm, chỉ cần can thiệp cắt hớt niêm mạc qua nội soi là đủ.

Ở giai đoạn muộn, phẫu thuật là phương pháp điều trị triệu chứng (nhất là khi đã có biến chứng) nhằm cải thiện chất lượng sống của người bệnh và tạo điều kiện thuận lợi cho các phương pháp khác (hoá chất, điều trị đích), kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.

photo-1659102422945

Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính đối với ung thư dạ dày.

3.2. Hóa chất

Các phác đồ điều trị hóa chất ung thư dạ dày, căn bản dựa trên 5 FU. Một số phác đồ hay dùng: ECF, ECX, EOX, EOF, 5 FU và cisplatin, FLOT.

Điều trị bằng hóa chất có 3 giai đoạn:

-Hóa trị bổ trợ trước phẫu thuật: Điều trị hỗ trợ trước mổ với giai đoạn tiến triển tại chỗ, giúp chuyển từ ung thư không mổ được sang mổ được, tiêu diệt các ổ vi di căn.

-Hóa trị bổ trợ sau phẫu thuật: Chỉ định cho giai đoạn II-III đã được phẫu thuật triệt căn.

-Hóa trị triệu chứng: Chỉ định cho trường hợp không có khả năng phẫu thuật triệt căn hoặc các bệnh nhân tái phát, di căn xa.

3.3. Xạ trị

Việt Nam, chỉ định xạ trị trong điều trị ung thư dạ dày ít được áp dng do những tác dụng không mong muốn của xạ trị còn nhiều.

Thống kê năm 2020 cho thấy, trên thế giới ung thư dạ dày đứng thứ 5 trong số các bệnh ung thư thường gặp với hơn 1 triệu người mắc mới, đứng thứ 4 về tỷ lệ tử vong do bệnh ác tính với 770.000 ca. Tại Việt Nam, ung thư dạ dày đứng thứ 4 về tỷ lệ mắc mới sau ung thư gan, phổi, vú với gần 18.000 trường hợp.

3.4. Điều trị đích

Dùng các kháng thể đơn dòng (trastuzumab, cetuximab, bevacizumab) để kháng lại yếu tố phát triển biểu mô của u hoặc ức chế yếu tố phát triển mạch máu nuôi u. Các thuốc này có vai trò trong những bệnh nhân giai đoạn tiến triển, di căn xa.

4. Lưu ý khi điều trị ung thư dạ dày

Bệnh nhân cần:

  • Tuân thủ chỉ định của bác sĩ.
  • Không được tự ý tăng hay giảm liều thuốc.
  • Khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào cần báo ngay cho bác sĩ để kịp thời xử trí.

Bệnh nhân ung thư dạ dày vẫn cần có chế độ ăn uống đầy đủ, hợp lý và lành mạnh để tăng cường miễn dịch và nâng cao sức khỏe. Chế độ ăn cần đủ 4 nhóm: Tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.

- Tăng cường bổ sung thực phẩm chứa nhiều omega-3: Cá hồi, cá thu, cá mòi, hàu, cải xanh, rau súp lơ, quả óc chó, hạt chia, dầu oliu...

- Sử dụng các thực phẩm giàu vitamin E, C, A, selen có khả năng chống oxy hóa: Cà rốt, giá đỗ xanh, cà chua, rau ngót, rau muống, ổi, bưởi, cam, chuối, bơ, chôm chôm, mít, dâu tây, dưa hấu, dưa bở, lựu, thanh long, na...
- Có thể uống 1 đến 2 tách trà xanh mỗi ngày.

- Hạn chế ăn các thực phẩm chứa nhiều axit béo (thịt nướng, hun khói, các món xào, rán, quay, các loại bánh như bánh chả...), thực phẩm chế biến công nghiệp, đóng gói sẵn ồ hộp, thịt nguội….), hạn chế uống nước chè ban đêm.

- Thực phẩm không nên dùng: Dầu mỡ rán đi rán lại nhiều lần, thức ăn bị mốc (lạc, đỗ đậu, hạt bí, hạt dưa…), các chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá...).

- Có chế độ vận động, nghỉ ngơi hợp lý.

- Cần sự chăm sóc, động viên từ người thân...


Xem thêm video đang được quan tâm:


Bệnh đậu mùa khỉ: Hiểu đúng về vaccine và thuốc điều trị.


BS. Hà Hải Nam
Bệnh viện K
Ý kiến của bạn