1. Triệu chứng của bệnh cúm A
Cúm A là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, có thể xuất hiện quanh năm nhưng thường bùng phát vào mùa đông - xuân. Virus gây bệnh cúm A có thể tồn tại trong nhiều vật chủ và môi trường, không khí… do đó nguy cơ lây bệnh dẫn đến bùng phát dịch rất cao.
Ở trẻ em (do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện), người cao tuổi và người mắc các bệnh nền mạn tính như đái tháo đường, suy thận, suy gan, bệnh phổi… (có hệ miễn dịch bị suy giảm) sẽ có nguy cơ cao hơn mắc bệnh. Khi mắc bệnh, triệu chứng cũng nghiêm trọng hơn và có thể gặp biến chứng nặng nề hơn…
Các triệu chứng cúm A thường gặp: Ho, khó thở, sốt cao, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, đau cơ, đau họng, mệt mỏi. Trẻ em có kèm theo nôn trớ, chán ăn, quấy khóc bất thường, cáu gắt…
Các triệu chứng của cúm A khá giống với cúm thông thường, nên nhiều trường hợp không được điều trị sớm, đúng cách và có thể dẫn đến gặp phải các biến chứng hoặc tiềm ẩn các nguy cơ biến chứng như viêm phổi, viêm cơ tim, suy hô hấp…
2. Điều trị cúm A như thế nào?
Hầu hết các trường hợp mắc cúm A được chỉ định điều trị tại nhà và khỏi bệnh sau 7-10 ngày. Một số ít bệnh nhân diễn biến nặng hoặc có nguy cơ gặp biến chứng cao thì cần phải được điều trị tại cơ sở y tế. Thuốc điều trị cúm A bao gồm thuốc điều trị triệu chứng và thuốc kháng virus.
Thuốc điều trị triệu chứng
- Bổ sung nước và điện giải: Cúm A sẽ khiến bệnh nhân sốt cao, ở trẻ em có thể nôn trớ… là nguyên nhân dẫn đến mất nước và mất cân bằng điện giải, từ đó tăng nguy cơ xuất hiện biến chứng. Do đó khi bị cúm A cần bù nước và điện giải bằng dung dịch oresol pha đúng theo hướng dẫn nhằm ngăn chặn tình trạng sốc, sốt cao co giật.
- Thuốc hạ sốt: Khi sốt cao từ 38,5 độ C trở lên, cần dùng thuốc hạ sốt nhằm giảm sự khó chịu, nhức mỏi người, đau đầu và cũng giúp ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xuất hiện do sốt cao.
Thuốc hạ sốt phổ biến và an toàn hơn là paracetamol. Hàm lượng thường dùng mỗi lần từ 10-15mg/1kg thể trọng. Nếu dùng thấp hơn thì tác dụng hạ sốt của thuốc không mang lại hiệu quả. Nếu dùng liều cao hơn có thể gây ngộ độc cho gan, do đó cần tính toán lượng thuốc vừa đủ. Mỗi lần dùng thuốc hạ sốt cần cách nhau từ 4-6 tiếng. Sau khi dùng thuốc khoảng 30 phút nếu chưa hạ sốt thì cần phối hợp chườm mát vào trán, lòng bàn tay, chân của trẻ.
Lưu ý: Không dùng thuốc nhiều hơn 10 ngày cho người lớn và 5 ngày cho trẻ em mà không có sự đồng ý của bác sĩ.
Ngoài paracetamol thì ibuprofen cũng là thuốc hạ sốt giảm đau khá tốt, nhưng do thuốc có tác dụng phụ trên đường tiêu hóa nên ít được sử dụng hơn paracetamol. Chỉ nên dùng với trường hợp không dùng được paracetmol, theo hướng dẫn của bác sĩ. Với trẻ em, tuyệt đối không dùng aspirin hoặc salicylate để hạ sốt.
- Thuốc giảm ho: Trường hợp cúm kèm theo ho khan kéo dài liên tục có thể khiến cho người bệnh mệt mỏi. Vì vậy, bác sĩ có thể kê thêm thuốc giảm ho có tác dụng xoa dịu cơn ho và đau họng. Đối với trường hợp chỉ bị ho khan thì có thể dùng thuốc chứa codein hoặc dextromethorphan.
- Thuốc long đờm: Thuốc có tác dụng làm loãng đờm, giúp cơ thể đẩy chất nhầy ra khỏi cổ họng một cách nhanh chóng. Những loại thuốc long đờm phổ biến gồm eprazinon, carbocystein, bromhexin, ambroxol…
Lưu ý, khi dùng thuốc long đờm thì không dùng thuốc giảm ho. Vì nếu đờm bị long mà dùng thuốc ức chế ho, khiến đờm không được tống đẩy ra ngoài sẽ gây hại.
- Thuốc thông mũi: Cúm A thường có triệu chứng nghẹt mũi, khó thở, có thể dùng thuốc nhỏ mũi như nước muối sinh lý, thuốc làm co mạch (oxymetazolin ephedrin, naphazoline…).
Thuốc kháng virus
Thuốc có thành phần chứa chất ức chế neuraminidase có tác dụng ngăn chặn và làm suy giảm sự lây lan của virus cúm từ tế bào này sang tế bào khác trong cơ thể. Một số loại thuốc kháng virus phổ biến như zanamivir (relenza), oseltamivir (tamiflu)… Tuy nhiên, thuốc kháng virus chỉ nên sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý sử dụng.
Ngoài việc dùng thuốc, chế độ nghỉ ngơi và dinh dưỡng cũng đóng vai trò rất quan trọng nhằm nâng cao thể lực, giúp người bệnh mau khỏi hơn. Khi nghi ngờ hoặc chắn chắn bị mắc cúm A, người bệnh nên nghỉ ngơi tại nhà, tránh đi học/đi làm hoặc đến nơi công cộng đông người để tránh lây bệnh cho cộng đồng.
Để phòng bệnh, hằng năm nên tiêm vaccine phong cúm, đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ cao.
Mời độc giả xem thêm video:
Cúm A: Cảnh báo biến chứng mới gây nguy hiểm, ai cũng cần biết.