Thống kê cho thấy, có 33% - 76% người bệnh có thể gặp triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài ít nhất 6 tháng sau khi nhiễm bệnh, 20% người bệnh phải tái nhập viện; 80% người bệnh phải theo dõi tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu trong vòng 2 tháng sau xuất viện. Tình trạng này có thể khiến sức khỏe người bệnh bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội.
1. Vì sao bệnh nhân hậu COVID-19 lại bị tiêu chảy?
Ở bệnh nhân COVID-19, SARS-CoV-2 chủ yếu lây nhiễm qua đường hô hấp (tế bào niêm mạc mũi, tế bào phổi, đại thực bào phế nang) và đường tiêu hóa (tế bào hấp thụ - enterocytes). Chúng xâm nhập thông qua sự tương tác trực tiếp giữa protein S (ở lớp vỏ) và men chuyển angiotensin 2 (ACE2) trên thụ thể tế bào.
ACE2 đóng một vai trò chính trong vận chuyển axit amin ở biểu mô ruột, một cơ chế liên quan đến việc sản xuất các peptit kháng khuẩn, điều này cho thấy vai trò của nó trong việc duy trì hàng rào ruột và cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột. Mất ACE2 làm ảnh hưởng đến sự hấp thu của ruột đối với một số axit amin trong chế độ ăn uống, chẳng hạn như tryptophan – chất đóng một vai trò quan trọng trong khả năng miễn dịch, từ đó gây suy giảm miễn dịch tại ruột.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu trước đây cũng đã gợi ý rằng, sự chuyển hóa serotonin (5-hydroxytrytamine - một loại hormone và chất dẫn truyền thần kinh) bị thay đổi có thể là nguyên nhân cơ bản của các rối loạn tiêu hóa liên quan đến tiêu chảy.
Những phát hiện về nồng độ serotonin trong huyết tương cao ở bệnh nhân COVID-19 bị tiêu chảy cho thấy rằng, nhiễm virus gây ra phản ứng viêm toàn thân liên quan đến tiêu hóa. Hơn nữa, nhiều bệnh nhân COVID-19 vẫn có thể thấy SARS-CoV-2 ở trực tràng ngay cả sau khi vòm họng sạch virus. Điều này cho thấy rằng, sự nhân lên và đào thải của virus khỏi đường tiêu hóa có thể mạnh hơn so với đường hô hấp. Đây là nguyên nhân dẫn đến các triệu chứng tiêu chảy kéo dài, kể cả khi đã khỏi COVID-19.
Nhiều bệnh nhân hậu COVID-19 gặp các triệu chứng rối loạn tiêu hóa.
2. Điều trị tiêu chảy hậu COVID-19 thế nào?
Tiêu chảy hậu COVID-19 có thể sẽ gây ra tình trạng mất nước nguy hiểm. Mất nước nhẹ rất thường gặp và được phục hồi nhanh chóng bằng việc uống nhiều nước, bù dung dịch điện giải. Tuy nhiên, tình trạng mất nước nghiêm trọng có thể sẽ gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời, bởi tất cả cơ quan trong cơ thể đều cần một lượng dịch nhất định để thực hiện chức năng của chúng.
Các triệu chứng mất nước ở bệnh nhân tiêu chảy hậu COVID-19 thường bao gồm: Mệt mỏi, chóng mặt hay đầu óc quay cuồng, đau đầu, chuột rút, mắt trũng, tiểu ít, khô miệng và lưỡi, yếu người và trở nên kích thích.
Các triệu chứng của mất nước nặng bao gồm: Mất ý thức, nhịp tim tăng nhanh, hôn mê và tiểu rất ít. Do đó, khi bị tiêu chảy hậu COVID-19, việc bổ sung đủ nước và điện giải là quan trọng nhất.
2.1.Bù dịch
Trong đại đa số các trường hợp, mất nước do tiêu chảy (với bất kỳ nguyên nhân nào) đều có thể được điều trị hiệu quả bằng oresol (ORS). Tiêu chảy hậu COVID-19 cũng cần được bù dịch bằng oresol. Trong oresol có chứa glucose, kali clorid, natri citrat.
- Glucose sẽ được hấp thu tích cực cùng với natri ở ruột.
- Kali clorid giúp bù kali trong tiêu chảy cấp, đặc biệt ở trẻ em vì trẻ mất kali trong phân nhiều hơn người lớn.
- Natri citrat có tác dụng trong việc khắc phục nhiễm toan chuyển hóa do mất nước. Nếu điều trị sớm sẽ giúp bảo vệ chức năng thận.
Lưu ý khi dùng oresol:
- Khi sử dụng, cần hòa tan bột thuốc hoặc viên thuốc trong nước theo hướng dẫn ghi trên nhãn của từng loại chế phẩm.
- Cho uống dung dịch đã pha với lượng tùy theo mức độ mất nước.
