Những người bị tăng huyết áp hoặc bệnh tim cần hết sức lưu ý khi mua và sử dụng các loại thuốc không kê đơn (OTC), trong đó có thuốc trị cảm lạnh..., vì các thuốc này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.
Cảm lạnh là tình trạng rất thường gặp, do nhiễm virus ở đường hô hấp trên như mũi và họng... Người bệnh có các triệu chứng như: Ngạt hoặc chảy nước mũi, ho, hắt xì, đau đầu, đau người, đau cơ, sốt nhẹ... Do đó các thuốc sử dụng điều trị triệu chứng là chính.
Có rất nhiều loại thuốc trị các triệu chứng của cảm lạnh khác nhau gồm: Thuốc thông mũi, thuốc giảm ho, chống dị ứng, thuốc giảm đau, hạ sốt... Mặc dù những thành phần của thuốc cảm cúm này có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn, nhưng chúng có thể làm cho bệnh tim và tình trạng tăng huyết áp trở nên tồi tệ hơn.
Thuốc cảm lạnh cần tránh khi tăng huyết áp
Có 2 loại thuốc phổ biến trị cảm lạnh mà người bệnh tăng huyết áp cần đặc biệt lưu ý:
Thuốc thông mũi: Thuốc này hoạt động bằng cách làm cho các mạch máu co lại. Điều này giúp điều trị tắc nghẽn, xảy ra khi các mạch máu trong mũi bị sưng nề. Thật không may, thuốc thông mũi cũng có thể làm tăng huyết áp.
Những người bị tăng huyết áp nên nói chuyện với bác sĩ trước khi sử dụng thuốc thông mũi, bao gồm cả những loại có chứa pseudoephedrine hoặc phenylephrine.
Thuốc giảm đau, chống viêm không steroid (NSAID): NSAID là thuốc giảm đau và hạ sốt không kê đơn phổ biến. Naproxen, ibuprofen... đều là NSAID. Mặc dù chúng có hiệu quả để điều trị cơn đau (đau đầu, đau nhức cơ, đau mình mẩy - triệu chứng của cảm cúm), nhưng chúng có thể gây tăng huyết áp khi dùng bằng đường uống.
Các thuốc này cũng có thể làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Vì vậy những người bị tăng huyết áp được khuyến cáo không nên sử dụng NSAID.
Những lưu ý để dùng thuốc an toàn
Để an toàn khi sử dụng thuốc, người bệnh tăng huyết áp cần lưu ý:
Trao đổi với bác sĩ để lựa chọn phương pháp điều trị tốt nhất: Bác sĩ có thể cung cấp cho bạn danh sách các loại thuốc an toàn để giải quyết các triệu chứng khác nhau của cảm lạnh, chẳng hạn như nghẹt mũi hoặc xoang, sốt, đau nhức hoặc ho... Bác sĩ cũng cho bạn biết các loại thuốc cần phải tránh hoặc có thể khuyến cáo một số cách để bạn có thể đối phó với những triệu chứng này mà không cần dùng thuốc.
Học cách đọc nhãn thuốc: Khi bạn đang chọn một loại thuốc không kê đơn, hãy học cách đọc nhãn thuốc. Điều quan trọng nhất là phải xem các thành phần hoạt tính trong thuốc. Đó là những thành phần có ảnh hưởng lớn nhất đến cơ thể bạn. Nếu bạn bị tăng huyết áp, hãy tránh các loại thuốc có những hoạt chất sau:
Thuốc thông mũi: Pseudoephedrine, phenylephrine...
Thuốc NSAID: Ibuprofen, naproxen...
Dùng thuốc nào an toàn?
Có những lựa chọn thay thế an toàn hơn ở những người bị tăng huyết áp.
Thuốc kháng histamine: Được dùng khi người bệnh bị chảy nước mũi (một triệu chứng của cảm lạnh). Thuốc kháng histamin như diphenhydramine có thể giúp làm khô mũi (giảm tắc nghẽn) và an toàn hơn thuốc thông mũi. Do thuốc có thể gây buồn ngủ nên tốt nhất uống thuốc vào buổi tối, trước khi đi ngủ.
Thuốc kháng histamine có thể giúp giảm ho và giúp dễ ngủ hơn khi bị cảm lạnh.
Thuốc giảm đau, hạ sốt acetaminophen (hay paracetamol): Sốt và đau nhức (đau đầu, đau mình, đau cơ) cũng là triệu chứng phổ biến của cảm lạnh. Người bệnh có thể dùng acetaminophen có thể giúp ứng phó với các triệu chứng này. Lưu ý, dùng liều theo khuyến cáo của nhà sản xuất 10-15mg/kg cân nặng/lần (do đó, liều của người 80kg phải khác với liều của người 40kg). Cách 4-6 giờ mới được dùng liều kế tiếp (nếu thấy cần thiết). Không dùng quá liều qui định có thể dẫn tới hại gan. Những người có vấn đề về gan cần dùng thận trọng.
Thuốc long đờm guaifenesin: Thành phần này được tìm thấy trong nhiều sản phẩm, là một loại thuốc long đờm giúp thông xoang và giảm tắc nghẽ...
Thuốc giảm ho dextromethorphan: Đây là một chất giảm ho được tìm thấy trong nhiều loại thuốc ho không kê đơn. Nếu cơn ho làm đau họng, hãy tìm thuốc có chứa dextromethorphan. Thuốc có thể làm giảm các triệu chứng ho, qua đó làm giảm đau họng.
Các biện pháp khắc phục tại nhà
Người bệnh tăng huyết áp cũng có thể kiểm soát các triệu chứng cảm lạnh của mình bằng các biện pháp khắc phục tại nhà, bao gồm:
Dùng nước muối xịt mũi để làm thông mũi.
Hít hơi nước từ vòi hoa sen hoặc bát nước nóng làm dịu sự tắc nghẽn và giúp người bệnh dễ thở hơn.
Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng khi ngủ có thể giúp đường mũi thông thoáng hơn.
Sử dụng mật ong giúp làm dịu cổ họng và có thể giúp giảm ho.
Xem thêm video đang được quan tâm
Đừng để cháy nắng làm hỏng làn da của bạn