Dùng thuốc trị nhiễm khuẩn tiết niệu

06-12-2012 15:25 | Thông tin dược học
google news

Tôi 60 tuổi, vừa rồi bị tiểu buốt, tiểu rắt, rất khó chịu. Tôi đi khám, bác sĩ kết luận bị viêm đường tiết niệu và kê đơn cho uống một số loại thuốc. Nhưng chỉ một thời gian sau, tôi lại có triệu chứng như kể trên. Xin cho biết, có loại thuốc nào trị dứt điểm bệnh này?

Tôi 60 tuổi, vừa rồi bị tiểu buốt, tiểu rắt, rất khó chịu. Tôi đi khám, bác sĩ kết luận bị viêm đường tiết niệu và kê đơn cho uống một số loại thuốc. Nhưng chỉ một thời gian sau, tôi lại có triệu chứng như kể trên. Xin cho biết, có loại thuốc nào trị dứt điểm bệnh này?

Hoàng Trọng Linh (Gia Lâm, Hà Nội)

Nhiễm khuẩn tiết niệu có hai thể là nhiễm khuẩn tiết niệu thấp và nhiễm khuẩn tiết niệu cao. Về điều trị, tùy theo vị trí nhiễm khuẩn, mức độ nhẹ hay nặng, cấp tính hay mạn tính và chủng vi khuẩn gây bệnh sẽ có những biện pháp điều trị khác nhau. Để chẩn đoán được chính xác, bác cần đến cơ sở chuyên khoa để được khám và làm các xét nghiệm cần thiết. Tuy nhiên, về điều trị bệnh này, nguyên tắc chung là lựa chọn kháng sinh thích hợp, tốt nhất là dùng kháng sinh theo kháng sinh đồ (tức là sau khi cấy nước tiểu hoặc máu thấy vi khuẩn gây bệnh thì đánh giá mức độ nhạy cảm của vi khuẩn với một số thuốc kháng sinh, từ đó lựa chọn kháng sinh nhạy cảm nhất) điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ khác.

Dùng thuốc trị nhiễm khuẩn tiết niệu  1
Hệ tiết niệu ở nam giới.

Trường hợp nhiễm khuẩn tiết niệu thấp thường dùng kháng sinh đường uống kết hợp với thuốc sát khuẩn tại chỗ. Các kháng sinh thường dùng có tác dụng tốt trong nhiễm khuẩn tiết niệu thấp hiện nay như nhóm quinolon. Thuốc không sử dụng cho phụ nữ có thai, đang cho con bú và trẻ em dưới 16 tuổi vì thuốc ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ do gây tổn thương sụn khớp. Các nhóm kháng sinh khác như cephalosporin, beta lactam (ampicillin) cũng có tác dụng tốt. Một kháng sinh thông thường, rẻ tiền, khá thông dụng hiện nay là co-trimoxazon (biseptol) cũng có tác dụng trong một số trường hợp nhiễm khuẩn tiết niệu nhẹ, tuy nhiên, tỷ lệ vi khuẩn kháng kháng sinh này hiện nay khá cao. Thời gian sử dụng kháng sinh tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ chuyên khoa cho từng trường hợp.

Trường hợp nhiễm khuẩn tiết niệu cao (viêm thận - bể thận cấp hay đợt cấp của viêm thận - bể thận mạn) cần dùng kháng sinh đường tĩnh mạch liều cao và nên phối hợp ít nhất hai kháng sinh. Thời gian dùng kháng sinh cũng dài hơn, ít nhất cũng dùng trong 14 ngày. Lựa chọn thuốc tốt nhất theo kháng sinh đồ, tuy nhiên do kháng sinh đồ cho kết quả muộn hoặc cấy không mọc vi khuẩn nên cần cho kháng sinh sớm theo kinh nghiệm, dựa vào vi khuẩn hay gặp, tuổi mắc bệnh, các bệnh lý kèm theo... Các thuốc có thể dùng như quinolon (ciprofloxacin truyền tĩnh mạch) kết hợp augmentin; hoặc cephalosporin (ceftriaxon tiêm tĩnh mạch) kết hợp thuốc nhóm quinolon uống hay truyền tĩnh mạch - hoặc kết hợp thuốc aminosid tiêm bắp hoặc pha truyền tĩnh mạch một lần trong ngày.

Các biện pháp điều trị hỗ trợ khác trong bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu bao gồm uống nhiều nước thường trên 1,5 lít/ ngày, hạ sốt giảm đau, nâng cao thể trạng. Điều trị các yếu tố thuận lợi như điều trị sỏi tiết niệu (uống thuốc tan sỏi, tán sỏi, phẫu thuật lấy sỏi...), điều trị u phì đại lành tính tiền liệt tuyến, điều trị các dị dạng đường niệu, điều trị các bệnh kèm theo. Điều trị các biến chứng của bệnh như suy thận, thiếu máu, tăng huyết áp... Tóm lại, nhiễm khuẩn tiết niệu là một bệnh khá thường gặp ở nam giới, nếu phát hiện sớm, điều trị tích cực có thể khỏi hẳn không để lại di chứng. Trường hợp ngược lại có thể dẫn đến suy thận mạn tính là bệnh có tiên lượng xấu.

ThS. Nguyễn Vân Anh



Ý kiến của bạn