- Thuốc đã pha chỉ dùng trong 24 giờ.
- Với trẻ nhỏ cần cho uống từng ít một, uống chậm và nhiều lần.
- Oresol chống chỉ định trên những bệnh nhân nôn nhiều và kéo dài, tắc ruột, liệt ruột, thủng ruột, tiểu rất ít hoặc không có nước tiểu, mất nước nặng kèm triệu chứng sốc vì bù nước bằng đường uống quá chậm, cần điều trị nhanh bằng tiêm tĩnh mạch.
- Rất thận trọng khi sử dụng trên bệnh nhân suy thận, suy gan và suy tim sung huyết.
- Các tác dụng phụ khi dùng oresol rất hiếm gặp, thường là nôn nhẹ.
2.2.Thuốc giảm tiêu chảy hậu COVID-19
Loperamid: Có tác dụng làm giảm nhu động ruột, giảm tiết dịch ở đường tiêu hóa và tăng trương lực cơ co thắt ở hậu môn. Ngoài ra, loperamid còn có tác dụng làm kéo dài thời gian vận chuyển thức ăn qua ruột, tăng vận chuyển dịch và chất điện giải qua niêm mạc ruột, do đó làm giảm hiện tượng mất nước và điện giải, tăng độ đặc và giảm khối lượng phân. Loperamid chống chỉ định trong các trường hợp mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc, táo bón, tổn thương gan, viêm đại tràng nặng, hội chứng lỵ, trẻ em dưới 6 tuổi.
Tuy nhiên, loperamid chỉ là thuốc điều trị triệu chứng của bệnh tiêu chảy, muốn điều trị triệt để phải điều trị được nguyên nhân. Loperamid được chỉ định cầm tiêu chảy sau khi biết rõ nguyên nhân và sử dụng các thuốc điều trị thích hợp. Đối với trường hợp tiêu chảy nhiễm trùng (thường kèm sốt), khi chưa xác định được vi khuẩn gây tiêu chảy hoặc chưa sử dụng kháng sinh để điều trị ổ nhiễm trùng, người bệnh không được tự ý sử dụng loperamid. Sử dụng quá liều loperamid có thể dẫn đến liệt ruột ức chế hô hấp và hệ thần kinh trung ương, gây co cứng bụng, táo bón, kích thích đường tiêu hóa, buồn nôn và nôn.
Diphenoxylate: Thuốc giúp giảm số lượng và tần suất đại tiện. Diphenoxylate tương tự như thuốc giảm đau, nhưng nó lại hoạt động chủ yếu để làm chậm nhu động ruột. Thuốc này không được sử dụng để điều trị tiêu chảy do một số loại nhiễm trùng.
Lưu ý, trẻ em dưới 13 tuổi không được dùng thuốc dưới dạng viên nén. Các tác dụng phụ phổ biến của thuốc có thể bao gồm đau đầu, chóng mặt, ngứa và phát ban, đau dạ dày, khô miệng, ăn không ngon. Hầu hết các tác dụng phụ này có thể bị biến mất trong vòng vài ngày hoặc vài tuần.
Spasmaverine: Đây là thuốc chống co thắt cơ trơn. Thuốc tác dụng trực tiếp lên sợi cơ trơn (tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục) mà không tác động lên mạch máu, tim, phế quản. Thuốc chổng chỉ định với các bệnh nhân liệt ruột, tắc ruột, phụ nữ có thai và cho con bú. Tác dụng phụ thường gặp là buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, ngứa, phát ban, phản ứng dị ứng (bao gồm sốc phản vệ).
Chỉ dùng thuốc trị tiêu chảy khi có chỉ định của bác sĩ.
2.3. Có nên dùng kháng sinh?
Thông thường kháng sinh chỉ dùng trong các trường hợp tiêu chảy do vi khuẩn. Do đó, việc dùng kháng sinh điều trị tiêu chảy ở bệnh nhân hậu COVID-19 là không có tác dụng.
Chưa kể đến, dùng kháng sinh bừa bãi, có thể gây một số tác dụng phụ nguy hiểm.
3. Lời khuyên của thầy thuốc
- Chỉ sử dụng thuốc khi đã được tư vấn từ bác sĩ.
- Đối với các trường hợp tiêu chảy kèm sốt, đau bụng quặn từng cơn, mót rặn, đi ngoài phân lỏng lẫn nhày máu, nôn mửa nhiều hoặc tiêu chảy dữ dội và liên tục 20-50 lần/ngày, phân toàn nước như nước vo gạo cần nhập viện ngay để điều trị kháng sinh.
- Ăn chín - uống nước đã đun sôi.
- Có thể uống nước trái cây bổ sung thêm vitamin C và điện giải.
- Ăn nhiều rau xanh…
- Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Vệ sinh môi trường sống xung quanh.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Tiếp xúc gần F0, vì sao nhiều người vẫn 'miễn nhiễm' với COVID-19?