Bệnh thủy đậu thường không quá nghiêm trọng nhưng nhiều người lại rất lo lắng và sử dụng thuốc không đúng cách. Việc dùng thuốc điều trị thủy đậu cần tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc để tránh gây biến chứng nguy hiểm.
Bệnh thủy đậu
Thủy đậu (còn gọi là bệnh trái rạ) là một bệnh do virut varicella zoster gây ra thường mắc ở trẻ nhỏ. Các triệu chứng của nhiễm virut thủy đậu thường bắt đầu như ho, hắt hơi, sổ mũi, sốt, quấy khóc... Sau đó xuất hiện các ban dát sẩn, lúc đầu ở thân mình, sau đó lan ra toàn thân. Ban gây ngứa và tiến triển thành nốt phỏng có chứa dịch trong, kích thước bé như hạt đậu (phỏng nước), sau đó các nốt phỏng này vỡ và đóng vảy. Do virut thủy đậu thường làm giảm sức đề kháng của cơ thể nên dễ bị biến chứng và mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp hoặc tiêu hóa. Ngứa là triệu chứng gặp ở hầu hết bệnh nhân bị thủy đậu, đặc biệt ở bệnh nhân có nổi nhiều bóng nước. Cảm giác ngứa kéo dài, gây khó chịu ở người bệnh và làm người bệnh luôn có cảm giác muốn gãi. Tuy nhiên, việc gãi, làm vỡ các bọng nước rất nguy hiểm vì có thể gây nhiễm trùng, đồng thời chắc chắn sẽ để lại sẹo tại những điểm các bọng nước bị vỡ.
Khi bị thủy đậu, cần đi khám bác sĩ để tránh biến chứng của bệnh.
Thuốc dùng khi bị thủy đậu
Khi bị thủy đậu, tùy từng triệu chứng có thể sử dụng những loại thuốc sau:
Xanh methylen là thuốc bôi tại chỗ có tác dụng sát khuẩn nhẹ. Thường dùng dạng dung dịch dùng ngoài 1% hoặc dung dịch milian (gồm xanh methylen, tím gentian, ethanol, nước cất...), giúp các vết bọng nước nhanh đóng vảy và rụng, giúp mau lành bệnh.
Thuốc kháng histamin như chlopheniramin hoặc loratadine... có tác dụng giảm ngứa rất tốt. Ngoài ra, việc bôi các dung dịch làm ẩm da như calamine cũng sẽ có tác dụng bớt ngứa. Tránh để da quá khô, cảm giác ngứa sẽ rất gay gắt và khó chịu.
Paracetamol chỉ sử dụng nếu người bệnh bị sốt. Khi bị thủy đậu, tình trạng sốt, sốt nhẹ là rất phổ biến. Khi bệnh nhân đau và sốt cao, có thể dùng paracetamol, chọn dạng phù hợp với lứa tuổi. Lưu ý tuyệt đối không sử dụng aspirin vì có thể gây phản ứng ngoài mong muốn (ADR) nguy hiểm. Nên dùng các phương pháp hạ sốt vật lý như chườm khăn ấm, sử dụng băng dán hạ sốt hoặc các bài thuốc thảo dược hạ sốt.
Acyclovir là thuốc kháng virut đặc trị khi bị thủy đậu. Tuy nhiên, do thủy đậu là một bệnh lành tính, thuốc kháng virut chỉ dùng trong trường hợp bệnh nặng, phòng biến chứng viêm phổi thủy đậu, biến chứng nội tạng hoặc bệnh nhân có suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS, phụ nữ có thai, người mới ghép tạng, sử dụng corticoid dài ngày. Acyclovir là một thuốc kháng virut có tác dụng trong việc ức chế khả năng “sản sinh” của các virut, do đó hạn chế sự lan rộng của thủy đậu trên cơ thể. Acyclovir có thể dùng đường uống, đường tiêm hoặc đường tại chỗ (bôi ngoài da). Thuốc có hiệu quả nhất nếu sử dụng trong vòng 24 giờ trước khi nổi bóng nước, trung bình 5 - 7 ngày hoặc đến khi không có bong bóng nước mới xuất hiện nữa. Liều lượng phụ thuộc lứa tuổi hoặc cân nặng (đối với trẻ nhỏ). Trường hợp nặng hơn hoặc có biến chứng như viêm màng não, trẻ suy giảm miễn dịch, có thể dùng acyclovir đường tĩnh mạch.
Ngoài ra, khi bị thủy đậu nhiều người thường có xu hướng sử dụng những bài thuốc dân gian với thảo dược ( kim ngân, lá dâu, cam thảo, lá tre...) để chữa bệnh. Tuy nhiên, cần cẩn trọng chọn lựa các cơ sở Đông y uy tín và các bài thuốc dân gian này phải được chọn lọc phù hợp với cơ địa người bệnh.
Cần phải giữ vệ sinh cơ thể, tránh bội nhiễm đặc biệt là ở da. Tăng cường dinh dưỡng, ăn những thức ăn lỏng, dễ tiêu, giàu dinh dưỡng như sữa, cháo, súp nấu với thịt, uống nhiều nước hoa quả, đặc biệt khi thủy đậu kèm theo sốt. Giữ ấm để tránh bội nhiễm khác, nhất là ở đường hô hấp và đường tiêu hóa. Đối với trẻ em, nên cho bé nghỉ học trong thời gian này để cách ly bé với các bạn cùng lớp, tránh lây nhiễm. Điều quan trọng nhất trong khi bị thủy đậu là phải giữ cho cơ thể luôn sạch sẽ, tránh việc để nhiễm khuẩn các bọng nước khiến gây ra những biến chứng nguy hiểm.